Quyết định 262/QĐ-UBND năm 2023 tiêu chuẩn xét công nhận thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 262/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHUẨN XÉT CÔNG NHẬN THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 516/TTr-SNN ngày 10/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh, như sau:

1. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu Thợ giỏi

a. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương nơi cư trú; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.

b. Là thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật nghề nghiệp giỏi, có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ cao mà người thợ bình thường không làm được; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 5 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao.

c. Đã có tác phẩm, sản phẩm được giải ba trở lên tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm do tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh trở lên trao tặng.

d. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 5 năm trở lên.

2. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân cấp tỉnh

a. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương nơi cư trú; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.

b. Có tri thức, kỹ năng nghề xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, cụ thể:

- Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho 30 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù;

- Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao.

c. Đã có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau

- Được giải nhất, nhì tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm do tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh trở lên trao tặng.

- Được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử hoặc các sự kiện lớn của tỉnh;

- Được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử, văn hóa được chính quyền địa phương nơi có di tích lịch sử, văn hóa xác nhận.

d. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 10 năm trở lên.

3. Tiêu chuẩn xét công nhận tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh

a. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt.

b. Nghề được du nhập vào các địa phương trong tỉnh là nghề mới ở địa phương chưa có, sản phẩm phải có giá trị, hiệu quả kinh tế và được thị trường chấp nhận.

c. Nghề có khả năng thu hút được tối thiểu 150 lao động tại địa phương.

d. Thời gian duy trì và phát triển nghề mới tối thiểu là 05 năm trở lên.

[...]