Quyết định 261/QĐ-BTC năm 2013 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 261/QĐ-BTC
Ngày ban hành 01/02/2013
Ngày có hiệu lực 01/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM ĐẾN 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Định hướng phát triển:

1.1. Xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với sự phát triển của các hợp phần khác của thị trường tài chính gồm thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng;

1.2. Phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế;

1.3. Ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng;

1.4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% (2011) lên khoảng 38% GDP (2020); trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% GDP và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 8% GDP, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 1% GDP; và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP.

2.2. Kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng từ 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng từ 6 - 8 năm.

2.3. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).

2.4. Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu giao ngay bình quân phiên từ mức khoảng 0,2% dư nợ trái phiếu niêm yết (2011) lên mức khoảng 0,3 - 0,4% dư nợ trái phiếu niêm yết (2020).

3. Các giải pháp

3.1. Về khuôn khổ pháp lý

3.1.1. Nghiên cứu trình Chính phủ:

a) Cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước.

b) Cơ chế, chính sách về hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

c) Cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ để gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

[...]