Quyết định 28/2007/QĐ-TTg về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 28/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/02/2007
Ngày có hiệu lực 25/03/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN CÁC TỈNH KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007 - 2010, bao gồm : Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.

Điều 2. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể, tin học văn phòng đối với cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức đúng theo chức trách đảm nhiệm và năng lực thực hiện công vụ.

2. Mục tiêu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cần đạt từ nay tới năm 2010 như sau:

 a) Về trình độ văn hoá: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên (không còn cán bộ, công chức có trình độ văn hoá tiểu học), trong số đó, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 70 - 80%. Lựa chọn số cán bộ, công chức đã tốt nghiệp trung học cơ sở còn trẻ, có khả năng sử dụng lâu dài để đào tạo đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông;

 b) Về trình độ chuyên môn: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ tương đương từ sơ cấp đến trung cấp. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% - 90% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn các xã, phường, thị trấn đạt trình độ trung cấp;

 c) Về lý luận chính trị: 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ sơ cấp đến trung cấp. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với giáo dục thường xuyên để các cán bộ trẻ, có năng lực, sử dụng lâu dài đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp lý luận chính trị;

 d) Về quản lý nhà nước: 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ sơ cấp trở lên; 100% công chức chuyên môn ở xã, phường, thị trấn khu vực đô thị, vùng thấp được đào tạo đạt trình độ trung cấp; vùng cao phải đạt 100% trình độ sơ cấp trở lên;

 đ) Về tin học: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn được đào tạo tin học văn phòng để phục vụ công tác.

Điều 3. Yêu cầu

1. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc phải đảm bảo yêu cầu sát với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động thực thi công vụ của từng đối tượng cụ thể; chú trọng đào tạo văn hoá, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước ở lĩnh vực mà công chức đang đảm nhiệm, không đào tạo, bồi dưỡng tràn lan.

2. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Điều 4. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng

1. Cán bộ chuyên trách cấp xã gồm: Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, ủy viên Thường trực Đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Nông dân.

2. Công chức cấp xã bao gồm các chức danh: Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hoá - Xã hội.

3. Cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Điều 5. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng

1. Đối với cán bộ chuyên trách: tập trung đào tạo, bồi dưỡng văn hoá phổ thông; chương trình lý luận chính trị, pháp luật, quản lý nhà nước; chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và tin học văn phòng.

2. Đối với công chức cấp xã: tập trung đào tạo, bồi dưỡng văn hoá, tin học văn phòng, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước theo các lĩnh vực và đúng chức danh đảm nhiệm của từng cán bộ, công chức.

3. Đối với cán bộ không chuyên trách: giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo yêu cầu quản lý của địa phương.

Điều 6. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng

1. Đối với cán bộ, công chức chưa tốt nghiệp trung học phổ thông:

[...]