Quyết định 2234/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch Tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2234/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/12/2010
Ngày có hiệu lực 08/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2234/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG MẶT BẰNG KHU DI TÍCH TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG TẠI 18 HOÀNG DIỆU, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch Tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi lập quy hoạch gồm: khu đất nghiên cứu có diện tích 45.380 m2 phân thành các khu A, B, C, D, trong đó diện tích các hố khai quật có mái che tạm là 15.500m2, diện tích đã lấp cát là 1.410m2.

Ranh giới quy hoạch:

- Phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ;

- Phía Đông giáp đường Hoàng Diệu;

- Phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khu đất xây dựng Nhà Quốc hội;

- Phía Tây giáp đường Độc Lập và khu đất xây dựng Nhà Quốc hội.

2. Mục tiêu

a) Quy hoạch bảo tồn Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với Khu Thành Cổ trở thành Công viên văn hóa lịch sử nhằm phát huy giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu di tích, thể hiện được một khu vực có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất, tồn tại và phát triển từ ngàn năm của đất nước.

b) Bảo tồn nguyên trạng các loại hình di tích khảo cổ học đã phát lộ; gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, lâu dài cho các thế hệ mai sau.

c) Phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, quảng bá văn hóa. Tạo điều kiện cho người dân, khách tham quan trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu giá trị ý nghĩa của khu di tích và nền văn hiến của dân tộc Việt Nam. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng về trách nhiệm đối với việc gìn giữ di sản của thế giới và của dân tộc.

d) Xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với Khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

đ) Hài hòa tổng thể không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong Khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình.

e) Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai công tác đầu tư xây dựng và quy chế quản lý Khu di tích.

3. Tính chất

- Mang tính đặc thù là một khu khảo cổ, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều dấu tích kiến trúc qua các triều đại phong kiến;

- Những nội dung khảo cổ đã phát lộ, không chỉ mang tính chất khảo cổ thuần túy mà còn mang tính chất của khảo cổ học đô thị;

- Là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào ngày 01 tháng 8 năm 2010.

4. Nội dung nghiên cứu

- Phân tích tổng thể không gian quy hoạch kiến trúc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Khu Thành cổ Hà Nội, Nhà Quốc hội;

- Điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp và toàn diện về hiện trạng các khu khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học;

- Xác định công nghệ và hình thức bảo tồn;

- Xác định tuyến và chu trình tham quan các khu chức năng.

[...]