QUY ĐỊNH
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số:23/2015/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định một số nội dung về phân cấp
Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bao gồm:
1. Phân cấp thẩm định dự án, quyết
định phê duyệt dự án đầu tư; quyết toán các dự án đầu tư công do Ủy ban nhân
dân tỉnh quản lý;
2. Phân cấp về quản lý chất lượng công
trình xây dựng.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Phân cấp thẩm định dự án, quyết
định phê duyệt dự án đầu tư, quyết toán các dự án đầu tư công do Ủy ban nhân
dân tỉnh quản lý áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có
liên quan đến hoạt động đầu tư công của các dự án thuộc các đối tượng được Ủy
ban nhân dân tỉnh quy định phân cấp tại Quyết định này;
2. Phân cấp quản lý chất lượng công
trình xây dựng áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái bao
gồm tất cả các nguồn vốn.
3. Không áp dụng các quy định nêu trong
văn bản này về phân cấp quyết định đầu tư, quyết toán vốn đầu tư đối với các dự
án sử dụng các nguồn vốn không thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
Điều 3. Giải thích
từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Công trình xây dựng (theo quy
định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014): là sản phẩm
được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp
đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt
đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng
theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công
nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ
thuật và công trình khác.
2. Dự án đầu tư xây dựng (theo
quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014) là tập hợp
các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng
để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy
trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và
chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể
hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên
cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
3. Mua sắm trong quy định này
là hoạt động quản lý, đầu tư, cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị, máy móc và
các tài sản khác thuộc dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, được quản
lý theo quy định của luật đầu tư công.
4. Cơ quan chuyên môn quản lý đầu
tư công tại quy định này là Sở Kế hoạch và Đầu tư, phòng Tài chính - Kế
hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Phòng có chức năng quản lý xây
dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban
nhân dân thành phố Yên Bái và Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, phòng Kinh tế hạ
tầng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện.
6. Vốn đầu tư công gồm vốn ngân
sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu
chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu
đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước,
vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà
nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.
7. Vốn đầu tư công của Ngân sách
tỉnh bao gồm vốn đầu tư công của ngân sách cấp tỉnh và vốn đầu tư công của
ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
8. Vốn đầu tư công của Ngân sách
huyện, xã là các nguồn vốn được tỉnh phân khai cân đối về huyện, xã theo kế
hoạch hằng năm (bao gồm tất cả các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước) và nguồn
vốn được bổ sung trong năm ngoài nguồn vốn được tỉnh phân khai cân đối về
huyện, xã theo kế hoạch hằng năm gọi chung là nguồn vốn đầu tư công, được quản
lý theo quy định của Luật Đầu tư công.
9. Nguồn vốn ngoài nguồn vốn đầu
tư công của thành phố, thị xã huyện và xã bao gồm các nguồn vốn được hỗ trợ
trực tiếp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngoài cân đối của nguồn vốn
đầu tư công.
Chương II
QUY ĐỊNH PHÂN CẤP
VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG
Điều 4. Lập, thẩm
định, quyết định chủ trương đầu tư
1. Lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu
tư:
a) Các ngành, các địa phương căn cứ
nhu cầu đầu tư của ngành, địa phương mình lập danh mục các dự án trình Sở Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho phép lập
báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với tất cả các nguồn vốn đầu tư công theo quy
định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát,
tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giao nhiệm vụ cho các ngành, các
địa phương lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án sử dụng
toàn bộ nguồn vốn ngoài đầu tư công.
c) Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và
khả năng cân đối vốn, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định các dự án nhóm
B, nhóm C có sử dụng vốn ngân sách tỉnh (bao gồm cả nguồn vốn được Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí từ ngân sách nhà nước cho các huyện, thị xã, thành phố trong dự
toán giao đầu năm và phần vốn tăng thu trong năm của các huyện, thị xã, thành
phố, nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư).
2. Đối với các dự án nhóm B, nhóm C
sử dụng toàn bộ nguồn vốn hợp pháp khác do Ủy ban nhân dân
cấp huyện, cấp xã tự huy động được ngoài nguồn vốn đầu tư công:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thành
lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả
năng cân đối vốn;
b) Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân
cấp huyện, cấp xã quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
c) Riêng đối với các dự án nhóm B phải
có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân tỉnh trước khi Hội đồng nhân dân cấp huyện,
cấp xã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đối với từng dự án cụ thể.
3. Điều chỉnh, bổ sung các dự án sử
dụng nguồn vốn đầu tư công:
Đơn vị Chủ đầu tư trình Sở Kế hoạch và
Đầu tư thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt chủ
trương đầu tư điều chỉnh, bổ sung dự án, kể cả các dự án được Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được
quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh, bổ sung dự án trong trường hợp dự án
sau điều chỉnh, bổ sung sử dụng toàn bộ nguồn vốn hợp pháp khác do Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã tự huy động được ngoài nguồn vốn đầu tư công.
Điều 5. Phân cấp thẩm
định và quyết định phê duyệt dự án đầu tư
1. Phân cấp quyết định đầu tư
a) Đối với các dự án có sử dụng vốn
ngân sách tỉnh (bao gồm cả nguồn vốn được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí từ ngân
sách nhà nước cho các huyện, thị xã, thành phố trong dự toán giao đầu năm và
phần vốn tăng thu trong năm của các huyện, thị xã, thành phố); vốn ngân sách
Trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư
dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý theo quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt đầu tư dự án có cấu phần
xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng do Uỷ ban nhân dân
cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc đơn vị cấp dưới trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp
huyện làm chủ đầu tư trên cơ sở chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền, kết quả
thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt đầu tư dự án không có cấu
phần xây dựng (dự án mua sắm tài sản, mua sắm trang thiết bị, máy móc và các dự
án khác theo quy định) có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng do Uỷ
ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc đơn vị cấp dưới trực tiếp của Ủy ban
nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư trên cơ sở chủ trương đầu tư của cấp thẩm
quyền, kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính và thực hiện đảm bảo đầy đủ các quy định hiện hành về mua
sắm tài sản.
b) Đối với các dự án sử dụng toàn bộ nguồn vốn hợp pháp khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tự huy
động được ngoài nguồn vốn đầu tư công:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết
định phê duyệt đầu tư dự án nhóm C.
c) Đối với công trình có các yêu cầu, quy định
riêng theo từng ngành, lĩnh vực thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 và các quy định liên
quan.
d) Đối với các dự án sử dụng vốn sự
nghiệp có tính chất đầu tư:
Giao Giám đốc các Sở, ngành; thủ trưởng
các cơ quan quyết định phê duyệt dự án tổng mức đầu tư dưới 03 tỷ đồng theo quy
định hiện hành về quản lý sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trên cơ sở chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền, kết quả thẩm định
nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
2. Phân cấp thẩm định dự án
2.1. Đối với dự án không có cấu phần xây
dựng:
a) Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định
phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
tổ chức thẩm định dự án;
b) Đối với các dự án Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt: Giao
phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức thẩm
định dự án;
c) Đối với các dự án nhóm C sử dụng các
nguồn vốn hợp pháp khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tự huy động được
ngoài nguồn vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã: Giao phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổ chức thẩm định dự án.
2.2. Đối với các dự án có cấu phần xây dựng:
a) Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định
của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: Giao Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại Điều 58
của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 với quy mô từ nhóm B
trở xuống.
Trên cơ sở kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, Sở
quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, đơn vị Chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án đến
Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt dự án.
b) Đối với các dự án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt: Giao phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái và Ủy ban
nhân dân thị xã Nghĩa Lộ; phòng Kinh tế hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện
chủ trì tổ chức thẩm định dự án.
c) Đối với các dự án nhóm C sử dụng các
nguồn vốn hợp pháp khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tự huy động được
ngoài nguồn vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã: Giao phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân
dân thành phố Yên Bái và Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ; phòng Kinh tế hạ tầng
thuộc Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thẩm định dự án.
Đối với công trình có các yêu cầu, quy định riêng
theo từng ngành, lĩnh vực (bí mật quân sự, quốc phòng; bảo tồn, sửa chữa di
tích lịch sử …) thực hiện theo các quy định hiện hành.
c) Đối với các dự án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh ủy quyền cho Giám đốc các Sở, ngành; thủ trưởng các cơ quan
quyết định phê duyệt dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư:
Giao Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định
dự án với quy mô từ nhóm B trở xuống.
Điều 6. Quy định về
thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án không có cấu phần xây
dựng:
1. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức
thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt thiết kế kỹ
thuật, dự toán;
2. Đối với các dự án Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt: giao phòng Tài chính
- Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổ chức
thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét, phê
duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán;
3. Đối với các dự án nhóm C sử dụng các nguồn vốn
hợp pháp khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tự huy động được ngoài nguồn
vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã: giao phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố chủ trì tổ chức thẩm định, gửi Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phê
duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Điều 7. Quy định quản lý nhà nước
các cấp trong việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch đầu tư công và dự án
đầu tư công
1. Về kế hoạch đầu tư công: Giao Sở Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo các quy
định hiện hành, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định đối
với từng nguồn vốn và từng dự án cụ thể.
2. Về giám sát, đánh giá dự án đầu tư công: giao Sở
Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu
tư của tỉnh; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cấp, đơn
vị trực thuộc, các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền cho
cấp dưới.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giám sát việc
thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án theo Luật Đầu tư công số
49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 thuộc các ngành, các đơn vị, các địa
phương, đồng thời tham mưu, cân đối vốn phù hợp với nguồn lực và phát triển
kinh tế - xã hội từng giai đoạn.
Điều 8. Phân cấp phê
duyệt quyết toán vốn đầu tư
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt quyết toán vốn đầu tư của các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định đầu tư.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhân dân
cấp huyện phê duyệt quyết toán của các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện quyết định đầu tư và các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực
tiếp quyết định đầu tư.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy
quyền cho Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn ngân
sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác có tổng
mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
4. Sở Tài chính tổ chức thẩm tra đối
với các dự án sử dụng các nguồn vốn do Chủ tịchỦy ban nhân dân tỉnh quyết định
đầu tư.
5. Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thẩm tra đối với các dự án
sử dụng các nguồn vốn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã quyết định đầu tư.
Điều 9. Phân cấp về
quản lý chất lượng công trình xây dựng
Uỷ ban nhân dân tỉnh ủy quyền thực
hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình cấp III, IV thuộc trách
nhiệm của Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái và Ủy ban
nhân dân thị xã Nghĩa Lộ; phòng Kinh tế hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện
đối với các công trình có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ do Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã quyết định đầu tư theo phân cấp
tại quy định này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 10. Xử lý vi
phạm
1. Các hành vi vi phạm trong quá trình
triển khai thực hiện đầu tư đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tuỳ theo tính chất vi phạm mà bị
xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự,
nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 11. Trách
nhiệm của người uỷ quyền và người được uỷ quyền
1. Người uỷ quyền: Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm về sự uỷ quyền của mình theo quy định của pháp
luật.
2. Người được uỷ quyền: Người được
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế,
dự toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, quản lý chất lượng công trình xây
dựng theo quy định tại quyết định này chịu trách nhiệm trước pháp luật và người
uỷ quyền về nội dung được ủy quyền.
Điều 12. Xử lý chuyển
tiếp
1. Đối với các dự án đã được phê
duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Quyết định ban hành Quy định này thì các
công việc tiếp theo của dự án được thực hiện theo Quy định tại Quyết định này
và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Đối với các dự án chưa được phê
duyệt khi Quyết định ban hành Quy định này có hiệu lực thì các công việc tiếp
theo thực hiện theo quy định tại Quy định này và các văn bản pháp luật có liên
quan.
Điều 13. Điều khoản
thi hành
1. Quy định này có hiệu lực
thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế quy định tại Quyết định số
37/2012/QĐ-UBND ngày 03/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy
định một số nội dung Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và
các quy định có liên quan tại Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định phân cấp quản lý chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân
dân cấp huyện, các đơn vị Chủ đầu tư và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy định
này.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Xây dựng phối hợp với các Sở; ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Các cơ
quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành; tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và những vi phạm
quy định phân cấp, ủy quyền tại Quyết định này.
4. Đối với các nội dung không quy định
phân cấp trong quyết định này: việc triển khai thực hiện theo quy định của Luật
Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Xây dựng số
50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 và các quy định hiện hành./.