UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 215/2007/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 02 tháng 02 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật
Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết
định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Về việc
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng;
Xét đề nghị
của Chánh Thanh tra tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hà Đức Toại
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:
215 /2007 /QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
A- MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TÌNH
1. Mục tiêu
- Khắc phục và
đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh
tế - xã hội hiện nay;
- Nâng cao ý
thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán
bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác phòng, chống tham
nhũng;
- Định hướng
cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh
xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; đưa
công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các
đơn vị.
2. Yêu cầu
- Các sở, ban,
ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh xây dựng Chương
trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại địa phương, đơn vị
trên cơ sở các văn bản Quy phạm pháp luật về thi hành luật phòng, chống tham
nhũng;
- Cụ thể hóa các
nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống
tham nhũng;
- Trên cơ sở
Chương trình hành động, xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể, tạo chuyển
biến tích cực và thống nhất trong nhận thức và hành động của từng địa phương,
đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.
I. Ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Phòng, chống
tham nhũng
1. Trên cơ sở
những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn của Chính phủ, Ban
Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng Thanh tra tỉnh chủ trì soạn thảo
Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh và quy chế hoạt động
của Bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách giúp việc cho Ban Chỉ đạo Phòng,
chống tham nhũng của tỉnh trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
2. Trên cơ sở
các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Sở Nội vụ chủ trì soạn
thảo trình UBND tỉnh ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể
trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham
nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và Quy tắc ứng
xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa
phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội hướng
dẫn thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức
này; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn các tổ chức xã hội -
nghề nghiệp ban hành, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên của
mình theo quy định của pháp luật.
3. Các sở,
ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã căn cứ Luật Phòng, chống tham
nhũng quy định cụ thể việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của
cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chủ động phối hợp xây dựng quy chế về quan hệ
công tác, sự phối hợp hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nội bộ
và với các cơ quan liên quan; ban hành các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức
nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và
trong quan hệ xã hội; quan hệ giữa công chức với doanh nghiệp và người dân, bao
gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của
từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm bảo
đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
4. Các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự
nghiệp có sử dụng ngân sách Nhà nước phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn áp dụng trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị mình.
II. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế,
chính sách
1. Các sở,
ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã khẩn trương rà soát các văn bản quy
phạm pháp luật về lĩnh vực cơ quan, đơn vị mình quản lý hoặc báo cáo cơ quan có
thẩm quyền loại bỏ ngay những nội dung, quy định không phù hợp với chính sách,
pháp luật của Nhà nước, chồng chéo, quan liêu, tạo điều kiện nhũng nhiễu, gây
khó khăn, mất thời gian của nhân dân và doanh nghiệp; hệ thống hoá những quy định
về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc,
công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi
công sở để làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện; các cơ
quan, đơn vị không được tuỳ tiện đề ra các thủ tục hành chính ngoài những quy định
đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
2. Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp rà soát lại toàn
bộ quy trình làm việc, quy trình công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình
quản lý, phụ trách nhằm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với quy định của
Luật Phòng, chống tham nhũng.
3. Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phải
xác định kế hoạch cụ thể và trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình cải cách
hành chính của Chính phủ. Trước hết, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý nhà, đất;
xây dựng cơ bản; đăng ký kinh doanh; xét duyệt dự án; cấp vốn ngân sách nhà nước,
tín dụng ngân hàng; xuất nhập khẩu; quản lý tài chính; xuất nhập cảnh; quản lý
hộ khẩu; thuế; hải quan; bảo hiểm. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc
thực hiện và báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện.
III. Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng
1. Sở Tư pháp
chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Văn hoá - Thông tin xây dựng kế hoạch,
phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội đồng Liên minh các Hợp
tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh, Báo Bắc Kạn, Đài Phát Thanh và Truyền
hình Bắc Kạn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân
dân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp về các quy định của Luật Phòng,
chống tham nhũng.
3. Các sở,ban,
ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức quán triệt các quy
định của Luật Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức đồng thời
xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng trong ngành, địa
phương, cơ quan, đơn vị mình.
IV. Phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân; phối
hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan báo chí
Trung ương và địa phương trong việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng
1. Các cơ
quan, tổ chức liên quan đến giải quyết công việc của doanh nghiệp và người dân
có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời khi nhận được yêu cầu, đề
nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
2. Các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm làm rõ, trả lời cơ quan báo
chí khi nội dung đăng, phát tin về tham nhũng liên quan đến trách nhiệm quản lý
của mình; có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan báo chí về
nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản
lý, phụ trách.
3. Các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phải xây dựng quy định cụ thể về
việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham
nhũng; có cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với người có công; tập trung thực hiện
tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế giám sát cộng đồng.
Đối với những
dự án đầu tư xây dựng tại các địa phương phải quy định cụ thể thời gian và hình
thức công khai để nhân dân giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.
V. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý
các vụ việc tiêu cực, tham nhũng
Thanh tra tỉnh,
Công an tỉnh tập trung kiện toàn về tổ chức, bố trí những cán bộ có phẩm chất,
năng lực cho việc thành lập bộ phận chuyên trách chống tham nhũng tại hai cơ
quan này theo hướng dẫn của Chính phủ.
Thanh tra tỉnh
cùng các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, tập trung thanh tra
04 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý
thu - chi ngân sách và quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức
trách công vụ đối với một số lĩnh vực được dư luận và nhân dân quan tâm.
1. Về giải quyết
tố cáo hành vi tham nhũng
a) Các sở,
ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung lực lượng giải quyết
dứt điểm những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng và mới phát sinh
ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi
tham nhũng, tiêu cực dù là bất kỳ ai, đang đương chức, nghỉ hưu hay đã chuyển
công tác khác.
b) Thanh tra tỉnh
chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, SởTài nguyên và Môi trường, các sở,
ban, ngành có liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập một số đoàn
liên ngành trực tiếp kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, Tố cáo ở địa
phương có nhiều đơn thư vượt cấp, đơn khiếu nại quyết định giải quyết cuối
cùng, các vụ việc khiếu nại phức tạp; kiểm tra việc giải quyết các đơn tố cáo
hành vi tham nhũng.
2. Nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra
a) Thanh tra tỉnh
- Xây dựng
trình UBND tỉnh kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội năm 2007, tập trung vào 04
lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý
thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức
trách công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Đặc biệt
tập trung thanh tra các công trình dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực,
các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, thuỷ lợi nhằm nâng
cao hiệu quả đầu tư, chống đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư, thực hành tiết
kiệm, chống thất thoát, lãng phí.
- Tham mưu cho
UBND tỉnh chỉ đạo các së, ban, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
xã tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra,
công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý.
b) Thanh tra tỉnh
phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải, Sở
Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Tài chính tổ chức thanh tra việc thực thi công vụ ở một
số lĩnh vực: quản lý nhà, đất; cấp phép đầu tư, xây dựng; thuế, hải quan; đăng
kiểm, đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy phép lái xe cơ giới; đăng ký hộ
tịch, hộ khẩu và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.
C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào
chương trình công tác hàng năm, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động của cơ quan, đơn
vị, địa phương mình. Kế hoạch phải cụ thể về thời hạn và phân công người chịu
trách nhiệm từng khâu công việc. Định kỳ ba tháng, 6 tháng, hàng năm gửi báo
cáo kết quả tình hình thực hiện phòng, chống tham nhũng về Thanh tra tỉnh để tổng
hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Lãnh đạo các sở,
ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã báo cáo kiểm điểm tình
hình thực hiện chương trình này trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Thanh
tra tỉnh để tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch UBND
tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra cơ quan, đơn vị, địa phương về việc thực hiện
chương trình này ./.