Quyết định 2297/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 2297/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/06/2021
Ngày có hiệu lực 24/06/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2297/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Kết luận số 802-KL/TU ngày 03 tháng 10 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 3081/TTr-SYT ngày 27 tháng 5 năm 2021 về Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 (đính kèm Đề án).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN Y TẾ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Phần A

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG

Trong những năm qua, theo sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Kết quả đạt được:

Những mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình quốc gia về y tế - dân số, chương trình sức khỏe Thành phố đều được hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra và ở mức cao nhất cả nước. Thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tầm vóc cho người dân, thể hiện ở một số lĩnh vực cơ bản như sau:

- Công tác dân số thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; ổn định quy mô dân số; nhu cầu sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân được đáp ứng đầy đủ và có chất lượng; kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tổng số nạo phá thai dần dần được kéo giảm.

- Các hoạt động y tế dự phòng được tăng cường đã góp phần ngăn chặn những bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn, đặc biệt đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.

- Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực quan trọng là làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ số tử vong mẹ đều giảm mạnh trong vòng 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia.

- Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; giữ tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,6%, khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03%; tiến tới hoàn thành mục tiêu 90-90-90.

- Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần... được quan tâm đầu tư để can thiệp cải thiện.

- Năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở đã được nâng lên góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tạo niềm tin và thu hút người dân đến với tuyến y tế cơ sở.

[...]