BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2183/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ TĂNG
TRƯỞNG XANH ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
Căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3
năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch
hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân
sách nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của
ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, NSNN (35)
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh Tiến Dũng
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg
ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng
trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh
giai đoạn 2014-2020; Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện với các nội dung và nhiệm vụ chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, yêu cầu
- Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc
gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, giảm cường
độ phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên
thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và
tiêu dùng xanh.
- Nâng cao nhận thức, vai trò và năng
lực của ngành tài chính trong phân bổ và quản lý sử dụng
ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng,
tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thực hiện xanh hóa sản xuất, xanh
hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
II. Nhiệm vụ
1. Xây dựng, hoàn thiện các
chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng
xanh
- Xây dựng tổng thể
định hướng phát triển ngành tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện,
cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính
sách thuế bảo vệ môi trường theo hướng bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức
điều tiết nhằm hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động
xấu đến môi trường sinh thái, từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo
vệ môi trường, thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm
phát thải ô nhiễm tại nguồn; tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm
phát sinh tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm trả phí bảo vệ môi trường;
khuyến khích tái sử dụng, tái chế xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải, áp dụng công nghệ xử lý chất thải thân thiện
với môi trường;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính
sách thuế tài nguyên theo hướng thuế tài nguyên là công cụ hữu hiệu để góp phần
quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên
thiên nhiên;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính
sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng áp dụng hợp lý
các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sản xuất năng
lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; phát triển
ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; sản
xuất sản phẩm xanh, có giá trị gia
tăng cao;
- Tiếp tục tổ chức,
thực hiện việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất đồi, núi trọc dùng vào
sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; đất khai
hoang dùng vào sản xuất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm nhằm khuyến khích
phát triển xanh và miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của cơ sở
thực hiện xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực môi trường;
- Ban hành quy chế mua sắm công xanh,
trong đó chi mua sắm sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng hóa dán
nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế, riêng các
phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công từ năm 2017 phải đạt tiêu
chuẩn khí thải Euro, ưu tiên các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện,
khí hóa lỏng) và xe lai (hybid);
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt
động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng
xanh, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư công đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh theo cơ cấu ngành nghề, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng,
nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến tác động của
biến đổi khí hậu;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính
sách chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ
môi trường theo hướng tập trung nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi
khí hậu, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.
- Rà soát các chính sách xã hội liên
quan đến việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
- Rà soát các cam kết hội nhập quốc tế
và nghiên cứu xu hướng hợp tác quốc tế về tài chính xanh.
2. Rà soát, hoàn thiện
chính sách phát triển xanh các loại thị trường
- Xây dựng, hoàn thiện khung chính
sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các
sản phẩm tài chính xanh.
* Các chính sách về thị trường vốn xanh bao gồm:
+ Thiết lập một khung tài chính xanh
cho các hoạt động trên thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi
niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong
giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).
+ Huy động vốn đầu
tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các
doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh thông qua niêm yết, phát
hành cổ phiếu xanh.
+ Phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu
tư,... cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh.
+ Xây dựng các bộ chỉ số xanh để
theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn.
+ Ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về
quản trị rủi ro môi trường xã hội cho các tổ chức thị trường, cho các thành
viên thị trường là các định chế tài chính và các doanh nghiệp niêm yết.
+ Hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán bền vững.
* Các sản phẩm của thị trường
vốn xanh bao gồm:
+ Trái phiếu xanh là các trái phiếu của
doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh.
+ Trái phiếu chính phủ và trái phiếu
chính quyền địa phương, phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh.
+ Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số Carbon.
+ Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư
xanh của các Quỹ đầu tư phát hành.
- Nghiên cứu khả năng triển khai các
sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
- Rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ
sung (nếu có) chính sách giá đối với mặt hàng xăng, dầu,
điện, nước, đảm bảo nguyên tắc cơ chế giá thị trường đồng
thời khuyến khích sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát
triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.
3. Rà soát, hoàn thiện
chính sách tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách
tín dụng, hỗ trợ lãi suất của nhà nước cho các chương trình,
dự án sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng đảm bảo lãi suất ưu đãi so với lãi
suất thị trường đối với các hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm,suy thoái và sự
cố môi trường, các dự án đầu tư bảo vệ
môi trường; tài trợ cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; hỗ trợ cho các dự án sản
xuất sạch hơn trong công nghiệp.
4. Tổ chức tuyên truyền,
nâng cao nhận thức trong thực hiện chính sách tài khóa xanh
- Tổ chức các cuộc hội thảo/chuyên đề/
hội nghị mở rộng để tuyên truyền, trao đổi về chính sách tài khóa xanh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
chính sách tài khóa xanh, chương trình hành động của ngành tài chính về tăng trưởng
xanh thông qua trang điện tử của ngành tài chính và các phương tiện thông tin đại
chúng.
III. Nguồn vốn thực hiện
Nguồn vốn để triển khai Kế hoạch được
lấy từ nguồn chi thường xuyên của Bộ Tài chính và nguồn vốn bổ sung từ các đối
tác nước ngoài dành cho Bộ Tài chính.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ
- Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các
nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động thành các đề
án, công việc, kết quả đầu ra để xây dựng chương trình công
tác tháng, quý và năm của đơn vị.
- Chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ
được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện; kịp thời báo cáo Bộ về những
vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai.
- Phối hợp với Vụ
Ngân sách nhà nước chuẩn bị các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao
(theo yêu cầu) để tổng hợp trình Bộ
phê duyệt gửi Ban điều phối tăng trưởng xanh trực thuộc Ủy ban Quốc gia về Biến
đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy
ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc
tế xây dựng các tài liệu phân tích nhu cầu vận động tài trợ nước ngoài để thực
hiện các nhiệm vụ liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
2. Vụ Ngân sách nhà nước có
trách nhiệm
- Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc
Bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động, kịp thời báo cáo Bộ
những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất những
giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 trong phạm vi quản lý của Bộ.
- Chuẩn bị các báo cáo (theo yêu cầu)
về đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động trình
Bộ phê duyệt gửi Ban điều phối tăng trưởng xanh trực thuộc Ủy ban Quốc gia về
Biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc
gia về Biến đổi khí hậu.
3. Vụ Hợp tác quốc tế
Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với
các đơn vị liên quan vận động tài trợ để thực hiện các nhiệm
vụ liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
4. Cục Kế hoạch - tài chính
- Hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ lập dự
toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực
hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; thẩm định, trình cấp
có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
- Trên cơ sở dự toán kinh phí được cấp
có thẩm quyền giao, thực hiện phân bổ, báo cáo Bộ phê duyệt
giao dự toán cho các đơn vị thuộc Bộ để triển khai nhiệm vụ theo quy định.
5. Cổng Thông tin điện tử Bộ
Tài chính, Thời báo Tài chính, các báo, tạp chí
trong toàn ngành có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền
kịp thời các hoạt động của ngành về việc triển khai, thực hiện kế hoạch hành động
của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm
2020.