Quyết định 2201/QĐ-UBND năm 2009 về đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 2201/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/08/2009
Ngày có hiệu lực 07/08/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Một
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2201/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 07 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 36/TTr-STP ngày 24 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006;

Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, với dân số trên hai triệu người; có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; cùng với quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa và thu hút lao động nhập cư cũng diễn ra nhanh chóng. Tình hình đó làm phát sinh nhu cầu xác lập và thực hiện hợp đồng, giao dịch về dân sự, thương mại, kinh tế… ngày càng cao. Đồng thời, nhu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng liên tục gia tăng. Qua thống kê báo cáo cho thấy, số lượng công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch tại các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều (theo báo cáo số liệu thống kê, năm 2006 số lượng việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại các phòng Công chứng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã là 8.274 trường hợp; năm 2007: 18.252 trường hợp; năm 2008: 57.289 trường hợp). Bên cạnh sự gia tăng về số lượng yêu cầu công chứng, chứng thực, tính đa dạng, phức tạp và yếu tố mới trong các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và hoạt động chứng thực phải có sự đầu tư nhiều và sâu hơn cho hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Để thực hiện quy định pháp luật và chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu công chứng của nhân dân và định hướng phát triển hoạt động công chứng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng được nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân, phục vụ có hiệu quả cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi là Đề án) là cơ sở pháp lý giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Đề án xác định mục đích, nguyên tắc và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, quy định về lộ trình và mạng lưới phát triển tổ chức hành nghề công chứng với những bước đi, giải pháp khả thi, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai trong từng giai đoạn.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TẠI TỈNH ĐỒNG NAI

I. MỤC TIÊU

[...]