Quyết định 2958/QĐ-BYT năm 2015 về Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” giai đoạn 2015-2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2958/QĐ-BYT
Ngày ban hành 16/07/2015
Ngày có hiệu lực 16/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2958/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH “CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH” GIAI ĐOẠN 2015-2020

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ - CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” giai đoạn 2015-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính. Cực trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ GD-ĐT; Bộ NN-PTNT; Bộ LĐ-TB và XH; Đài THVN; Đài TNVN; TTXVN; UBMTTQVN; HLHPNVN; ĐTNCSHCM; HNDVN;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- TTYTDP, TT TTGD các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Các Viện VSDT, Viện Pasteur; Các Viện SR-KST-CT; Viện YTCC, Viện SKNN-MT;
- Các Vụ/Cục: KH-TC; TT-KT; HTQT; PC; VPB; DP; MT; KCB; Trung tâm TTGD SK TƯ (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

CHƯƠNG TRÌNH

“CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH” GIAI ĐOẠN 2015 : 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2958/QĐ-BYT ngày 16 tháng 07 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phần I:

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi ngày càng gia tăng với mức độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều quốc gia.

Trong năm 2014, dịch bệnh Ebola đã bùng phát mạnh tại các nước Tây Phi, Tổ chức Y tế thế giới đã phải công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh MERS-CoV tiếp tục hoành hành ở 9 quốc gia khu vực Trung Đông và đã xâm nhập vào 18 quốc gia khác; Dịch cúm gia cầm lây sang người mà điển hình là cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh ở một số quốc gia; cúm A(H7N9) phát hiện tại Trung Quốc từ 3/2013 đến nay vẫn chưa khống chế được và nguy cơ lây lan ra một số quốc gia khác trong khu vực trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các chủng vi rút cúm có khả năng biến đổi, tái tổ hợp tạo nên các chủng vi rút có độc lực cao gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn lưu hành tại nhiều quốc gia đặc biệt các quốc gia ở châu Á, mỗi năm ghi nhận hàng chục triệu trường hợp mắc và hàng nghìn trường hợp tử vong. Một số bệnh đã có vắc xin phòng bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại do tỷ lệ tiêm chủng bị giảm sút. Dịch sởi bùng phát tại Mỹ, Canada và một số nước châu Âu do người dân không được tiêm chủng, mặc dù tại Mỹ, bệnh sởi đã được công bố thanh toán từ năm 2000. Bệnh bại liệt cũng có xu hướng gia tăng, hiện vẫn còn trên 10 nước ghi nhận ca bệnh, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo “Tình trạng khẩn cấp” tại một số nước ở khu vực Nam Á.

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, do chủ động triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự nhập của các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9), đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.

Các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại, viêm não, than và một số bệnh dịch khác vẫn ghi nhận số mắc và tử vong hàng năm. Dịch cúm A(H5N1) đã khống chế không để lây sang người nhưng vẫn thường xuyên ghi nhận sự bùng phát các ổ dịch trên đàn gia cầm. Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, ghi nhận sự gia tăng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi sốt rét kháng hóa chất, nguy cơ bùng phát dịch tại một số tỉnh trọng điểm.

3. Những khó khăn và tồn tại công tác phòng chống dịch

- Tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh, mới nổi có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn do giao thương đi lại gia tăng.

- Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, các điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội và môi trường, thuận lợi cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm phát triển.

- Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Việt Nam mặc dù có số mắc và tử vong giảm so với thời gian trước, song vẫn ở mức cao, có sự gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố, nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

[...]