ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3100/1998/QĐ-UB
|
ngày 18 tháng 11
năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày
21/06/1994;
Căn cứ Quyết định số 429/1998/QĐ-UB ngày
21/02/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành Kế hoạch tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002; Kế hoạch tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật năm 1998 và thành lập Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 452/TTr-TP ngày
05/11/1998 của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy
chế hoạt động của Báo cáo viên pháp luật tại tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, các thành viên Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
tỉnh Lâm Đồng và các báo cáo viên pháp luật chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/1998./.
|
UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Q. CHỦ TỊCH
Đặng Đức Lợi
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG
CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 3100/1998/QĐ-UB ngày 18 tháng 11 năm 1998 của
UBND tỉnh Lâm Đồng)
I- Những quy định chung:
Điều 1: Báo cáo viên pháp luật gồm báo cáo
viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện, là những người có kiến thức, có khả năng,
phương pháp báo cáo và truyền đạt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, đang
công tác hoặc đã nghỉ hưu, trực tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật trong cán bộ- công chức và các tầng lớp nhân dân.
Điều 2: Báo cáo viên pháp luật do cơ quan có
thẩm quyền công nhận và Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ. Các cơ quan Tư pháp phối hợp
với các cơ quan, tổ chức hữu quan để xây dựng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, đồng
thời tạo điều kiện thuận lợi để các Báo cáo viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ.
Điều 3: Báo cáo viên pháp luật hoạt động
kiêm nhiệm hoặc chuyên trách, có nhiệm vụ thực hiện liên tục, thường xuyên, rộng
khắp việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, với nhiều nội dung và hình
thức phong phú, theo kế hoạch của từng cơ quan, tổ chức có báo cáo viên pháp luật
và theo hướng dẫn của Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Tỉnh Lâm Đồng, của cơ quan Tư pháp và các cơ quan khác có thẩm quyền, nhằm nâng
cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần
nâng cao dân trí pháp lý, văn hóa pháp luật, thực hiện pháp luật một cách
nghiêm chỉnh, đúng đắn, thống nhất.
II/ Tiêu chuẩn báo cáo viên pháp luật:
Điều 4: Báo cáo viên pháp luật phải hội đủ
các tiêu chuẩn chung sau đây:
1- Có kiến thức nhất định về pháp luật, hiểu sâu về
lĩnh vực được phân công công báo Công báo cáo.
2- Có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức
tốt, gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật, có uy tín trong công tác, trong
sinh hoạt ở cơ quan, cộng đồng dân cư.
3- Tự nguyện, có tinh thần trách nhiệm, có khả
năng, phương pháp truyền đạt và có điều kiện về sức khỏe, thời gian để hoàn
thành nhiệm vụ báo cáo, tuyên truyền pháp luật.
4- Đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên pháp
luật.
III/ Quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật:
Điều 5: Báo cáo viên pháp luật có những quyền
sau đây:
1- Được cung cấp những thông tin, văn bản quy phạm
pháp luật và tài liệu pháp luật liên quan đến nội dung tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật.
2- Được tham dự các hoạt động học tập, bồi dưỡng
nghiệp vụ và tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao kiến thức
chuyên môn về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
3- Kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo hiệu
quả hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
4- Được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định hiện
hành.
5- Được cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật để thực hiện
nhiệm vụ của mình.
Điều 6: Báo cáo viên pháp luật có những
nghĩa vụ sau đây:
1- Trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật ở ngành, cơ quan, tổ chức mình đang công tác hoặc ở địa
phương nơi đang cư trú.
2- Xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo sự phân công của cơ quan, tổ chức mình
hoặc của Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
3- Tham gia công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ
tuyên truyền viên pháp luật, tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu hoặc theo sự phân công của cơ quan thường
trực Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
4- Soạn thảo đề cương báo cáo tuyên truyền trên cơ
sở các tài liệu chính thức có liên quan; ghi chép trung thực, đầy đủ, chính xác
những nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã thực hiện vào sổ Nhật
ký công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện nghiêm túc chế
độ báo cáo công tác hàng tháng theo quy định.
5- Không được sử dụng Thẻ Báo cáo viên pháp luật để
phục vụ cho các công việc ngoài mục đích tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
6- Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về hoạt
động và nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do mình thực hiện.
IV/ Hình thức và biện pháp hoạt động tuyên truyền
và phổ biến giáo dục pháp luật:
Điều 7: Báo cáo viên pháp luật có thể hoạt động
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hình thức và biện pháp
sau đây:
1- Tuyên truyền miệng ( trực tiếp báo cáo, giảng
bài, nói chuyện chuyên đề, tham gia các buổi tọa đàm, đối thoại, hội thảo... về
các vấn đề pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải, xét xử, giải quyết các
tranh chấp pháp lý...)
2- Tham gia tổ chức thực hiện những hoạt động văn
hóa văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
3- Viết tin, bài... mang nội dung tuyên truyền phổ
biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng ( báo, đài...)
trung ương và địa phương.
4- Các hình thức, biện pháp tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật hợp pháp khác.
V/ Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với
hoạt động của báo cáo viên pháp luật:
Điều 8: Thẩm quyền công nhận Báo cáo viên
pháp luật:
1- Giám đốc Sở Tư pháp công nhận Báo cáo viên pháp
luật cấp tỉnh trên cơ sở thống nhất với các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2- Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận Báo cáo viên
pháp luật cấp huyện trên cơ cơ sở đề nghị của Phòng Tư Pháp theo sự giới thiệu
của các cơ quan, tổ chức hữu quan.
3- Giám đốc Sở Tư Pháp cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật
cho Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện.
Điều 9: Cơ quan Tư pháp có trách nhiệm sau
đây:
1- Theo dõi và hướng dẫn hoạt động tuyên truyền phổ
biến giáo dục pháp luật của các Báo cáo viên pháp luật.
2- Bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn các văn bản quy phạm
pháp luật, cung cấp các ấn phẩm, tài pháp luật có liên quan đến nội dung tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật pháp luật cho các Báo cáo viên pháp luật.
3- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kiểm
tra, đôn đốc hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Báo cáo
viên pháp luật.
4- Sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật; đề nghị cấp
có thẩm quyền hoặc trực tiếp khen thưởng, xử lý vi phạm đối với báo cáo viên
pháp luật theo chế độ hiện hành.
Điều 10: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
có Báo cáo viên pháp luật.
1- Xây dựng chương trình và tổ chức tuyên tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ quan, tổ chức mình theo kế hoạch và hướng
dẫn của trung ương và cấp có thẩm quyền để giao cho Báo cáo viên pháp luật thuộc
cơ quan, tổ chức mình thực hiện.
2- Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động
tuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Báo cáo viên pháp luật thuộc
cơ quan, tổ chức mình; tạo điều kiện về thời gian và vật chất để báo cáo viên
pháp luật thực hiện nhiệm vụ được phân công.
3- Thông tin cho cơ quan Tư pháp cùng cấp về tình
hình kết quả thực hiện nhiệm vụ của báo cáo viên pháp luật.
4- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng và xử
lý vi phạm đối với Báo cáo viên pháp luật thuộc cơ quan, tổ chức mình theo chế
độ hiện hành.
VI - Khen thưởng và xử lý vi phạm:
Điều 11: Khen thưởng:
Báo cáo viên pháp luật có thành tích trong công tác
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thì được khen thưởng theo quy định hiện
hành.
Điều 12: Xử lý vi phạm:
Báo cáo viên pháp luật không còn đủ tư cách thì tùy
theo mức độ sẽ bị đình chỉ hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
và bị thu hồi Thẻ Báo cáo viên pháp luật hoặc chịu các hình thức xử lý kỷ luật
theo quy định chung.
VII- Điều khoản cuối cùng:
Điều 13: Hiệu lực của Quy chế:
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/1998 và có
thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật./.