Quyết định 31/2023/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 31/2023/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/12/2023
Ngày có hiệu lực 10/02/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2023/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ỦY BAN BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRỰC THUỘC BỘ NGOẠI GIAO

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;

Căn cứ Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tchức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ủy ban Biên giới quốc gia (sau đây gọi là Ủy ban) là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.

2. Ủy ban có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật, trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền:

a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết ca Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia;

b) Dự thảo điều ước quốc tế về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới quốc gia trên đất liền; phân định biển và điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước;

c) Các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo của Việt Nam;

d) Chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định:

a) Dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia;

b) Kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia.

3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

4. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ theo thẩm quyền.

5. Tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia; điều ước quốc tế, văn kiện pháp lý biên giới mà Việt Nam ký kết, tham gia.

6. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ, các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước.

7. Tham mưu, đề xuất và tổ chức đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan.

8. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc phân giới, cắm mốc quốc giới trên cơ sở các điều ước quốc tế về biên giới được ký kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

9. Tổng hợp, đánh giá tình hình công tác quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia trên đất liền, các vùng biển, hải đảo, vùng trời của Việt Nam; dự báo, đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

10. Giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương thực hiện kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình và giải quyết tranh chấp pháp lý về biên giới, lãnh thổ; đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở các khu vực biên giới trên đất liền, các vùng biển, hải đảo, vùng trời, của Việt Nam và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam tại các vùng biển, vùng trời quốc tế.

[...]