Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 219/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 219/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 09/09/2005
Ngày có hiệu lực 08/10/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 219/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999; Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 173-TB/TW ngày 28 tháng 3 năm 2005 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Phân công thực hiện Chiến lược:

1. Bộ Văn hóa – Thông tin:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển thông tin 5 năm, hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển thông tin và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược đình kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết và tổng kết việc thực hiện Chiến lược này.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, mô hình, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa kế hoạch phát triển thông tin vào kế hoạch định kỳ hàng năm; thẩm định các đề án quy hoạch phát triển các lĩnh vực thông tin trình Chính phủ phê duyệt; xây dựng cơ chế huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển sự nghiệp thông tin, bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực thông tin được ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa – Thông tin xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho phát triển sự nghiệp thông tin, đảm bảo việc thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính trong lĩnh vực thông tin để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đầu tư cho thông tin.

4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ, các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách, chế độ đối với các bộ hoạt động thông tin, báo chí; xây dựng mô hình tổ chức và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp thông tin, báo chí trong cả nước.

5. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì trong việc phân bổ, quản lý phổ tần số, xây dựng đề án thống nhất quản lý mạng lưới truyền dẫn và phát sóng; phối hợp xây dựng chính sách về phí phát hành báo chí.

6. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo đảm an ninh thông tin trong nước và thông tin đối ngoại.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 trong phạm vi thẩm quyền; phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin và các Bộ, cơ quan khác triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển thông tin trên phạm vi toàn quốc.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển thông tin thuộc địa phương mình, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, VX (5b), A.

THỦ TƯỚNG
 



Phan Văn Khải

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

MỞ ĐẦU

Ngày nay, thông tin được coi là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, là công cụ để điều hành, quản lý, chỉ đạo của mỗi quốc gia, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng và là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Sự chênh lệch về trình độ phát triển thông tin giữa các nước là một đặc điểm về quy mô và trình độ phát triển trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ. Nước nào không vượt qua được những thách thức về thông tin, nước đó mất cơ hội phát triển và có nguy cơ mất khả năng tự chủ. Thiếu thông tin, sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hoặc các quyết định sẽ bị sai lệch, thiếu cơ sở khoa học, không thực tiễn và trở nên kém hiệu quả.

Chính vì vậy, chiến lược phát triển thông tin là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Thành công hay thất bại của một quốc gia tuỳ thuộc rất lớn vào khả năng làm chủ, chiếm được lợi thế thông tin. Để bảo vệ quyền lợi thiết thực của mình trong các hoạt động chung trên thế giới, các quốc gia hay tổ chức quốc tế đang nổ lực tìm kiếm những thông tin có giá trị nhất phục vụ cho mục tiêu hoạt động của mình. Trên thực tế, thông tin đã từng được coi là yếu tố quyết định sự thành bại của một tổ chức.

Xây dựng Chiến lược phát triển thông tin Việt Nam chính là nhằm xác định những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cơ bản và những giải pháp chủ yếu để thúc đẩy toàn bộ hệ thống thông tin cả nước không ngừng phát triển, cung cấp ngày càng kịp thời thông tin đa dạng, phong phú, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ việc phân loại theo phương thức thể hiện thông tin, thì phạm vi thông tin được đề cập trong Chiến lược phát triển thông tin Việt Nam đến năm 2010 chủ yếu là các loại hình thông tin thuộc chức năng quản lý của ngành văn hóa – thông tin. Đó là: thông tin bằng chữ viết, thông tin bằng tiếng nói, thông tin bằng hình ảnh, thông tin trên mạng Internet (đa phương tiện). Một số loại hình thông tin mang tính chuyên ngành như thông tin viễn thông, thông tin khoa học kỹ thuật v.v… đã được đề cập trong các Chiến lược phát triển của các lĩnh vực đó. Trong Chiến lược này, các lĩnh vực thông tin nói trên chỉ được đề cập ở một số khía cạnh có liên quan.

[...]