Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 27/2012/QĐ-UBND về Bảng đơn giá cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 27/2012/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/07/2012
Ngày có hiệu lực 03/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2012/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 07 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢNG ĐƠN GIÁ CÁC LOẠI CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2012

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 639/SNN-KH ngày 28/6/2012 về việc đề nghị ban hành đơn giá cây trồng tỉnh Kon Tum năm 2012; Ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 1565/STC-QLCSG ngày 16/7/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bảng đơn giá các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum (chi tiết tại phụ lục kèm theo).

Điều 2. Bảng đơn giá các loại cây trồng được quy định tại Điều 1 áp dụng cho tất cả các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bảng đơn giá này còn được áp dụng để quản lý các hoạt động mua bán, kinh doanh các loại cây trồng và các loại phí, lệ phí có liên quan đến cây trồng theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc và phương pháp áp dụng mức giá bồi thường:

1. Đơn giá các loại cây trồng ghi trong bảng giá là đơn giá chuẩn, áp dụng để bồi thường cho các loại cây trồng được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, có mức độ sinh trưởng và phát triển trung bình. Khi tính giá trị bồi thường căn cứ vào mức đầu tư chăm sóc hoặc trồng trên các nền thổ nhưỡng để đánh giá xếp loại theo hệ số phát triển cây trồng như sau:

+ Mức độ phát triển tốt: hệ số 1,2

+ Mức độ phát triển trung bình: hệ số 1,0

+ Mức độ phát triển xấu: hệ số 0,8

Đối với các loại cây ăn quả thuộc loại giống mới, giống ghép chất lượng cao chưa có trong danh mục bảng giá, thì mức giá bồi thường được tính bằng 1,2 lần mức giá bồi thường của cây trồng cùng loại (không phải giống mới, giống ghép) có trong danh mục bảng giá.

2. Đối với trường hợp vườn cây trồng không đạt mật độ chuẩn thì giá trị bồi thường được xác định bằng đơn giá bồi thường cây trồng nhân (x) với số lượng cây thực tế khi kiểm đếm.

3. Đối với cây trồng chưa thu hoạch, nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển và trồng lại.

4. Đối với trường hợp trên một đơn vị diện tích gieo trồng nhiều loại cây có chu kỳ sinh trưởng, sản xuất kinh doanh khác nhau: Khi kiểm tra hiện trạng cần xác định rõ cây trồng chính, cây trồng xen, mật độ thực tế của từng loại cây trồng để có sự đánh giá chuẩn xác về chất lượng của cây trồng chính, cây trồng xen. Tổng chi phí bồi thường trên một đơn vị diện tích có trồng xen nhiều loại cây khác nhau bằng (=) chi phí bồi thường của từng loại cây trồng cộng lại (trên cơ sở số lượng, chất lượng và đơn giá của từng loại cây theo đo đếm, kiểm tra hiện trạng thực tế), nhưng tối đa không vượt quá 1,5 lần giá trị bồi thường tính theo cây trồng chính khi trồng chuyên canh trên diện tích đó.

5. Đối với những loại cây trồng chưa có trong danh mục bảng giá, khi xây dựng phương án, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp vận dụng đơn giá của các loại cây trồng tương đương đã có trong bảng giá để tính toán.

Trường hợp không có loại cây trồng tương đương, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp khảo sát thực tế về chu kỳ sản xuất, năng suất, sản lượng và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất, để xác định mức giá bồi thường phù hợp và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét có ý kiến trước khi thực hiện.

Điều 4. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này theo đúng quy định.

Điều 5. Đối với những công trình, dự án đã thực hiện xong việc bồi thường; những công trình, dự án đã được phê duyệt Phương án bồi thường trước ngày Quyết định này có hiệu lực, không áp dụng việc bồi thường theo đơn giá quy định tại Quyết định này.

Điều 6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đơn giá cây trồng trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành và thực hiện từ ngày 01/01 hàng năm.

Điều 7. Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 07/5/2008 và Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 27/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

 

[...]