UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/2014/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày 05 tháng 8 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC CHI CHO CÁC TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG ĐỂ NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÁP LUẬT VÀ
PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát
triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số
07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính
sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài chính
về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động
cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy
động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 27/3/2013 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài
chính về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư Liên tịch số
61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 196/TTr-SNN&PTNT ngày 30/6/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay quy định mức
chi cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng
trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; với
các nội dung chính như sau:
1. Về đối tượng:
a) Những người được huy động hoặc
tự nguyện tham gia để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và
phòng cháy, chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm,
trừ chủ rừng) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được hưởng chế độ bồi dưỡng.
b) Hỗ trợ chi phí tiêu hao
nhiên liệu, thiệt hại (nếu có) cho phương tiện (trừ phương tiện của chủ rừng)
được huy động để tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và
phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Về mức chi cho tổ chức, cá
nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và
phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm:
a) Mức chi bồi
dưỡng cho người được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể như sau:
- Đối với vụ cháy rừng quy mô
nhỏ, thời gian huy động từ 4 giờ trở xuống (dưới ½ ngày công lao động), mức bồi
dưỡng: 125.000 đồng/người/lần huy động.
- Đối với vụ cháy rừng quy mô lớn,
thời gian huy động trên 4 giờ (trên ½ ngày công lao động), mức bồi dưỡng:
250.000 đồng/người/lần huy động.
- Chi tiền ăn thêm cho các lực
lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn
chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng, với
mức chi là: 50.000 đồng/người/ngày (25.000 đồng/người/buổi).
- Địa phương phải đảm bảo điều
kiện thiết yếu về nước uống, thuốc men, dụng cụ y tế cho các tổ chức, cá nhân
khi được huy động tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và
phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.
b) Chi tặng quà thăm hỏi, động
viên cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn
tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng có thành
tích xuất sắc hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ, cụ thể như sau:
- Trường hợp đoàn thăm hỏi, động
viên do lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh
làm Trưởng đoàn: Mức chi tối đa đối với tập thể là: 2.000.000 đồng/đơn vị, đối
với cá nhân là: 300.000 đồng/người.
- Trường hợp đoàn thăm hỏi, động
viên do lãnh đạo UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
cấp huyện làm Trưởng đoàn: Mức chi tối đa đối với tập thể là: 1.500.000 đồng/đơn
vị, đối với cá nhân là: 250.000 đồng/người.
- Trường hợp đoàn thăm hỏi, động
viên do lãnh đạo UBND cấp xã làm Trưởng đoàn: Mức chi tối đa đối với tập thể
là: 1.000.000 đồng/đơn vị, đối với cá nhân là: 200.000 đồng/người.
c) Các khoản chi khác trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp
luật và phòng cháy, chữa cháy rừng, cụ thể như sau:
- Chi tiền họp ngoài giờ làm việc
cho các đại biểu tham dự các cuộc họp bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ đột xuất
ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng
do Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ
và phát triển rừng tỉnh tổ chức: Mức chi tối đa đối với người chủ trì cuộc họp
là: 100.000 đồng/người/buổi, các đại biểu khác là: 70.000 đồng/người/buổi.
- Chi tiền họp ngoài giờ làm việc
cho các đại biểu tham dự các cuộc họp bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ đột xuất
ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng
do Chủ tịch UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp
huyện tổ chức: Mức chi tối đa đối với người chủ trì cuộc họp là: 70.000 đồng/người/buổi,
các đại biểu khác là: 50.000 đồng/người/buổi.
- Chi tiền họp ngoài giờ làm việc
cho đại biểu tham dự các cuộc họp bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ đột xuất
ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng
do Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức: Mức chi tối đa đối với người chủ trì cuộc họp
là: 60.000 đồng/người/buổi, các đại biểu khác là: 40.000 đồng/người/buổi.
d) Trong trường hợp có sự thay
đổi các quy định của Bộ ngành Trung ương và biến động tăng hoặc giảm về giá
nhân công (từ 20% trở lên) Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm khảo sát và phối
hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung.
đ) Hồ sơ thanh toán, gồm:
- Giấy đề nghị thanh toán.
- Danh sách người được huy động
tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa
cháy rừng có xác nhận của UBND cấp xã.
- Lệnh huy động lực lượng,
phương tiện.
- Biên bản vụ cháy rừng, phá rừng
do các Hạt Kiểm lâm lập.
- Văn bản của Hội đồng đánh giá
thiệt hại cùng cấp (nếu có).
- Các chứng từ khác (nếu có).
e) Những quy định khác: Các nội
dung khác không quy định tại Quyết định này thực hiện theo quy định tại Thông
tư Liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của Liên Bộ Nông nghiệp và
PTNT - Tài chính và Thông tư Liên tịch số 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày
27/3/2013 của Liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài chính.
3. Nguồn kinh phí thanh toán
a) Ngân sách tỉnh: Thanh toán
chi bồi dưỡng cho tổ chức, cá nhân được huy động theo “Lệnh huy động lực lượng,
phương tiện” của Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và
phát triển rừng tỉnh hoặc Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
b) Ngân sách huyện: Thanh toán
chi bồi dưỡng cho tổ chức, cá nhân được huy động theo “Lệnh huy động lực lượng,
phương tiện” của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Trưởng Ban
Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện.
c) Kinh phí của chủ rừng
- Chủ rừng là tổ chức (các Công
ty, Doanh nghiệp, Ban Quản lý rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng) lập
kinh phí dự phòng hằng năm để chi bồi dưỡng cho người được huy động tham gia
ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng
trên diện tích được giao quản lý.
- Chủ rừng là cá nhân, hộ gia
đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn chịu trách nhiệm chi trả cho tổ chức, cá
nhân khi có yêu cầu huy động người và phương tiện tham gia ngăn chặn tình trạng
chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng
do mình quản lý.
d) Trong trường hợp khi xảy ra
cháy rừng với quy mô lớn, có nguy cơ gây cháy lan cao, ảnh hưởng đến các khu rừng
xung quanh nhưng chưa xác định được chủ rừng thì cấp có thẩm quyền huy động cần
huy động lực lượng để tham gia ngăn chặn phòng cháy, chữa cháy rừng. Kinh phí
chi trả cho tổ chức, cá nhân được huy động do cấp huy động và chủ rừng cùng hỗ
trợ để chi trả.
đ) Nếu kinh phí chi trả cho tổ
chức, cá nhân để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng
cháy, chữa cháy rừng hằng năm lớn hơn kinh phí được phân bổ thì UBND cấp huyện,
Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh cấp
kinh phí bổ sung; trường hợp kinh phí chi trả thấp hơn kinh phí phân bổ hằng
năm thì kinh phí còn lại được điều chuyển cho năm kế tiếp.
4. Tổ chức thực hiện
a) Sở Nông nghiệp và PTNT
- Hằng năm, xây dựng dự toán
kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách cho Sở
Nông nghiệp và PTNT để thực hiện chi trả cho người và phương tiện do Chủ tịch
UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Chi cục trưởng
Chi cục Kiểm lâm huy động.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng
dẫn các Hạt Kiểm lâm trong việc tham mưu UBND cấp huyện bố trí, xử lý kinh phí
để thực hiện nhiệm vụ huy động người và phương tiện để ngăn chặn tình trạng chặt
phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
- Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và
các cơ quan liên quan kết quả thực hiện hằng năm theo quy định.
b) Sở Tài chính: Tham mưu UBND
tỉnh phân bổ kinh phí để chi trả theo khoản 2 nêu trên. Đồng thời, chủ trì, phối
hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xử lý cân đối ngân sách hằng
năm của UBND cấp huyện để triển khai thực hiện; hướng dẫn các địa phương thực
hiện quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và quyết toán đúng quy định của Luật
Ngân sách Nhà nước.
c) UBND cấp huyện
- Ngoài khoản ngân sách tỉnh
cân đối phân bổ hằng năm, UBND các huyện chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ
cho ngân sách cấp xã và chi trả cho các lực lượng huy động làm nhiệm vụ ngăn chặn
tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa
bàn liên xã hoặc phá rừng, cháy rừng vượt quá phạm vi kiểm soát của cấp xã, các
Ban Quản lý rừng trên địa bàn; quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định của
pháp luật hiện hành.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
UBND cấp xã thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và quyết toán
đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên
quan.
- Định kỳ 6 tháng và hằng năm lập
báo cáo kết quả thực hiện hoạt động ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp
luật và phòng cháy, chữa cháy rừng cho cơ quan thẩm quyền cấp trên có liên quan
theo dõi; xây dựng dự toán chi tiết kế hoạch kinh phí cho năm sau gửi Sở Tài
chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, tổng hợp.
d) UBND cấp xã
- Phối hợp với các ngành, đơn vị
chức năng trong việc triển khai thực hiện việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng
trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng theo thẩm quyền.
- Xác nhận danh sách người được
huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa
cháy rừng trên địa bàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở,
ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước tỉnh;
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng
các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: NN&PTNT, Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Tin học công báo tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC, KTTH, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2014\Quyet dinh\Qppl\07 29 quyet dinh
quy_dinh_muc_chi_cho cac to chuc, ca nhan huy dong de ngan chan pha rung,
PCCCR.doc
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Phước Thanh
|