Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 214-BCNN-TV năm 1963 ban hành chế độ tạm thời phân công quản lý vốn lưu động trong nội bộ xí nghiệp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ

Số hiệu 214-BCNN-TV
Ngày ban hành 30/11/1963
Ngày có hiệu lực 01/01/1964
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nhẹ
Người ký Ngô Minh Loan
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214-BCNN-TV

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TẠM THỜI PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG TRONG NỘI BỘ XÍ NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ

Căn cứ Nghị định số 130-TTg ngày 04-4-1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành chế độ hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh;
Căn cứ vào Nghị định số 48-TTg ngày 27-4-1962 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về việc cấp phát và quản lý vốn lưu động ở các xí nghiệp quốc doanh;
Xét yêu cầu tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính và căn cứ vào trình độ quản lý kinh doanh hiện nay ở các xí nghiệp;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng vụ Kế toán tài vụ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Ban hành chế độ tạm thời phân công quản lý vốn lưu động trong các xí nghiệp thuộc bộ Công nghiệp nhẹ.

Điều 2. – Các ông giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chế độ này.

Điều 3. – Các ông Vụ trưởng, cục trưởng các vụ, cục xung quanh bộ có trách nhiệm phối hợp với ông Vụ trưởng vụ Kế họach tài vụ hướng dẫn và đôn đốc các xí nghiệp thi hành.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
THỨ TRƯỞNG




Ngô Minh Loan

 

CHẾ ĐỘ TẠM THỜI

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG TRONG NỘI BỘ XÍ NGHIỆP

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Vốn lưu động xí nghiệp cần được sử dụng tiết kiệm hợp lý để phục vụ tốt yêu cầu sản xuất phát triển. Biện pháp quản lý vốn cần quán triệt những chính sách, nguyên tắc kinh tế tài chính của Nhà nước, và phải thích hợp với tình hình tổ chức sản xuất, trình độ quản lý của xí nghiệp.

Điều 2. – Phân công quản lý vốn lưu động nhằm mục đích:

a) Kế hoạch hóa toàn bộ công tác tổ chức sản xuất, cung cấp, tiêu thụ của xí nghiệp do các phòng, ban, các phân xưởng và tổ sản xuất phụ trách; đảm bảo sản xuất phát triển thuận lợi đi đôi với tiết kiệm hợp lý tiền vốn, thực hiện tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm một cách vững chắc.

b) Giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tập trung và phân quyền về mặt quản lý vốn; xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, hợp lý trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các phòng, ban và các phân xưởng.

c) Giải quyết đúng đắn quan hệ giữa bộ môn quản lý với quần chúng công nhân về mặt quản lý vốn, động viên cho mọi người cùng tham gia quản lý vốn, nâng cao hiệu quả kinh tế của tiền vốn với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm đầy đủ.

Điều 3. – Phân công trách nhiệm cần đi đôi với phân cấp quyền hạn để phân công quản lý vống không trở thành hình thức. Trách nhiệm và quyền hạn cần được quy định cụ thể, thiết thực, có nội dung phấn đấu, để có tác dụng tổ chức và động viên nhiệt tình của cán bộ công nhân viên tham gia quản lý vốn.

Điều 4. – Phân công quản lý vốn phải quán triệt nguyên tắc: Bộ phận nào sử dụng loại vốn nào thì quản lý vốn đó trên cơ sở lập kế họach đầy đủ, sử dụng theo lối khoán, phải bảo đảm nguyên tắc tài chính, đảm bảo sản xuất phát triển thuận lợi. Biện pháp tiến hành phân công quản lý vốn phải thể hiện đầy đủ tinh thần tập trung và dân chủ trong công tác quản lý kinh tế tài chính xí nghiệp.

Điều 5. – Phân công quản lý vốn cần được thực hiện từng bước với phương châm:

a) Làm từng bước, từng phần, thường kỳ sơ kết kinh nghiệm tiến lên mở rộng diện. Đi từ đơn giản và chủ yếu, tránh hình thức, có lãnh đạo chặt chẽ.

b) Chú ý đầy đủ công tác tư tưởng, làm cho mọi người thông suốt chủ trương, nâng cao quyết tâm thực hiện. Đồng thời chú ý củng cố tổ chức quản lý, cải tiến lề lối làm việc và quan hệ công tác giữa các phòng, ban và phân xưởng để đảm bảo chế độ phân công quản lý vốn tiến hành thuận lợi.

Điều 6. - Những loại vốn và kinh phí sau đây cần được phân cấp quản lý:

a) Vốn dự trữ bao gồm có giá trị nguyên liệu; nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng và vật rẻ tiền mau hỏng trong kho.

b) Vốn sản xuất bao gồm giá trị sản phẩm chế tạo dở dang và bán thành phẩm tự chế.

[...]