Quyết định 235/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 235/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/02/2015
Ngày có hiệu lực 14/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 235/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI KHU VỰC NÔNG THÔN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình của Hội viên nông dân góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn.

- 80% cán bộ Hội Nông dân các cấp được đào tạo nâng cao năng lực về giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các kỹ năng vận động, tư vấn người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.

- 80% Hội viên nông dân cam kết nói không với bạo lực gia đình.

3. Phạm vi thực hiện Đề án: Khu vực nông thôn Việt Nam.

4. Các hoạt động cụ thể của Đề án

a) Biên soạn, cung cấp các tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu đào tạo về kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp, băng, đĩa).

b) Tổ chức các khóa đào tạo giảng viên, cán bộ Hội các cấp.

c) Tổ chức các hoạt động vận động, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.

d) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mít tinh, giao lưu về phòng, chống bạo lực gia đình.

đ) Xây dựng mô hình vận động, tư vấn, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, vốn vay, khuyến nông cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.

e) Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của các cấp Hội, báo chí, tuyên truyền vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội về phòng, chống bạo lực gia đình cho Hội viên nông dân.

g) Tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá, bao gồm hoạt động giám sát thường xuyên của các cấp, giám sát liên ngành, đánh giá đầu vào, đầu ra và đánh giá đầu kỳ, cuối kỳ của Đề án.

5. Các giải pháp thực hiện Đề án

a) Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng đối tượng tuyên truyền là người gây ra bạo lực gia đình.

b) Nâng cao năng lực của cán bộ Hội Nông dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn.

c) Ngân sách nhà nước hỗ trợ việc thực hiện triển khai Đề án.

[...]