Quyết định 2244/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 2244/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/08/2014
Ngày có hiệu lực 18/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Phùng Quang Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2244/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 18 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN THƯ, LƯU TRỮ TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11/11/2011;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-BNV ngày 27/6/2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Quy hoạch ngành văn thư, lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số: 358/TTr-SNV ngày 24/7/2014 của Giám đốc Sở Nội vụ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gồm các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và Quy hoạch ngành văn thư, lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt kèm theo Quyết định số 579/QĐ-BNV ngày 27/6/2012 của Bộ Nội vụ.

2. Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ của tỉnh cần được đầu tư nhân lực đáp ứng yêu cầu, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm nhiệm công tác văn thư, lưu trữ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tận tụy, trung thành, có trình độ chuyên nghiệp hoá cao. Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn lực khác đầu tư cho sự phát triển của công tác văn thư, lưu trữ.

3. Việc xây dựng Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình thực hiện phù hợp theo yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, phục vụ kịp thời sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền.

4. Nội dung Quy hoạch phải bảo đảm phát triển theo hướng đổi mới, chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm thích ứng kịp thời trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ mới, công nghệ thông tin.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a. Quản lý thống nhất ngành văn thư, lưu trữ trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức, triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ; đảm bảo hợp lý giữa công tác văn thư và công tác lưu trữ nhằm phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

b. Quy hoạch phát triển của ngành văn thư, lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải bảo đảm phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

c. Tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, thông suốt để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ngành văn thư, lưu trữ của tỉnh và của mỗi cơ quan, tổ chức hàng năm. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển ngành văn thư, lưu trữ phát triển trong thời gian tới.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nghiệp vụ kỹ thuật quản lý công tác văn thư, lưu trữ nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động, quản lý thống nhất ngành văn thư, lưu trữ theo hướng hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá, tích cực hội nhập và phát triển; đồng thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp, có tính khả thi, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, dễ tìm, dễ thấy, dễ khai thác sử dụng, tránh hư hỏng, thất thoát các tài liệu lưu trữ.

b. Kiện toàn tổ chức bộ máy văn thư, lưu trữ từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn theo hướng tinh, gọn, phù hợp, hiệu quả bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và thực hiện thống nhất quản lý ngành văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh.

c. Xây dựng đội ngũ CCVC đảm nhiệm công tác văn thư, lưu trữ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tính chuyên nghiệp hóa cao, có kỹ năng cơ bản, cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

d. Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện theo hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu yêu cầu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hoá ngành văn thư, lưu trữ.

[...]