Quyết định 2155/1999/QĐ-BYT ban hành "Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2155/1999/QĐ-BYT
Ngày ban hành 21/07/1999
Ngày có hiệu lực 05/08/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Ngọc Trọng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2155/1999/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 2155 /1999/QĐ-BYT NGÀY 21 THÁNG 7 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH "HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT DENGUE, SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng và Vụ Khoa học Đào tạo- Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành theo quyết định này "Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue"

Điều 2: Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue" là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở Y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh; có thể tham khảo để làm tài liệu giảng dạy trong các trường thuộc hệ thống y, Dược.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4: Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Điều trị và Vụ trưởng các Vụ của cơ quan Bộ Y tế, Giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Trung tâm Y tế dự phòng, hiệu trưởng các trường y, dược, thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT DENGUE/SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2155/1999/QĐ-BYT ngày 21 tháng 7 năm 1999)

I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA BỆNH

Bệnh sốt dengue/sốt xuất huyết dengue (SD/SXHD) là bệnh nhiễm virut dengue cấp tính do muỗi truyền. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh đồng bằng châu thổ Nam bộ, miền duyên hải Trung bộ và vùng đồng bằng, duyên hải Bắc bộ.

Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau, ở miền Nam và Nam Trung bộ bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11, những tháng khác bệnh ít xảy ra vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của Ae.aegypti. Bệnh SD/SXHD phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm.

Bệnh thường có triệu chứng sốt cao, đột ngột kéo dài trong vòng 2 - 7 ngày kèm theo đau đầu, đau cơ, đau xương hoặc khớp và nổi ban. Bệnh diễn biến nặng có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: dưới da, niêm mạc, xuất huyết nội tạng, gan to và có thể tiến triển đến hội chứng sốc dengue (HCSD), có thể dẫn đến tử vong. Xét nghiệm có thể thấy dấu hiệu dây thắt dương tính, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu (£ 100.000/1 mm3) và hematocrit tăng (³ 20%) khi có biểu hiện sốc.

Chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm bằng cách phân lập virut trong máu khi đang sốt trong vòng 4 ngày đầu hoặc phát hiện IgM đặc hiệu trong huyết thanh bằng xét nghiệm MAC-ELISA từ sau ngày thứ 5.

Tác nhân gây bệnh: Virut gây bệnh SD/SXHD do côn trùng truyền nên gọi là virut Arbo thuộc nhóm Flaviviridae với 4 típ huyết thanh 1, 2, 3, 4. Khi vào cơ thể, virut nhân lên trong tế bào bạch cầu đơn nhân để gây bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền: Thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 14 ngày. Thông thường từ 5 - 7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều virut. Muỗi bị nhiễm virut từ 8 - 12 ngày sau khi hút máu và có thể truyền bệnh suốt đời.

Tính cảm nhiễm và sức đề kháng: Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh. Trẻ em dễ bị nhiễm hơn với bệnh cảnh thường nhẹ hơn người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với típ dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch đầy đủ với các típ khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với típ dengue khác, có thể bệnh nhân sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc dengue.

Vectơ truyền bệnh: Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh rồi truyền virut sang người lành qua vết đốt. ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh SD/SXHD là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti.

Phòng chống bệnh SD/SXHD: Đến nay, bệnh SD/SXHD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng bệnh, vì vậy diệt vectơ đặc biệt là diệt bọ gậy (lăng quăng) với sự tham gia tích cực của cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống SD/SXHD.

II. KHÁI NIỆM VỀ DỊCH VÀ QUY ĐỊNH MỨC ĐỘ XẢY RA DỊCH

 

Một nơi được coi là có dịch SD/SXHD khi có trên 2 trường hợp xảy ra trong vòng 14 ngày (tốt nhất là được xác định bằng xét nghiệm MAC-ELISA hoặc phân lập virut). Cùng thời gian và địa điểm đó phát hiện có bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh (Ae.aegypti hoặc Ae.albopictus).

Khái niệm trên chỉ áp dụng ở vùng có bệnh SD/SXHD xâm nhập (như ở các huyện Trung du, miền núi, biên giới phía Bắc và Bắc Trung bộ). Còn ở những vùng có bệnh SD/SXHD lưu hành địa phương thì:

Một nơi được coi là có dịch SD/SXHD khi xuất hiện nhiều bệnh nhân trong cộng đồng với tần số mắc vượt quá số mắc trung bình bình thường trong một tháng cộng với 2 lần độ lệch chuẩn (số dự tính trung bình bình thường là số mắc trung bình trong khoảng 5 năm gần nhất, trong đó có 1 năm có dịch lớn, nhưng số mắc năm có dịch lớn không đưa vào tính số trung bình). Cùng thời gian và địa điểm đó phát hiện có bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh (Ae.aegypti hoặc Ae.albopictus).

[...]