ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
29/2023/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 29
tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
GIÁ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 26/2019/QĐ-UBND NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2019 CỦA
UBND TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật giá ngày 20
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định
177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Căn cứ Nghị định
149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Căn cứ Nghị định số
89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật giá về thẩm định giá;
Căn cứ Thông tư số
56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Căn cứ Thông tư số
38/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một
số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài chính tại Tờ trình số 221/TTr-STC ngày 14 tháng 7 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý nhà nước về giá ban hành kèm theo
Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 17/12/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk
1. Sửa đổi,
bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Quy định về trình, thẩm
định và quyết định giá
1. Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm
quyền quyết định giá của UBND tỉnh do sở quản lý ngành, lĩnh vực, tổ chức, cá
nhân sản xuất kinh doanh lập hồ sơ phương án giá gửi Sở Tài chính thẩm định trước
khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; cụ thể:
a) Sở quản lý ngành, lĩnh vực;
tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được giao nhiệm vụ lập hồ sơ phương án giá
theo lĩnh vực có trách nhiệm lập hồ sơ phương án giá, gửi sở quản lý ngành để
kiểm tra, xem xét thẩm định về định mức kinh tế kỹ thuật, lấy ý kiến tham gia của
các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan; trên cơ sở
đó tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh lại phương án và có văn bản kèm theo hồ sơ
phương án giá gửi Sở Tài chính thẩm định;
b) Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ
phương án giá theo quy định, Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định phương án
giá. Căn cứ vào nội dung phương án giá và các quy định của pháp luật có liên
quan, Sở Tài chính tự tổ chức thẩm định theo thẩm quyền hoặc mời các sở, ngành
có liên quan tham gia thẩm định;
c) Trên cơ sở kết quả thẩm định
phương án giá, Sở Tài chính có văn bản thông báo kết quả thẩm định đến cơ quan,
đơn vị để hoàn thiện hồ sơ phương án giá;
d) Căn cứ phân công trách nhiệm
của các Sở quản lý ngành, lĩnh vực trong việc lập, trình, thẩm định phương án
giá hàng hóa, dịch vụ do UBND tỉnh định giá tại Điều 9 Quy định này; Sở quản lý
ngành, lĩnh vực trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Thời hạn thẩm định phương án
giá và thời hạn quyết định giá: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị
định số 177/2013/NĐ-CP.
3. Hồ sơ phương án giá: Thực hiện
theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
4. Việc thẩm định và trình, quyết
định bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh, phương án giá đất thực hiện theo
quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mà
pháp luật chuyên ngành có quy định về thẩm định giá hoặc thẩm định phương án
giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”
2. Sửa đổi,
bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Thẩm định giá và cho
ý kiến thẩm định giá của nhà nước
1. Các trường hợp mua, bán,
thanh lý, cho thuê tài sản công (sau đây viết tắt là mua sắm tài sản công): Căn
cứ vào quyết định giao nguồn kinh phí mua sắm của cấp có thẩm quyền hoặc theo dự
toán phân khai có giá trị từ 100 triệu đồng/lần trở lên, sau khi đã thuê doanh
nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, phải có ý kiến
thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ quan thực hiện có ý kiến
thẩm định giá
a) Sở Tài chính có ý kiến thẩm
định giá các tài sản công (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua, bán từ nguồn ngân
sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách đối với các đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý
hoặc các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách) từ 100 triệu đồng trở lên/lần
được mua sắm tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều này; các tài sản có
giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/lần được mua sắm tài sản công từ nguồn ngân
sách cấp huyện;
b) Phòng Tài chính - Kế hoạch
các huyện, thị xã, thành phố có ý kiến thẩm định giá các tài sản công quy định
tại khoản 1 Điều này, có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/lần
được mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách cấp huyện hoặc có nguồn gốc từ
ngân sách đối với các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý.
3. Trình tự, thủ tục có ý kiến
thẩm định giá
a) Đối với cơ quan, tổ chức,
đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản công quy định tại khoản 1 Điều này;
sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm
định giá, gửi văn bản yêu cầu có ý kiến thẩm định giá đến Sở Tài chính, Phòng
Tài chính - Kế hoạch theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này với các nội
dung sau:
- Tên cơ quan, đơn vị đề nghị
có ý kiến thẩm định giá;
- Thông tin về tài sản cần thẩm
định giá kèm theo tài liệu có liên quan; chứng thư giám định tình trạng kinh tế
- kỹ thuật, chất lượng của tài sản cần thẩm định giá; chứng thư, báo cáo kết quả
thẩm định giá (kèm theo báo giá của ít nhất 03 nhà cung cấp); các tài liệu khác
có liên quan (nếu có);
- Nội dung yêu cầu có ý kiến thẩm
định giá;
- Ý kiến của cơ quan, tổ chức,
đơn vị về giá trị mua sắm tài sản công do doanh nghiệp thẩm định giá xác định;
- Ý kiến về việc sử dụng kết quả
(chứng thư thẩm định giá) của doanh nghiệp thẩm định giá làm căn cứ để mua sắm
tài sản công;
- Nội dung, ý kiến khác liên
quan đến giá mua sắm tài sản công (nếu có).
b) Đối với cơ quan nhà nước có
ý kiến thẩm định giá:
Trên cơ sở đề nghị tại văn bản
yêu cầu có ý kiến thẩm định giá của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hồ sơ kèm theo;
Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch có ý kiến thẩm định bằng văn bản về
các nội dung:
- Đánh giá việc chấp hành quy
trình thẩm định giá theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam của doanh nghiệp thẩm
định giá;
- Khảo sát, thu thập thông tin
về giá thị trường của tài sản cho ý kiến thẩm định giá, so sánh mức giá do
doanh nghiệp thẩm định giá xác định và giá do cơ quan, tổ chức, đơn vị được
giao nhiệm vụ mua sắm tài sản công đề nghị; trên cơ sở đó có ý kiến về giá mua
và giá trị mua sắm tài sản công;
4. Đối với trường hợp không
thuê được doanh nghiệp thẩm định giá và mua tài sản thuộc bí mật nhà nước thì
thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số
89/2013/NĐ-CP
a) Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh:
Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh
thực hiện thẩm định đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản
lý, do UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính
thành lập, do đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng, các thành
viên khác gồm:
- Đại diện Phòng Quản lý giá
công sản - Sở Tài chính;
- Đại diện lãnh đạo và chuyên
viên đơn vị có tài sản thẩm định giá;
- Đại diện cơ quan chuyên môn
(tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá) do Sở Tài chính đề
nghị tham gia Hội đồng thẩm định.
b) Hội đồng thẩm định giá cấp
huyện:
Hội đồng thẩm định giá cấp huyện
thực hiện thẩm định với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý do
UBND cấp huyện quyết định thành lập, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch
làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên khác gồm:
- Chuyên viên (lĩnh vực giá)
Phòng Tài chính - Kế hoạch;
- Đại diện lãnh đạo và chuyên
viên đơn vị có tài sản thẩm định giá;
- Đại diện cơ quan chuyên môn
(tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá) do Phòng Tài chính
- Kế hoạch đề nghị tham gia Hội đồng thẩm định.
c) Hội đồng thẩm định giá phải
có ít nhất một thành viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm
định giá theo quy định của Bộ Tài chính hoặc đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại
học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá;
d) Hội đồng thẩm định giá thực
hiện trình tự thẩm định giá tài sản theo quy định tại Điều 25 Nghị định số
89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ.
5. Thời gian thực hiện thẩm định
giá của cơ quan được phân công nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định tại khoản 4
Điều này, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu thẩm định giá của cơ quan, đơn vị
theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP.
Đối với trường hợp mua sắm tài
sản công theo phương thức tập trung, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập
trung (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản) thực hiện tổng hợp thông tin về tài sản
cần có ý kiến thẩm định giá kèm theo tài liệu có liên quan theo quy định tại
khoản 2 Điều 23 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, gửi về Sở Tài chính để thực hiện có
ý kiến thẩm định giá tài sản công mua sắm tập trung; thời gian thực hiện có ý
kiến thẩm định giá kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
6. Các nội dung có liên quan đến
trình tự, thủ tục thẩm định giá của nhà nước không quy định tại Điều này được
thực hiện theo quy định tại Luật giá, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ
và các văn bản của Nhà nước có liên quan.”
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15/9/2023.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Ngọc Nghị
|