Quyết định 243-CP năm 1979 về việc tổ chức bộ máy, biên chế của các trường phổ thông do Hội đồng chính phủ ban hành

Số hiệu 243-CP
Ngày ban hành 28/06/1979
Ngày có hiệu lực 28/06/1979
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 243-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 1979

 

VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Để thực hiện nghị quyết số 14-NQ/TƯ ngày 11-01-1979 của Bộ chính trị trung ương Đảng về cải cách giáo dục;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: - Trường phổ thông là đơn vị cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục thế hệ thanh niên, thiếu niên trở thành những người lao động mới, làm chủ tập thể và phát triển toàn diện, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình giáo dục học sinh, trường phổ thông phải thực hiện tốt nguyên lý giáo dục của Đảng và Nhà nước “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Điều 2: - Trường phổ thông là đơn vị sự nghiệp, có ngân sách riêng, có bộ máy quản lý hành chính và chuyên môn hoàn chỉnh.

Mỗi trường phổ thông do một hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng phụ trách. Hiệu trưởng là người phụ trách cao nhất của trường, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân, và trước cấp trên trực tiếp về mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm về phần công tác được phân công, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm chung về các mặt công tác của trường.

Điều 3: - Nhiệm vụ cụ thể của trường phổ thông là:

1. Căn cứ vào phương hướng phát triển giáo dục của Nhà nước, vào tình hình thực tế của địa phương và của đơn vị, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn của trường

2. Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục theo những quy định của Bộ Giáo dục, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo mục tiêu đã quy định cho từng cấp học.

3. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân địa phương và phối hợp với các cơ quan hữu quan, chăm lo việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, tổ chức tốt việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực góp phần vào việc phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương theo chức năng của nhà trường.

4. Quản lý về các mặt tổ chức, cán bộ, biên chế, kinh phí và tài sản của nhà trường theo chính sách và chế độ chung của Nhà nước; thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với cán bộ, giáo viên và học sinh; cùng với chính quyền địa phương chăm lo điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần của toàn thể cán bộ, giáo viên.

Điều 4: - Số lượng biên chế của trường phổ thông được quy định thống nhất như sau:

1. Mỗi trường phổ thông có một hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng phụ trách:

- Trường từ 27 lớp trở xuống thì có hai phó hiệu trưởng;

- Trường từ 28 lớp trở lên thì có ba phó hiệu trưởng

2. Số giáo viên làm công tác bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (trường phổ thông trung học) và tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (trường phổ thông cơ sở) được quy đinh như sau:

- Trường từ 18 lớp trở xuống được bố trí tính theo biên chế bằng ½ giáo viên;

- Trường từ 27 lớp trở xuống được bố trí tính theo biên chế bằng ¾ giáo viên;

- Trường từ 28 lớp trở lên được bố trí một giáo viên.

Đối với trường có học sinh nội trú, nếu xét cần phải tăng hơn số quy định nói trên, thì số cán bộ tăng thêm đó thuộc biên chế của tỉnh, thành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Số giáo viên làm công tác giảng dạy (kể cả công tác chủ nhiệm lớp) được quy định như sau:

- Trường phổ thông cơ sở: một lớp cấp I được bố trí tính theo biên chế bằng 1,15 giáo viên, và một lớp cấp II được bố trí tính theo biên chế bằng 1,7 giáo viên hoặc bằng 1,85 giáo viên, kể cả giáo viên ngoại ngữ;

- Trường phổ thông trung học: một lớp được bố trí tính theo biên chế bằng 2,1 giáo viên, kể cả giáo viên ngoại ngữ;

4. Số cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ giảng dạy được quy định như sau:

a) Công tác thư viện:

- Trường từ 18 lớp trở xuống được bố trí một người;

[...]