Quyết định 2662/QĐ-BTP về Tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2016 và năm 2017 do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2662/QĐ-BTP
Ngày ban hành 29/12/2016
Ngày có hiệu lực 29/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Khánh Ngọc
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2662/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VỤ VIỆC THAM GIA TỐ TỤNG CÓ TÍNH CHẤT PHỨC TẠP HOẶC ĐIỂN HÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2016 VÀ NĂM 2017

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2016 và năm 2017”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu VT, Cục TGPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

 

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VỤ VIỆC THAM GIA TỐ TỤNG CÓ TÍNH CHẤT PHỨC TẠP HOẶC ĐIỂN HÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2016 VÀ NĂM 2017

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2662/QĐ-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích

Tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Tiêu chí) là cơ sở để phân loại và hỗ trợ vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng từ nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (sau đây viết tắt là Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg).

2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Tiêu chí này được áp dụng để hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là vụ việc tham gia tố tụng) cho các đối tượng thụ hưởng và địa bàn áp dụng theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg. Tiêu chí này áp dụng đối với những vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2016 và năm 2017.

II. TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VỤ VIỆC THAM GIA TỐ TỤNG CÓ TÍNH CHẤT PHỨC TẠP HOẶC ĐIỂN HÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý là vụ việc trợ giúp pháp lý đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 sau đây:

1. Nhóm các Tiêu chí chung

a) Tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vụ việc liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều cơ quan báo chí đưa tin.

b) Những vụ việc mà quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khác với một trong các cơ quan tiến hành tố tụng và được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định chấp nhận theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

c) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vụ việc có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau hoặc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau.

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vụ việc được xét xử lại do bản án đã được xét xử bị hủy.

[...]