Quyết định 3057/QĐ-UBND năm 2017 về Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040

Số hiệu 3057/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/08/2017
Ngày có hiệu lực 30/08/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3057/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVII, kỳ họp thứ 5 về việc thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2248/KHĐT-KT ngày 11 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học góp phần xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn đa dạng sinh học nhằm thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao chất lượng rừng tại các khu vực hệ sinh thái tự nhiên đã được khoanh vùng bảo vệ, tiến tới nâng tỷ lệ che phủ rừng lên mức 69-70% vào năm 2020.

- Phân vùng bảo tồn; bảo tồn được loài và nguồn gen động, thực vật quý hiếm; bảo vệ môi trường và nét đẹp độc đáo của tự nhiên. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 04 khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích khoảng 182.126 ha; 02 khu bảo vệ cảnh quan với diện tích khoảng 8.136 ha; 01 khu bảo vệ cảnh quan đất ngập nước với diện tích khoảng 200 ha; 01 hành lang đa dạng sinh học Khe Nét - Vũ Quang (chỉ quy hoạch phần ranh giới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình) với diện tích khoảng 30.000 ha.

- Kiểm soát chặt chẽ, giảm tối đa nạn buôn bán và tiêu thụ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển dịch vụ hệ sinh thái có sự tham gia của cộng đồng địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, từng bước nâng cao đời sống của người dân trong các khu vực bảo tồn.

2. Định hướng quy hoạch đến năm 2040

- Tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên đã có và hệ sinh thái núi đá vôi đặc trưng đang bị tác động.

- Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo vệ cảnh quan và hành lang đa dạng sinh học được đề xuất.

- Đến năm 2040, hạn chế tối đa về suy giảm đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa sự lây lan và diệt trừ, giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; xây dựng và thực hiện chiến lược phòng trừ các sự cố do sinh vật ngoại lai xâm hại gây ra.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.

- Kết hợp giữa bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

[...]