Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 275-TC/PC năm 1987 về việc thống nhất phát hành, quản lý và sử dụng vé phạt tiền, biên lại thu tiền phạt trong việc xử phạt bằng biện pháp hành chính các hành vi vi phạm pháp luật (kèm theo bản Quy định) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 275-TC/PC
Ngày ban hành 31/08/1987
Ngày có hiệu lực 01/09/1987
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275-TC/PC

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT PHÁT HÀNH, QUẢN LÝ  VÀ SỬ DỤNG VÉ PHẠT TIỀN, BIÊN LAI THU TIỀN PHẠT TRONG VIỆC XỬ PHẠT BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT

Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Để thi hành Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm quản lý nguồn thu từ việc xử phạt tiền bằng biện pháp hành chính các vi phạm pháp luật;
Theo đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này chế độ thống nhất phát hành, quản lý và sử dụng vé phạt tiền, biên lai thu tiền phạt trong việc xử phạt bằng biện pháp hành chính các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 2. Uỷ nhiệm cho Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức in, quản lý, cấp phát các loại vé phạt tiền, biên lai thu tiền phạt cho các đơn vị có chức năng xử phạt hành chính tại địa phương theo đúng mẫu và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 3. Giám đốc Sở Tài chính, thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị có chức năng xử phạt hành chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1987. Những văn bản ban hành trái với Quyết định này đều bãi bỏ. Những loại vé phạt tiền, biên lai thu tiền phạt không thuộc ngành Tài chính phát hành đều không có giá trị sử dụng kể từ ngày Sở Tài chính công bố thống nhất quản lý vé phạt tiền, biên lai thu tiền phạt trong địa phương.

 

 

Hoàng Quy

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VIỆC THỐNG NHẤT PHÁT HÀNH, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VÉ PHẠT TIỀN, BIÊN LAI THU TIỀN PHẠT TRONG VIỆC XỬ PHẠT BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
(Kèm theo Quyết định số 275-TC/PC ngày 31-8-1987 của Bộ Tài chính)

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Bộ uỷ nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức in các loại vé phạt tiền, biên lai thu tiền phạt các vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là biên lai, vé phạt tiền) và chịu trách nhiệm về việc thống nhất phát hành, quản lý, hướng dẫn sử dụng biên lai, vé phạt tiền theo đúng quy định của Bộ Tài chính trong phạm vi địa phương mình.

2. Biên lai, vé phạt chỉ cấp cho các ngành, các cơ quan, đơn vị (sau đây gọi tắt là đơn vị) có chức năng xử phạt hành chính đã được Nhà nước quy định tại các văn bản hiện hành.

3. Mọi việc phạt tiền và thu tiền phạt về vi phạm hành chính đều phải sử dụng biên lai, vé phạt tiền do Sở Tài chính phát hành. Tất cả các đơn vị có nhu cầu sử dụng biên lai, vé phạt tiền tại cơ quan tài chính cùng cấp. Các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương nào thì nhận biên lai, vé phạt tiền tại Sở Tài chính địa phương đó. Riêng đối với ngành thuế công thương nghiệp được sử dụng biên lai phạt về thuế do Cục thuế công thương nghiệp - Bộ Tài chính phát hành.

Cơ quan tài chính phải đáp ứng đầy đủ và kịp thời các loại biên lai, vé phạt tiền cho các đơn vị sử dụng.

4. Các đơn vị sử dụng biên lai, vé phạt tiền phải chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan tài chính, phải thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai, vé phạt tiền cũng như số tiền phạt với cơ quan tài chính.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Biên lai, vé phạt tiền được cấp cho các đơn vị có chức năng xử phạt hành chính như quản lý thị trường, công an, vật giá, kiểm lâm nhân dân, thú y, xây dựng cơ bản, thuỷ sản, ngân hàng, hải quan, trọng tài kinh tế, văn hoá... dùng để thu tiền phạt các vi phạm hành chính như đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, vi phạm quy tắc trật tự an toàn giao thông; vi phạm chính sách giá cả, vi phạm quy tắc vệ sinh kiểm dịch; xây dựng nhà cửa, lều quán trái phép; vi phạm chế độ trồng, bảo vệ và khai thác rừng, vận chuyển trái phép tài nguyên rừng; vi phạm chế độ bảo vệ nguồn thuỷ sản; vi phạm các quy định về quản lý vàng bạc, kim khí, đá quý, ngoại tệ, vi phạm chế độ vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới và các cửa khẩu, vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế; và các vi phạm hành chính khác theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Vé phạt tiền có các loại: 50 đồng, 100 đồng và 500 đồng.

Biên lai thu tiền phạt có 2 liên.

Biên lai, vé phạt tiền được đóng thành quyển, mỗi quyển có 100 (một trăm) số.

Các loại vé phạt tiền chỉ dùng xử phạt các vụ vi phạm có mức xử phạt từ 50 đồng đến 500 đồng (năm trăm đồng).

Biên lai thu tiền phạt dùng để thu tiền phạt các vi phạm có mức xử phạt trên 500 đồng (năm trăm đồng).

3. Quản lý biên lai, vé phạt tiền:

a) Những đơn vị có nhu cầu sử dụng biên lai, vé phạt tiền như đã quy định ở điểm 2, mục I và điểm 1, mục II, phải làm dự trù số lượng từng loại biên lai, vé phạt tiền trước 1 tháng với cơ quan tài chính.

[...]