Quyết định 260/2005/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Vùng phía Tây đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 260/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/10/2005
Ngày có hiệu lực 18/11/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 260/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG PHÍA TÂY ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các công văn số 7874/BKH-CLPT ngày 07 tháng 12 năm 2004, số 5835/BKH-CLPT ngày 29 tháng 8 năm 2005; ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Vùng phía Tây đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Hòa Lạc đến ngã tư Bình Phước thuộc địa phận 15 tỉnh: Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Bình Dương, nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Vùng, nhất là khi có đường Hồ Chí Minh để xây dựng Vùng phía Tây phát triển về kinh tế, ổn định về xã hội, củng cố về quốc phòng và an ninh biên giới, lành mạnh về môi trường, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vùng biên giới.

Điều 2. Mục tiêu phát triển chủ yếu

1. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 9 – 10% thời kỳ 2006 – 2010; 10 – 10,5% thời kỳ 2011 – 2020. GDP bình quân đầu người năm 2010 bằng 1,7 lần so với năm 2005; năm 2020 bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế của Vùng với tỷ trọng GDP của các ngành như sau: nông, lâm nghiệp là 45%, công nghiệp, xây dựng 20%, dịch vụ 35%; đến năm 2020 tỷ trọng tương ứng của các ngành trên là 30% - 30 % - 40%.

2. Đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống bằng mức bình quân cả nước; 50% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 85 – 90% trẻ dưới 5 tuổi được đi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1, 100% các trường lớp được kiên cố hóa; giảm trẻ em suy dinh dưỡng còn 22 – 25%; 70% số xã có trạm y tế, 80 – 85% số hộ được dùng nước sạch, 60% làng, bản có đội văn hóa quần chúng, 85% làng, bản có nhà văn hóa, phòng đọc sách, 50% số xã có thư viện.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân cả nước, 70 – 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ dưới 5 tuổi được đi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1, 100% các trường lớp được kiên cố hóa; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 15 – 20%; 80 – 85% số xã có bác sĩ và có trạm y tế, 90 – 95% số hộ được dùng nước sạch, 70 – 75% làng, bản có đội văn hóa quần chúng, 90% làng, bản đạt chuẩn làngvăn hóa, phòng đọc sách, 60% số xã có thư viện.

3. Phát triển và khôi phục lại phần diện tích rừng bị tàn phá và do khai thác không đúng mục đích quy hoạch nhằm trả lại cảnh quan và môi trường của Vùng.

4. Có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để các già làng, trưởng bản có nhận thức về chính trị và xã hội cao; tích cực vận động con cháu và đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phát huy kinh nghiệm sản xuất để nâng cao đời sống của gia đình và cộng đồng dân tộc mình.

5. Chính trị, an ninh ổn định, văn hóa – xã hội phát triển. Giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng và an ninh.

Điều 3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt.

1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hình thành các ngành – sản phẩm chủ lực, thu hút nhiều lao động hoạt động trong khu vực kinh tế dịch vụ, công nghiệp và nông, lâm nghiệp hàng hóa.

a) Phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Đối với khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, cần đẩy mạnh thâm canh và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp về giống, công nghệ bảo quản, chế biến phù hợp và công tác khuyến nông, tạo điều kiện cho cư dân trong Vùng phát triển có hiệu quả những cây trồng, vật nuôi có ưu thế của từng vùng. Đối với vùng khó khăn, các xã biên giới cần có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, đầu tư thuỷ lợi nhỏ, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn. Tiếp tục khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển làng nghề, đa dạng hóa ngành nghề.

Lựa chọn một số cây trồng như ngô, sắn phục vụ công nghiệp chế biến, thay thế trên các vùng đất lúa không đảm bảo nước tưới. Phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày phù hợp với điều kiện sinh thái ở từng khu vực trong Vùng. Phát triển cây ăn quả ở những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi, với những giống cây ăn quả ôn đới, á nhiệt đới. Phát triển đậu tương, đậu đỗ các loại theo hướng chuyên canh, tập trung sản xuất nông sản hàng hóa.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, bò sửa, chủ yếu dựa vào hộ gia đình và trang trại là chính. Các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tư nhân làm dịch vụ về giống, thú y, khuyến nông… và bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

Tận dụng mặt nước hiện có, nhất là diện tích mặt hồ thủy điện và thủy lợi để phát triển thủy sản. Cùng với việc nuôi các loài cá bản địa, cần đưa nhanh các giống mới vào nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Bổ sung cá giống vào các hồ để khôi phục và phát triển nguồn lợi gắn với du lịch sinh thái và bảo tồn quỹ gen.

Phát triển lâm nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để nâng độ cây xanh che phủ nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước cho vùng đồng bằng ven biển phía Đông, hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp giấy, gỗ ván nhân tạo, vùng trồng rừng cây gỗ lớn, cây đặc sản.

Thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có, bao gồm; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và khu rừng di tích lịch sử đã xếp hạng.

b) Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản, đất, rừng, nước và các dạng tài nguyên khác.

Từng bước xây dựng một số cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn làm trung tâm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở từng khu vực như luyện kim ở Thạch Khê; bô xít, phát triển thủy điện ở Đắk Nông; vàng, quặng phóng xạ, nguyên liệu sản xuất xi măng ở Tây Quảng Nam; vàng, kaolin, nguyên liệu sản xuất xi măng ở Tây Quảng Trị, Tây Thừa Thiên Huế…

Tập trung ưu tiên hoàn thành việc đầu tư mới và nâng cấp các cơ sở chế biến nông, lâm sản theo quy hoạch. Việc đầu tư cơ sở chế biến phải căn cứ vào thị trường tiêu thụ, khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ