Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2926/QĐ-UBND năm 2021 về Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 2.0

Số hiệu 2926/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/10/2021
Ngày có hiệu lực 07/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hoàng Nam
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2926/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 07 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ, PHIÊN BẢN 2.0

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12/6/2018;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phiên bản 2.0;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 85/TTr-STTTT ngày 19/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 2.0 với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu

a) Định hướng xây dựng chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, hướng tới các hoạt động hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng chính quyền.

b) Đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) kịp thời, chính xác. Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin (CNTT). Nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và hoạt động lãnh đạo, điều hành, tác nghiệp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

c) Xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai chính quyền điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh.

d) Là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin dữ liệu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

2. Định hướng phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị

a) Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị sẽ chuyển đổi dần sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý CQĐT.

b) Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC).

c) Phát triển, hoàn thiện hệ thống DVCTT tập trung đa dạng về hình thức truy cập giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của các CQNN, cho phép người dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần mà có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với cơ quan chính quyền.

d) Phát triển, hoàn thiện các hệ thống Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống giám sát quốc gia về Chính phủ số, các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) cấp quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc (PayGov).

đ) Xây dựng, phát triển CQĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

[...]