Quyết định 2138/QĐ-BGDĐT năm 2022 về Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 2138/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 03/08/2022
Ngày có hiệu lực 03/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2138/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH GIÁO DỤC SỨC KHỎE TÂM THẦN CHO TRẺ EM, HỌC SINH GIAI ĐOẠN 2022-2025

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2020-2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025.

Điều 2. Giao Vụ Giáo dục thể chất giúp Bộ trưởng đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo lãnh đạo Bộ theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Khoa học Công nghệ Bạc Liêu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế (để p/h);
- UBND các tỉnh/thành phố (để p/h chỉ đạo);
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 

KẾ HOẠCH

GIÁO DỤC SỨC KHỎE TÂM THẦN CHO TRẺ EM, HỌC SINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số      /QĐ-BGDĐT ngày      tháng      năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Căn cứ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1929); Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1660) và Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2020-2025 (Quyết định số 155), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022 - 2025 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức thực hiện chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao cho ngành Giáo dục tại Quyết định số 1929, Quyết định số 1660, Quyết định số 155 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và cha mẹ học sinh; tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, nạn nhân của sự xâm hại, bạo lực gia đình và học đường và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) trong trường học, góp phần hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh (gọi tắt là học sinh).

2. Yêu cầu

a) Xác định đầy đủ, cụ thể các nội dung nhiệm vụ được giao và lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

b) Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GDĐT với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các Sở GDĐT trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chuyên môn, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch.

[...]