QUY ĐỊNH
VỀ GIAO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ HỖ TRỢ KINH PHÍ TỪ
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tên gọi là Hội, Liên hiệp hội, Hiệp
hội, Tổng hội, Liên đoàn, Câu lạc bộ và các tên gọi khác (sau đây gọi chung là
Hội) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã cho phép thành lập theo quy định của pháp luật và có phạm vi hoạt động
trên phạm vi toàn tỉnh, một huyện hoặc liên huyện, một xã hoặc liên xã thuộc tỉnh
Đồng Tháp.
2. Đối tượng không áp dụng:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn
lao động, Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp.
b) Các tổ chức tôn giáo.
Điều 2. Nguyên tắc giao thực
hiện nhiệm vụ của nhà nước và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với Hội
1. Nhiệm vụ của nhà nước giao cho Hội là những
nhiệm vụ không thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước theo quy định
của pháp luật và phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động, khả
năng về tài chính, nguồn nhân lực của Hội.
2. Nhiệm vụ nhà nước giao cho Hội bằng quyết định
giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng.
3. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đối với Hội do cơ quan
có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ; ngân sách cấp huyện, cấp xã hỗ trợ đối với
Hội do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã giao nhiệm vụ.
Điều 3. Thẩm quyền giao thực
hiện nhiệm vụ của Nhà nước
1. Thủ trưởng Sở, Ban, Ngành tỉnh (sau đây gọi
chung là ngành tỉnh) quyết định giao thực hiện nhiệm vụ của nhà nước đối với Hội
hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
ngành sau khi có ý kiến phê duyệt bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
quyết định giao thực hiện nhiệm vụ của nhà nước đối với Hội có điều kiện, năng
lực đáp ứng yêu cầu của huyện, xã.
Điều 4. Thẩm quyền hỗ trợ
kinh phí từ ngân sách nhà nước
1. Giám đốc Sở Tài chính đề xuất và cấp kinh phí
hỗ trợ từ ngân sách tỉnh sau khi có ý kiến phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh đối với Hội được Thủ trưởng ngành tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ của nhà
nước.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách huyện, xã cùng với việc giao thực
hiện nhiệm vụ của nhà nước đối với Hội.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ
HÌNH THỨC GIAO CHO HỘI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA NHÀ NƯỚC
Điều 5. Nhiệm vụ của nhà
nước có thể giao cho Hội thực hiện gồm:
1. Điều tra, thống kê một hoặc một số đối tượng
phục vụ công tác quản lý hoặc lấy ý kiến đối tượng điều chỉnh đối với dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Hội thảo, góp ý hoặc phản biện các dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
4. Kêu gọi, vận động đầu tư hoặc tài trợ cho các
hoạt động vì mục đích nhân đạo, xã hội trên địa bàn tỉnh.
5. Một số hoạt động dịch vụ mà Hội có năng lực
thực hiện theo quy định của pháp luật.
6. Các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu
ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới.
7. Sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ
công tác thông tin, tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất
nước, địa phương và sự hưởng thụ của nhân dân.
8. Một số hoạt động tư vấn như cung cấp thông
tin về pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội đã được cấp có thẩm quyền công bố;
tư vấn pháp luật, tư vấn thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
9. Hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 6. Cơ quan có thẩm
quyền (Quy định tại Điều 3) quyết định giao cho Hội thực hiện nhiệm vụ của nhà
nước theo trình tự, thủ tục sau:
1. Căn cứ vào chỉ tiêu, chương trình kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hàng năm của địa phương và chức năng, nhiệm
vụ của ngành, lĩnh vực, Thủ trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc lập kế hoạch và danh mục nhiệm vụ dự
kiến giao cho Hội hàng năm gửi cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định và trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt chậm nhất trong tháng 6 của năm trước
liền kề năm kế hoạch.
Kế hoạch và văn bản thẩm định phải có các nội
dung chủ yếu sau:
a) Căn cứ lập kế hoạch;
b) Lý do giao cho Hội thực hiện nhiệm vụ của nhà
nước;
c) Danh mục nhiệm vụ của nhà nước dự kiến giao
cho Hội;
d) Dự toán kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ (dựa
trên các định mức, đơn giá nhà nước quy định hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt khi thực hiện nhiệm vụ tương tự);
đ) Nguồn kinh phí thực hiện (kinh phí sự nghiệp,
sự nghiệp kinh tế được cấp hoặc ngân sách cấp bổ sung);
e) Thời gian thực hiện và thời điểm kết thúc;
g) Sản phẩm hoặc kết quả thực hiện (chất lượng,
số lượng);
h) Danh sách Hội có điều kiện thực hiện nhiệm vụ
của nhà nước;
i) Dự kiến Hội được giao thực hiện nhiệm vụ của
nhà nước.
2. Thủ trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã gửi kế hoạch được duyệt đến Hội dự kiến giao nhiệm vụ để
lấy ý kiến, nếu đồng ý nhận thực hiện nhiệm vụ của nhà nước thì trong thời hạn
30 ngày, kể từ ngày nhận được kế hoạch, Hội phải có văn bản đăng ký.
Văn bản đăng ký của Hội phải có các nội dung chủ
yếu sau:
a) Nhiệm vụ của nhà nước Hội đăng ký nhận thực
hiện;
b) Thời gian thực hiện và thời điểm kết thúc;
c) Sản phẩm hoặc kết quả thực hiện (chất lượng,
số lượng);
d) Dự toán kinh phí thực hiện.
Những nội dung trên nếu khác với kế hoạch thì phải
thuyết minh và giải trình cụ thể.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được
văn bản đăng ký của Hội, Thủ trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã xem xét, lựa chọn, quyết định việc giao cho một Hội thực hiện nhiệm
vụ của nhà nước và phải hoàn thành trong tháng 10 của năm trước liền kề năm kế
hoạch.
Trường hợp nội dung đăng ký của Hội khác với kế
hoạch được duyệt thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn đăng ký của Hội,
Thủ trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xem xét điều
chỉnh nếu hợp lý hoặc làm việc lại với Hội để thống nhất; nếu dự toán kinh phí
do Hội lập cao hơn dự toán kế hoạch được duyệt thì trao đổi với cơ quan tài
chính cùng cấp để xem xét và thỏa thuận với Hội trước khi quyết định. Trường hợp
hai bên không thống nhất thì Thủ trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã có văn bản trả lời cụ thể.
Điều 7. Hội tự nguyện
đăng ký nhận thực hiện nhiệm vụ của nhà nước
1. Căn cứ chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội dài hạn và hàng năm của địa phương và khả năng của mình, Hội tự nguyện
có đơn đề nghị gửi Thủ trưởng ngành tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã đăng ký nhận thực hiện nhiệm vụ của nhà nước. Đơn đề nghị phải gửi trong
tháng 6 của năm trước liền kề năm kế hoạch.
Đơn đề nghị phải có các nội dung chủ yếu sau:
a) Căn cứ pháp lý (chủ trương, kế hoạch của địa
phương; nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Hội);
b) Lý do Hội nhận thực hiện nhiệm vụ của nhà nước;
c) Danh mục nhiệm vụ của nhà nước Hội đăng ký nhận
thực hiện;
d) Dự toán kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ (dựa
trên các định mức, đơn giá nhà nước quy định hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt khi thực hiện nhiệm vụ tương tự);
đ) Nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách cấp, huy
động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, tư vấn,...
khi thực hiện nhiệm vụ của nhà nước và các nguồn thu khác theo quy định của
pháp luật);
e) Thời gian thực hiện và thời điểm kết thúc;
g) Dự kiến sản phẩm hoặc kết quả thực hiện (chất
lượng, số lượng);
h) Danh sách những người có đủ trình độ và năng
lực thực hiện nhiệm vụ của nhà nước.
2. Căn cứ quy định của pháp luật, chủ trương, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hàng năm của địa phương và văn bản đề
nghị của Hội, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị của Hội, Thủ
trưởng ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xem xét có văn bản
trả lời.
- Trường hợp thống nhất giao cho Hội thực hiện
nhiệm vụ theo đơn đề nghị thì chuyển cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định dự
toán kinh phí kèm bản sao văn bản đề nghị của Hội.
- Trường hợp không thống nhất với đề nghị của Hội
thì có văn bản trả lời và nêu cụ thể lý do.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận văn bản
đề nghị của Thủ trưởng ngành tỉnh hoặc yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã, cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí; nếu
thống nhất thì có văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với
Hội đăng ký nhiệm vụ của tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
phê duyệt đối với Hội đăng ký thực hiện nhiệm vụ của cấp huyện, cấp xã. Nếu
không thống nhất với dự toán được lập thì làm việc cụ thể với Hội trước khi có
văn bản; trường hợp hai bên vẫn không thống nhất thì phải thuyết minh cụ thể.
Điều 8. Hình thức giao
cho Hội thực hiện nhiệm vụ của nhà nước
Việc giao cho Hội thực hiện nhiệm vụ của nhà nước
theo một trong hai hình thức sau:
1. Quyết định giao cho Hội thực hiện nhiệm vụ của
nhà nước theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 6 Quy định này.
Quyết định phải có các nội dung chủ yếu sau:
- Tên Hội được giao thực hiện nhiệm vụ của nhà
nước, trụ sở chính, tài khoản.
- Họ và tên người đại diện theo pháp luật của Hội,
người chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
- Nội dung nhiệm vụ của nhà nước giao cho Hội.
- Thời gian thực hiện, thời điểm kết thúc.
- Tổng kinh phí và phương thức cấp, thanh toán,
quyết toán kinh phí.
- Sản phẩm hoặc kết quả thực hiện (chất lượng, số
lượng).
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi Hội hoặc
cơ quan giao nhiệm vụ không thực hiện đúng cam kết.
2. Hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ của nhà
nước theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 7 Quy định này.
Hợp đồng phải có các nội dung chủ yếu sau:
- Bên A (bên giao nhiệm vụ): tên cơ quan, trụ sở
chính, tài khoản, họ và tên người đại diện theo pháp luật.
- Bên B (bên thực hiện nhiệm vụ): Tên Hội được
giao thực hiện nhiệm vụ của nhà nước, trụ sở chính, tài khoản; họ và tên người
đại diện theo pháp luật của Hội, người chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
- Nội dung nhiệm vụ của nhà nước giao cho Hội.
- Thời gian thực hiện, thời điểm kết thúc.
- Tổng kinh phí và phương thức cấp, thanh toán,
quyết toán kinh phí.
- Sản phẩm hoặc kết quả thực hiện (chất lượng, số
lượng).
- Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của Bên A, Bên
B trong thực hiện hợp đồng (kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một
trong hai Bên thực hiện không đúng hợp đồng và gây thiệt hại cho bên kia).
Chương III
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ
KINH PHÍ ĐỐI VỚI HỘI
Điều 9. Kinh phí hoạt động
của Hội.
Hội tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định
của pháp luật.
Điều 10. Ngân sách nhà
nước hỗ trợ kinh phí đối với Hội.
Ngân sách hỗ trợ kinh phí đối với Hội trong các
trường hợp sau:
1. Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí khi Hội
thực hiện nhiệm vụ của nhà nước theo quy định tại Điều 5 Chương II Quy định
này.
2. Hỗ trợ kinh phí đối với sản phẫm, tác phẩm đã
thực hiện có giá trị thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội được cấp
có thẩm quyền xác nhận.
3. Hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức đại hội
thành lập, đại hội theo nhiệm kỳ, tổ chức hội nghị tổng kết các phong trào điển
hình tiên tiến trong phạm vi toàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép.
4. Trong trường hợp đặc biệt, Hội được ngân sách
nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hoặc thuê trụ sở làm việc.
Điều 11. Trình tự, thủ
tục ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với Hội.
- Hàng năm, các Hội lập dự toán kinh phí gửi cơ
quan tài chính cùng cấp theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về lập
dự toán ngân sách nhà nước, trong đó, nêu rõ lý do hỗ trợ, các chế độ, tiêu chuẩn,
định mức áp dụng.
- Cơ quan tài chính căn cứ nhu cầu của các Hội,
khả năng ngân sách nhà nước, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban
nhân dân cấp huyện phê duyệt theo thẩm quyền phân cấp quản lý ngân sách.
- Cơ quan tài chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện
việc cấp phát, xét duyệt quyết toán và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành kiểm tra việc sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo
đúng mục đích, đúng chế độ quy định của nhà nước.
Chương IV
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘI
TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ
Điều 12. Quyền và nghĩa
vụ của Hội trong thực hiện nhiệm vụ của nhà nước.
1. Hội được liên kết với các Hội, đơn vị, tổ chức
khác hoặc thuê mướn cá nhân (không thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan
quyết định giao nhiệm vụ) thực hiện nhiệm vụ của nhà nước được giao thông qua hợp
đồng thỏa thuận và phải xác định rõ trách nhiệm của từng Hội, cơ quan, đơn vị,
tổ chức, cá nhân.
2. Hội tự chọn phương thức, biện pháp thực hiện
nhiệm vụ của nhà nước giao, đảm bảo đúng pháp luật, thời gian hoàn thành và bàn
giao đầy đủ số lượng và chất lượng sản phẩm hoặc kết quả thực hiện theo đúng
yêu cầu của cơ quan giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng ký kết.
Điều 13. Quyền và nghĩa
vụ của Hội trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
1. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ
từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, chế độ, công khai, minh bạch theo đúng quy
định của pháp luật.
2. Trường hợp chênh lệch chi nhỏ hơn kinh phí được
cấp do tiết kiệm thì được bổ sung vào nguồn thu của Hội.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều khoản thi
hành
Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị
trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố, người đứng đầu các Hội chịu trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện
Quy định này.