Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 300-TTg năm 1961 về việc chia loại những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu cần thiết cho nền kinh tế quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 300-TTg
Ngày ban hành 20/07/1961
Ngày có hiệu lực 04/08/1961
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

PHỦ THỦ TƯỚNG

*******

Số: 300-TTg

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1961

 

QUYẾT ĐỊNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thiết bị và nguyên vật liệu chủ yếu có tính chất quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch Nhà nước;
Xét cần thiết phải có sự phân cấp quản lý việc cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu cho nền kinh tế quốc dân;
Theo đề nghị của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu cần thiết cho nền kinh tế quốc dân chia làm hai loại:

1. Thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý.

2. Thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu không do Nhà nước quản lý.

Điều 2. – Những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý là những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu kê trong bản danh mục ban hành kèm theo quyết định này. Trong những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu đó, có thứ do Nhà nước thống nhất phân phối (trong danh mục gọi tắt là NNTNPP), có thứ không do Nhà nước thống nhất phân phối (trong danh mục gọi tắt là chuyên dụng).

- Tùy theo yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, bảng danh mục nói trên sẽ được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.

Điều 3. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong kế hoạch hàng năm lập các bảng cân đối và các kế hoạch phân phối những thiết bị và nguyên, nhiên vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn. Đối với những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối, Tổng cục vật tư có trách nhiệm cung cấp cho các đơn vị sử dụng, theo kế hoạch phân phối của Nhà nước đã được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Những thiết bị và nguyên nhiên vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý nhưng không nằm trong diện thống nhất phân phối của Nhà nước, sẽ do các Bộ, các Ủy ban hành chính thành phố, khu, tỉnh trực tiếp mua sắm để cung cấp cho các đơn vị sử dụng theo kế hoạch phân phối của Nhà nước đã được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 4. – Những thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu không kê trong bảng danh mục ban hành kèm theo quyết định này thì không do Nhà nước thống nhất quản lý.

Đối với những thiết bị nguyên, nhiên, vật liệu không do Nhà nước thống nhất quản lý thì bất cứ giá tiền nhiều hay ít, dùng cho xây dựng cơ bản hay dùng cho sản xuất, các bộ, các thành phố, khu, tỉnh có trách nhiệm quản lý và phân phối.

Mỗi Bộ, mỗi thành phố, khu, tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình nhu cầu của Bộ hay của địa phương mình mà lập bảng danh mục thiết bị, nguyên, vật liệu do Bộ hay địa phương mình quản lý và chịu trách nhiệm lập kế hoạch phân phối những thiết bị nguyên, vật liệu ấy trong phạm vị Bộ hay địa phương mình.

Điều 5. – Bảng dang mục thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý ban hành kèm theo quyết định này sẽ bắt đầu áp dụng trong việc lập kế hoạch và phân phối năm 1962.

Điều 6. – Ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ông Tổng cục trưởng Tổng cục vật tư chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quyết định này.

 

 

QUYỀN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 

Phạm Hùng

NHỮNG ĐIỂM HƯỚNG DẪN VỀ BẢNG DANH MỤC THIẾT BỊ DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ

1. Thiết bị, máy móc do Nhà nước quản lý là những thiết bị chủ yếu, quan trọng nhất đối với nền kinh tế quốc dân, có tính cách quyết định đối với việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, Nhà nước cần đảm bảo cung cấp cho tất cả mọi ngành hoạt động, là những thiết bị kỹ thuật cần có sự cân đối chung nhiều mặt của Nhà nước. Ví dụ cân đối giữa nhu cầu thiết bị tăng thêm với khả năng cung cấp điện lực, với khả năng đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật…, vì nếu không như thế, rất dễ sinh ra tình trạng không cân đối, không đảm bảo được sự nhất trí giữa các chỉ tiêu trong kế hoạch Nhà nước.

Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản ấy, nên bảng danh mục thiết bị do Nhà nước quản lý chỉ là những thiết bị, máy móc quan trọng dùng để tăng thêm cho các cơ sở đang sản xuất, các công trường thi công, các ngành hoạt động về y tế, văn hóa, giáo dục…; hoặc dùng để trang bị cho các xí nghiệp tự ta thiết kế và trang bị lấy: không bao gồm các loại thiết bị giản đơn hay các loại dụng cụ và phụ kiện. Ví dụ Nhà nước quản lý máy khoan, máy mài, nhưng không quản lý các loại khoan, mài cầm tay… trong danh mục đã có chú thích.

2. Thiết bị, máy móc do Nhà nước quản lý trong bảng danh mục này không bao gồm những thiết bị trong các thiết bị toàn bộ. Ví dụ nhà máy điện Uông bí, khu gang thép Thái nguyên, nhà máy phân đạm Bắc Giang… cũng không bao gồm các thiết bị nằm trong các đơn hàng hợp tác kinh tế với các nước bạn như đơn hàng hợp tác về nông trường với Liên Xô.

3. Danh mục thiết bị, máy móc do Nhà nước quản lý không phải tất cả đều do Nhà nước thống nhất phân phối hết vì xét ra có nhiều loại thiết bị riêng biệt, ví dụ như xe 25 tấn của mỏ thang Hòn Gay - Cẩm Phả, Nhà nước không cần tập trung lại rồi mới phân phối vì như thế sẽ gây nên lãng phí và không có lợi. Vì vậy, danh mục thiết bị máy móc do Nhà nước quản lý gồm có 2 phần:

a) Phần do các Bộ, các xí nghiệp trực tiếp mua sắm theo kế hoạch Nhà nước trong danh mục gọi tắt là chuyên dụng. Những thiết bị máy móc này, sau khi được Chính phủ phê chuẩn các đơn vị được cung cấp sẽ trực tiếp mua sắm và tiếp nhận không phải do Tổng cục cung cấp vật tư phụ trách phân phối.

b) Phần do Nhà nước thống nhất phân phối, trong danh mục gọi tắt là NNTNPP, là những thiết bị, máy móc có tính cách phổ biến dùng trong nhiều ngành hoạt động, đòi hỏi phải có sự điều hòa cung cấp để đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ công tác trung tâm trước. Những thiết bị, máy móc này sẽ do Tổng cục cung cấp vật tư phụ trách việc mua sắm và thống nhất cung cấp cho các ngành, các xí nghiệp theo kế hoạch phân phối của Nhà nước.

4. Bảng danh mục thiết bị, máy móc do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh, bổ sung hoặc thêm hoặc bớt là tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế, văn hóa của nước nhà và tùy thuộc trình độ tiến bộ của công tác quản lý cung cấp thiết bị của các cơ quan Nhà nước. Nói rõ hơn, bảng danh mục được bổ sung thêm mặt hàng trong điều kiện yêu cầu về thiết bị cung cấp cho nền kinh tế tăng thêm, hoặc được giảm bớt khi mà tổ chức cung cấp của các Bộ, các tỉnh được vững mạnh hơn, cần thết phải phân cấp quản lý để việc cung cấp được linh hoạt, nhanh chóng hơn.

5. Khi lập kế hoạch cung cấp vật tư cần sắp xếp loại thiết bị và các tên gọi thiết bị theo đúng như danh mục, xét cần thiết có thể ghi phụ thêm bằng tiếng Pháp để tránh sự lầm lẫn. Mỗi một tên máy khi lập kế hoạch cần ghi rõ các quy cách của nó theo như một bảng hướng dẫn riêng.

 

[...]