BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2353/QĐ-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 12
năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN
THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 CỦA
CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy
ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống
ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 424/QĐ-TTg
ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng,
chống ma túy đến năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Báo chí,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Truyền
thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” thuộc
Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Cục trưởng Cục Báo chí và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn;
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành thành viên UBQG phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma
túy, mại dâm (để p/h);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Các cơ quan báo chí (để t/h);
- Lưu: VT, CBC, PQĐ (200).
|
BỘ TRƯỞNG
Trương Minh Tuấn
|
ĐỀ ÁN
TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI
CHÚNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-BTTTT
ngày 20 tháng 12
năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA
ĐỀ ÁN
Hiểm họa ma túy đang
là một thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với Việt Nam mà cả nhiều quốc gia
khác trên thế giới, ma túy gây tác hại cho sức khỏe và
nhân phẩm con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật
tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Tội phạm ma túy và những người liên
quan tới ma túy đang ngày càng gia tăng, xuất hiện nhiều vụ vận chuyển mua bán
ma túy rất lớn. Đối tượng phạm tội còn sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt
các cơ quan chức năng, đây là những thách thức rất nặng nề đối với công tác đấu
tranh phòng, chống ma túy. Việc lạm dụng các chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp
ở người nghiện có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, một số người tái nghiện,
tái phạm nhiều lần.
Hiện nay, tội phạm ma túy còn sử dụng
công nghệ cao trong buôn, bán ma túy và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới,
do đó ngăn chặn và phòng, chống ma túy sử dụng công nghệ cao cũng đang là một
thách thức với các cơ quan chức năng.
Vì vậy, công tác phòng, chống ma túy
nói chung, trên lĩnh vực truyền thông nói riêng rất cần sự hợp tác chặt chẽ với
các nước, nhất là các quốc gia có chung biên giới, các cơ quan, ban ngành để
góp phần ngăn chặn từ xa. Qua thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền phòng,
chống ma túy là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài cần được tiến
hành thường xuyên, liên tục.
Với thực trạng đó, để nâng cao hiệu
quả phòng, chống ma túy đến năm 2020, cần thiết xây dựng Đề án “Truyền thông
phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng
lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và thực hiện hiệu quả công tác phòng,
chống ma túy; phát huy những thành tích, kết quả đạt được, đồng thời khắc phục
những hạn chế tồn tại trong công tác tuyên truyền góp phần
kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy.
2. Mục tiêu cụ thể
- Từ năm 2018, đạt 75% và năm 2020 đạt
100% xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) nhận và triển khai tài liệu hướng
dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông trong phòng, chống ma
túy.
- Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc
địa bàn trọng điểm có mô hình chuyên sâu về phòng, chống ma túy và 50% số xã
trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống ma túy.
- Từ năm 2018, thông tin về phòng, chống
ma túy được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh thường
xuyên, liên tục.
- Đến năm 2020,
đạt 70% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi có nguy
cơ được tiếp cận các thông tin về pháp luật phòng, chống ma túy và kỹ năng
phòng, chống ma túy.
- 100% phóng viên, các cơ quan thông
tin đại chúng tuyên truyền về pháp luật và xã hội có kiến thức, kỹ năng viết,
đưa tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy.
III. ĐỐI TƯỢNG THỤ
HƯỞNG, PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng thụ hưởng
- Công dân Việt Nam; người nước
ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
2. Phạm vi áp dụng
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả
nước, ưu tiên nguồn lực tập trung tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, địa bàn
các tỉnh giáp với biên giới với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.
3. Thời gian thực hiện: Đến năm 2020.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG
CỦA ĐỀ ÁN
1. Công tác chỉ đạo
- Chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền
thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên
giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan chức năng trên địa bàn đưa nội dung tuyên
truyền phòng, chống ma túy vào định hướng tuyên truyền hàng tháng tại hội nghị
giao ban báo chí; thực hiện tốt công tác truyền thông phòng, chống ma túy sâu rộng
đến từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chú trọng
tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy,
các phương thức phòng, chống ma túy, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động
phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo
chí, hệ thống thông tin cơ sở đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền,
đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng
nhóm người, văn hóa vùng, miền, địa phương.
- Chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ viễn
thông và internet, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung thông tin
trên mạng phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn
hoạt động mua, bán ma túy trái phép trên mạng internet và mạng xã hội.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động
phòng, chống ma túy” trong tháng 6 hàng năm.
2. Nội dung, hình thức thông tin,
tuyên truyền
a) Nội dung thông tin tuyên truyền:
- Tuyên truyền về quan điểm, chủ
trương của Đảng, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống
ma túy.
- Nguy cơ, tác hại, hậu quả của nghiện
ma túy đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước, đặc biệt tập trung các nhóm có nguy cơ cao, đối tượng thanh thiếu
niên ở địa bàn dân cư, đô thị và trường học.
- Các dịch vụ chăm sóc, điều trị, cai
nghiện, hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện
ma túy và tại cộng đồng.
- Kinh nghiệm, điển hình tiên tiến,
các mô hình trong công tác phòng, chống ma túy.
- Giới thiệu giải pháp, kinh nghiệm,
các tiến bộ khoa học của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống ma
túy.
b) Hình thức thông tin, tuyên truyền:
- Xây dựng các tiểu phẩm, ký sự,
phóng sự, phim tài liệu, tin, bài viết, về phòng, chống ma túy đăng phát trên
phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí in, báo, tạp chí điện tử, báo
nói, báo hình, trang thông tin điện tử...).
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về phòng, chống ma túy.
- Kết hợp tuyên truyền gắn với cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân đoàn
kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Biên soạn, in ấn và phát hành tờ
rơi, tờ gấp, poster, sổ tay công tác truyền thông phòng, chống ma túy phát hành
tại các các điểm bưu điện văn hóa xã...
- Biên soạn, phát hành tài liệu hướng
dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông phòng, chống ma túy tại
các xã, phường, thị trấn.
- Cấp phát báo miễn phí liên quan đến
công tác phòng, chống ma túy cho các điểm bưu điện văn hóa xã (ưu tiên tại các
tỉnh, thành phố trọng điểm).
- Sản xuất video clip, các thông điệp
về phòng, chống ma túy phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống
thông tin cơ sở.
- Tổ chức các hoạt động thông tin,
tuyên truyền lưu động về phòng, chống ma túy.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền
hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma
túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26 - 6”.
- Truyền tải các thông điệp, thông
tin về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức khác nhau: Khẩu hiệu, tờ rơi, tờ
gấp, poster, hình ảnh về phòng, chống ma túy, đăng, phát trên mạng xã hội, điện
thoại di động... để tăng cường hiệu quả truyền thông.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ
chức kiểm tra, giám sát các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy tại địa
phương.
- Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, lớp
tập huấn về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các đối tượng là lãnh
đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ các Sở Thông tin và
Truyền thông; cán bộ làm công tác thông tin cơ sở tại Phòng Văn hóa - Thông tin
cấp huyện và Đài Phát thanh ở cơ sở.
- Tổng kết và
khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong công tác thông tin,
tuyên truyền phòng, chống ma túy.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo,
kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác truyền thông phòng,
chống ma túy. Nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng tuyên truyền phòng, chống ma
túy cho phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí và cán bộ, công chức của các
cơ quan liên quan. Định kỳ hàng năm có kế hoạch chỉ đạo, triển khai và thực hiện
công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá Đề án.
2. Xây dựng, hoàn thiện tài liệu, kỹ
năng tuyên truyền phòng, chống ma túy cho cán bộ chuyên trách thực hiện công việc
tuyên truyền phòng, chống ma túy.
3. Duy trì thực hiện có hiệu quả cơ
chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án, cơ chế
phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành.
4. Huy động và sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật của các cấp, các ngành có
liên quan.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện
- Được bố trí trong dự toán chi thường
xuyên của các Bộ, ngành và địa phương theo quy định của pháp luật.
- Huy động nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ nhiệm vụ được phân công,
các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, tổng hợp chung trong dự
toán của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trình cấp
có thẩm quyền quyết định.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện
Đề án
a) Trưởng ban: Đồng chí Thứ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông.
b) Phó Trưởng ban Thường trực: Đồng
chí Cục trưởng Cục Báo chí.
c) Thành viên: Đại diện lãnh đạo cấp
vụ, cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo:
- Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp
giữa các thành viên và chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án sau
khi Đề án được phê duyệt.
- Định kỳ 6 tháng họp đánh giá kết quả
hoạt động, trao đổi, thống nhất kế hoạch hoạt động tiếp theo. Giám sát và đánh
giá việc triển khai thực hiện Đề án báo cáo kết quả hoạt động của Đề án theo
quy định.
- Thành lập Tổ Thư ký giúp việc Ban
Chỉ đạo.
d) Cơ quan Thường trực:
Cơ quan Thường trực của đề án: Cục
Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Phân công thực hiện
a) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực
hiện các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông
tin đại chúng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm
tra và đánh giá hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
và các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh,
thành phố đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy
trên các phương tiện thông tin đại chúng trong phạm vi cả nước.
- Chủ trì các cuộc họp, giao ban, tổng
kết Đề án.
b) Các Bộ, ngành
Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông và các Bộ, ngành liên quan triển khai hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ
và quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Chương trình phòng, chống ma túy đến
năm 2020 để thực hiện các nội dung của Đề án.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nội dung, mục tiêu của Đề
án; các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và các quy định khác có
liên quan, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên
truyền hàng năm tại địa phương để thực hiện các hoạt động của Đề án theo quy định
của pháp luật và Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020.
d) Các cơ quan báo chí
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục,
các tin, bài, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống
ma túy; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy... và tăng thời
lượng, tần suất thông tin về công tác phòng, chống ma túy thường xuyên, liên tục.
3. Chế độ báo cáo
Cục Báo chí có trách nhiệm kiểm tra,
đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án và định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả
trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ.