ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/2012/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 25
tháng 9 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
CAO TRÌNH THIẾT KẾ CHO CÁC CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC, CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
XÂY DỰNG KHU DÂN CƯ TỪ CÁC NGUỒN VỐN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03
tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 được
Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16
tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 07
tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09
tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch xây dựng vùng đồng
bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Xây dựng tại Tờ
trình số 33/TTr-SXD ngày 05 tháng 9 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
định về cao trình thiết kế cho các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước,
các dự án đầu tư khu dân cư từ các nguồn vốn khác trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2.
Quyết
định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số
280/2001/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về
việc ban hành Quy định cao trình thiết kế cho các công trình xây dựng trên địa
bàn tỉnh An Giang.
Điều 3.
Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Xây dựng, Giám đốc sở Kế hoạch và
Đầu tư, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh; UB.MTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Website An Giang;
- Đài PTTH An Giang, Báo An Giang, Phân xã An Giang;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VTLT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Anh Kiệt
|
QUY ĐỊNH
VỀ CAO TRÌNH THIẾT KẾ
CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VỐN NHÀ NƯỚC, CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHU DÂN CƯ
TỪ NGUỒN VỐN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2012
của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về
nguyên tắc và phương pháp để xác định cao trình thiết kế tối thiểu cho các công
trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cao trình hạng mục công
trình san lấp mặt bằng (viết tắt SLMB) trong các dự án quy hoạch xây dựng, các
dự án đầu tư xây dựng khu dân cư trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các công trình
xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước
bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; sử dụng vốn đầu tư phát
triển của doanh nghiệp nhà nước và vốn huy động khác từ các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát thiết kế và đầu tư xây dựng
các loại công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh An
Giang.
Chương II
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH CAO TRÌNH THIẾT KẾ
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong qui định này, các chữ viết tắt và từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. MNLmax: Trị số lớn nhất của cao
trình mực nước lũ cao nhất trong các năm 2000 và 2011 theo hệ cao độ quốc gia
(hệ Hòn Dấu).
2. CTTK: Cao trình chuẩn
cho các công trình xây dựng được đơn vị tư vấn thiết kế quy định trong hồ sơ
thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình.
3. CTTK lề đường : Là cao trình
thiết kế tại vị trí tiếp giáp giữa phần mặt đường và bó vĩa hè.
4. H: Chiều cao vượt lũ – căn cứ Quy chuẩn,
Tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành để xác định.
5. Đê bao kiên cố: Vùng đê bao của khu dân cư
hoặc đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp có kết cấu kiên cố, ổn định lâu dài,
đảm bảo vượt đỉnh lũ cao nhất của các năm 2000 và 2011.
6. Đê bao tạm thời: Vùng đê bao phục vụ sản
xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, điều kiện quản lý không chặc chẽ, kết cấu
đê bao không kiên cố, không đảm bảo an toàn tuyệt đối.
7. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật: Bao
gồm các loại công trình (hạng mục công trình) SLMB, giao thông, cấp nước, cấp
điện, thông tin liên lạc. CTTK của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chọn
theo quy định là CTTK của hạng mục SLMB và nền đường giao thông. Các hạng mục
cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc sẽ được thiết kế theo tính toán và
phù hợp với CTTK của hạng mục SLMB và giao thông.
Điều 4. Các nguyên tắc chung
Khi chọn cao trình thiết kế cho các công
trình xây dựng: đơn vị tư vấn thiết kế phải tổ chức thực hiện việc khảo sát để
xác định đỉnh lũ cao nhất trong các năm 2000 và 2011 tại khu vực xây dựng, quy
về hệ cao độ quốc gia (hệ Hòn Dấu) và tuân thủ quy định này để chọn cao trình
thiết kế đảm bảo yêu cầu vượt lũ.
Việc xác định cao trình thiết kế cho các công
trình xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc chung sau đây:
1. CTTK = MNLmax + H.
2. Khi chọn CTTK, cần xét đến các yếu tố sau:
a) Sự phù hợp của CTTK đối với cao trình hiện
trạng của các công trình (quốc lộ, tỉnh lộ, san lấp mặt bằng,...) tại các khu
vực lân cận đã xây dựng đảm bảo vượt lũ.
b) Đối với đường giao thông (quốc lộ, tỉnh
lộ, đường giao thông nông thôn) cắt ngang tuyến quy hoạch thoát lũ.
CTTK: Tùy thuộc vào vật liệu sử dụng làm nền,
móng, mặt đường, biện pháp gia cố, bảo vệ mái taluy phù hợp quy phạm, Tiêu
chuẩn chuyên ngành và điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời phải đảm
bảo thông xe trong mùa lũ.
c) Đối với nền đường giao thông, đê bao kiên
cố nằm ven sông hoặc cặp kênh trục chính thuộc tuyến qui hoạch ngăn lũ: H được
xác định theo khoản 4 điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).
3. Phải sử dụng hệ cao độ quốc gia (hệ Hòn
Dấu) trong thiết kế và thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh An
Giang. Việc dẫn mốc từ hồ sơ thiết kế ra thực địa phải căn cứ và sử dụng trên
mạng lưới mốc hệ cao độ Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang. Nghiêm cấm việc sử dụng cao độ giả định.
4. Ban hành kèm theo quy định này là cao
trình đỉnh lũ năm 2000 và 2011 tại một số khu vực trên địa bàn toàn tỉnh để các
tổ chức và cá nhân tham chiếu phục vụ cho công tác thiết kế và thi công các
công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang
5. Đảm bảo công năng sử dụng, tính mỹ quan và
các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của công trình.
6. Đối với dự án quy hoạch xây dựng: đơn vị
thiết kế phải căn cứ vào MNLmax
tại khu vực quy hoạch và căn cứ vào dự án quy hoạch chung xây dựng của
các đô thị (trong trường hợp lập quy hoạch chi tiết xây dựng trong đô thị) để
quy định cao trình SLMB cho phù hợp.
Chương III
CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH
Điều 5. Cao trình thiết kế của nền đường (đáy
áo đường) giao thông, đê bao
Cao trình thiết kế nền đường (đáy áo đường)
giao thông, đê bao được xác định theo công thức tính toán tại khoản 1 điều 4
Quy định này, trong đó:
1. Nền đường tỉnh, quốc lộ, đê bao kiên cố:
H được xác định theo khoản 4 điều 3 Quy định
này và không được nhỏ hơn 0,5(m).
2. Nền đường giao thông nông thôn (viết tắt
đường GTNT) H được xác định tùy theo loại đường:
a) Đường GTNT kết hợp đê bao kiên cố, đường
GTNT nằm ngoài vùng đê bao kiên cố hoặc trong vùng đê bao tạm thời:
H được xác định theo
khoản 4 điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).
b) Đường GTNT nằm trong vùng đê bao kiên cố:
H (được xác định phụ thuộc vào tính toán kinh
tế - kỹ thuật của dự án).
Điều 6. Cao trình thiết kế hệ thống công
trình hạ tầng kỹ thuật (nền đường giao thông và san lấp mặt bằng) của khu dân cư
Cao trình thiết kế hệ thống công trình hạ
tầng kỹ thuật (nền đường giao thông và SLMB) của khu dân cư được xác định theo
công thức tính toán tại khoản 1 điều 4 Quy định này, trong đó:
1. Tại khu vực không có hệ thống đê bao kiên
cố:
H được xác định theo khoản 4 điều 3 Quy định
này và không được nhỏ hơn 0,5(m).
2. Tại khu vực nằm trong vùng đê bao kiên cố:
H (được xác định phụ thuộc vào tính toán kinh
tế - kỹ thuật của dự án).
Điều 7.
Cao
trình thiết kế của các công trình dân dụng, công nghiệp
Cao trình thiết kế của
các công trình dân dụng (được phân loại theo điểm 2.1.1 của Quy chuẩn số QCVN 03:2009/BXD) và công
trình công nghiệp (được phân loại theo điểm 2.2.1 của Quy chuẩn số QCVN
03:2009/BXD) quy định như sau:
1. Tại khu vực không có hệ thống đê bao kiên
cố:
H được xác định theo khoản 4 điều 3 Quy định
này và không được nhỏ hơn 0,5(m).
2. Tại khu vực nằm trong vùng đê bao kiên cố:
CTTK được tính toán căn cứ vào cao trình
thiết kế của công trình giao thông, hạng mục SLMB đã đảm bảo vượt lũ theo Quy
định này và các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật của dự án để xác định.
Điều 8. Cao trình thiết kế của các công
trình giao thông, thủy lợi khác
Cao trình thiết kế của các công trình giao
thông, thủy lợi khác như: cầu, cống, trạm bơm, kênh,...được xác định theo các tiêu
chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
Điều 9. Cao trình thiết kế của các công
trình xây dựng tại TP. Long Xuyên
1. Công trình (hạng mục công trình) SLMB :
CTTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 điều 4 Quy
định này và không nhỏ hơn + 2.85(m).
2. Đường giao thông: Cao trình thiết kế tim
đường được xác định trên cơ sở đảm bảo cao trình thiết kế lề đường ( CTTKlề
đường) được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4
Quy định này và không nhỏ hơn + 2.9(m).
3. Đối với các công trình xây dựng khác khi
chọn CTTK cho các công trình xây dựng, đơn vị tư vấn thiết kế phải tổ chức thực
hiện việc khảo sát để xác định đỉnh lũ cao nhất trong các năm 2000 và 2011 tại
khu vực xây dựng, quy về hệ cao độ quốc gia (hệ Hòn Dấu) và tuân thủ quy định
này để chọn cao trình thiết kế đảm bảo yêu cầu vượt lũ.
Điều 10. Cao trình thiết kế của các công
trình xây dựng tại TX. Châu Đốc, TX Tân Châu và các thị trấn huyện lỵ của 08
huyện còn lại:
Giao sở Xây dựng chủ trì xác định: giá trị CTTK
không được nhỏ hơn của các công trình SLMB và đường giao thông trong các đô thị
này và thông báo rộng rãi, công khai đến Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các
tổ chức, cá nhân biết để thực hiện, đảm bảo các đô thị này từng bước giảm dần
và đi đến chấm dứt việc ngập úng trong mùa mưa lũ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Xử lý chuyển tiếp
Đối với các công trình đã được phê duyệt
thiết kế trước ngày Quy định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai thi công thì
phải kiểm tra, tính toán điều chỉnh lại CTTK theo đúng Quy định này.
Đối với các công trình đang xây dựng chưa
hoàn thành, tùy theo tính chất và quy mô công trình, chủ đầu tư báo cáo xin ý
kiến cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng CTTK
theo đúng Quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh
khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về sở Xây
dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm
quyền./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|