Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2123/QĐ-BTC năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tài chính doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 2123/QĐ-BTC
Ngày ban hành 26/08/2014
Ngày có hiệu lực 26/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2123/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Tài chính doanh nghiệp là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi, cổ phần hóa đơn vị, tổ chức kinh tế của Nhà nước thành doanh nghiệp; đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý tài chính về đầu tư trực tiếp nước ngoài; thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cục Tài chính doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính doanh nghiệp (bao gồm cả chế độ quản lý tài chính của các Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước, hợp tác xã và kinh tế tập thể); cơ chế giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cơ chế đầu tư, sử dụng và giám sát việc đầu tư và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp từ ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ khác về tài chính doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp và sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc trực tiếp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ và công ty độc lập 100% vốn nhà nước);

d) Theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích đánh giá thực trạng tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích; đưa ra đánh giá, cảnh báo và đề xuất các giải pháp tài chính nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Trường hợp theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện việc rà soát cụ thể báo cáo tài chính của Tập đoàn kinh tế nhà nước;

đ) Là đầu mối tổng hợp, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia với các Bộ, ngành, cơ quan khác ở trung ương và địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khác liên quan đến tài chính doanh nghiệp.

2. Về chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi, cổ phần hóa đơn vị, tổ chức kinh tế của Nhà nước thành doanh nghiệp:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi, cổ phần hóa đối với nông, lâm trường quốc doanh, đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị, tổ chức kinh tế của Nhà nước thành doanh nghiệp;

b) Tham gia ý kiến về Đề án tổng sắp xếp, đổi mới Công ty TNHH một thành viên (gồm cả Đề án sắp xếp, đổi mới của Tập đoàn kinh tế nhà nước) theo đề nghị của các Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Thẩm định, đề xuất các giải pháp về tài chính, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề về tài chính vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn kinh tế, Tông công ty nhà nước để thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước;

d) Giám sát các hoạt động mua bán nợ và tài sản doanh nghiệp gắn với phương án tái cơ cấu tài chính để sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách tài chính đối với việc chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;

e) Tổng hợp tình hình thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; chuyển đổi các đơn vị, tổ chức kinh tế của Nhà nước thành doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

3. Về thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

a) Chủ trì hoặc tham gia thẩm định, xác định nhu cầu, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; thẩm định việc đầu tư vốn cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc các Bộ, ngành theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt hoặc có ý kiến chấp thuận quy chế tài chính của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia ý kiến về quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, dự thảo Điều lệ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và công ty nhà nước theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

[...]