ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 2184/QĐ-UBND
|
Khánh
Hòa, ngày 21 tháng 8 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ
HỌC TẬP NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2019-2030” TẠI TỈNH
KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2020-2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg
ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia
về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 1704/TTr-SNV ngày 30/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch triển
khai Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức,
viên chức giai đoạn 2019-2030” tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2020-2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ,
công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn
2020-2025.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng
các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Bộ Nội vụ (báo cáo);
- Lưu: VT, MN.HP.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tấn Tuân
|
KẾ HOẠCH
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ HỌC TẬP
NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2019-2030” TẠI TỈNH KHÁNH
HÒA GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2184/QĐ-UBND ngày 21/8/2020 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Khánh Hòa)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức
danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực,
uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức chuyên nghiệp có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả
năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường
quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể: Từ năm 2020 đến năm 2025:
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực
ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu
đến hết năm 2025:
a) 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp
huyện (tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở
lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định.
b) 60% viên chức và 50% viên chức giữ
chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định;
c) 20% cán bộ, công chức cấp xã và
15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa
bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở
lên theo quy định.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng áp dụng
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;
- Công chức trong các cơ quan của Đảng
Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện;
công chức xã, phường, thị trấn;
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp
công lập.
2. Không áp dụng đối với các đối
tượng sau
- Cán bộ, công chức, viên chức công
tác trong hệ thống các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ngoại giao;
- Giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2025.
III. YÊU CẦU
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với đường lối,
chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và nhu cầu thực tế của cơ
quan, đơn vị.
2. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả
các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức;
bảo đảm huy động, phát huy tối đa các nguồn lực, năng lực hiện có của đội ngũ
giảng viên, giáo viên và hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
3. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan
quản lý, đơn vị sử dụng và bản thân cán bộ, công chức, viên chức trong việc đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.
4. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
ngoại ngữ, gắn việc học ngoại ngữ đi đôi với thực hành, sử dụng ngoại ngữ thường
xuyên, hiệu quả trong thực thi công vụ.
IV. NỘI DUNG, HÌNH
THỨC BỒI DƯỠNG
1. Nội dung bồi dưỡng
Các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ
cho công chức, viên chức được tổ chức theo quy định tại Thông tư số
01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng
lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gọi tắt là Thông tư số
01/2014/TT-BGDĐT), trong đó:
a) Đối với công chức:
Tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với
công chức được quy định theo Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ
trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV
ngày 09/10/2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ
Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với
các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công
chức, cụ thể như sau:
- Ngạch Chuyên viên cao cấp và tương
đương: Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương Bậc 4 (B2) khung năng lực
ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
- Ngạch Chuyên viên chính và tương
đương: Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương Bậc 3 (B1) khung năng lực
ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
- Ngạch Chuyên viên và tương đương:
có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương Bậc 2 (A2) khung năng lực ngoại
ngữ Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
- Ngạch Cán sự và tương đương: Có chứng
chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương Bậc 1 (A1) khung năng lực ngoại ngữ Việt
Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
b) Đối với viên chức:
Tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với
viên chức được quy định như sau:
- Viên chức hạng I: Có chứng chỉ ngoại
ngữ với trình độ tương đương Bậc 4 (B2) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo
Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
- Viên chức hạng II: Có chứng chỉ ngoại
ngữ với trình độ tương đương Bậc 3 (B1) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo
Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
- Viên chức hạng III: có chứng chỉ
ngoại ngữ với trình độ tương đương Bậc 2 (A2) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam
theo Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT.
- Viên chức hạng IV: Có chứng chỉ ngoại
ngữ với trình độ tương đương Bậc 1 (A1) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo
Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
2. Hình thức và thời gian bồi dưỡng
Các lớp bồi dưỡng tiếng Anh theo
khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: Tổ chức theo hình thức tập
trung (04 tháng, ngoài giờ hành chính), nội dung chương trình bồi dưỡng phải đảm
bảo đúng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014.
Các kỳ đánh giá tiếng Anh theo khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: Do các cơ sở đào tạo đủ điều kiện tổ
chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt
Nam, thuộc danh sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
V. KẾ HOẠCH THỰC
HIỆN
1. Tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ (từ
Bậc 3 trở lên)
a) Năm 2021: 05 lớp
- Dành cho CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo
quản lý: 140 học viên/02 lớp;
- Dành cho CBCCVC không giữ chức vụ
lãnh đạo quản lý: 210 học viên/03 lớp.
b) Năm 2022:05 lớp
- Dành cho CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo
quản lý: 140 học viên/02 lớp;
- Dành cho CBCCVC không giữ chức vụ
lãnh đạo quản lý: 210 học viên/03 lớp.
c) Năm 2023:03 lớp
- Dành cho CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo
quản lý: 70 học viên/01 lớp;
- Dành cho CBCCVC không giữ chức vụ
lãnh đạo quản lý: 140 học viên/02 lớp.
d) Năm 2024:05 lớp
- Dành cho CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo
quản lý: 140 học viên/02 lớp;
- Dành cho CBCCVC không giữ chức vụ lãnh
đạo quản lý: 210 học viên/03 lớp.
đ) Năm 2025: 03 lớp
- Dành cho CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo
quản lý: 70 học viên/01 lớp;
- Dành cho CBCCVC không giữ chức vụ
lãnh đạo quản lý: 140 học viên/02 lớp.
2. Tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ
chuyên ngành:
Tổ chức thực hiện theo Kế hoạch của Bộ
quản lý chuyên ngành sau khi các chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngoại ngữ
chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện
Đề án được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao theo quy định về
phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính, huy động hợp pháp khác.
2. Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức được bố trí từ ngân sách nhà
nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng
cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
3. Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của
đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho
đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật.
Căn cứ nội dung bồi dưỡng hằng năm
theo Kế hoạch, Sở Nội vụ lập dự toán chi tiết, gửi Sở Tài chính thẩm định để bố
trí kinh phí trong dự toán hằng năm.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nội vụ
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện
Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên
chức giai đoạn 2019-2030” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2020-2030.
b) Hằng năm, xây dựng và tổng hợp
kinh phí thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp trình Ủy ban
nhân dân tỉnh cấp kinh phí.
c) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ của Kế hoạch;
tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, gửi về
Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ lựa chọn,
đề xuất cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện liên kết đào tạo, tổ chức các lớp
bồi dưỡng tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và đề
xuất cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị đủ điều kiện
tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt
Nam.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ
trong việc xác nhận tính giá trị của trình độ ngoại ngữ tương đương cho cán bộ,
công chức, viên chức để xác định tính phù hợp với quy định về điều kiện tiêu
chuẩn ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
3. Sở Tài chính
Thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước.
4. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh,
các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ Kế hoạch này, hằng năm, các sở,
ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố có trách nhiệm đưa nội dung bồi dưỡng ngoại ngữ vào Kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị, địa phương, và báo cáo kết quả thực hiện
trong năm, xác định nhu cầu bồi dưỡng cho năm tiếp theo tại báo cáo kết quả đào
tạo, bồi dưỡng định kỳ, gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) trước
ngày 30/11 hằng năm.
Phối hợp với Sở Nội vụ, hằng năm, thực
hiện rà soát số lượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đã
và chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công
chức, viên chức trên cơ sở chức danh, vị trí việc làm và yêu cầu thực thi công
vụ.
Dự kiến số lượng cán bộ, công chức,
viên chức cần trang bị trình độ ngoại ngữ ở bậc cao hơn để đáp ứng quy định về
tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, chuẩn bị cho các kỳ thi nâng ngạch công chức,
thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tổng hợp, gửi Sở Nội vụ để đề xuất mở lớp,
đáp ứng nhu cầu.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện giai
đoạn 2020-2025 của tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai Đề án “Chương trình quốc
gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”,
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện./.