Quyết định 2118/QĐ-BTTTT năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kinh tế số và Xã hội số do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 2118/QĐ-BTTTT
Ngày ban hành 18/11/2022
Ngày có hiệu lực 18/11/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2118/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Kinh tế số và Xã hội số là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng về phát triển kinh tế số, xã hội số; quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Kinh tế số và Xã hội số có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Chủ trì, phối hợp xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị về kinh tế số, xã hội số, giao dịch điện tử thuộc phạm vi quản lý của Bộ và theo phân công của Bộ trưởng.

2. Hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị về kinh tế số, xã hội số, giao dịch điện tử thuộc phạm vi quản lý của Bộ và theo phân công của Bộ trưởng.

3. Về quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế số

a) Tham mưu quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, giao dịch điện tử; thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;

b) Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp;

c) Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp trên cả nước;

d) Phối hợp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương theo quy định của pháp luật;

đ) Tham mưu thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kinh tế số;

e) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng, cập nhật các chỉ số, chỉ tiêu thống kê, đo lường phát triển kinh tế số của quốc gia; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thu thập các chỉ số, chỉ tiêu thống kê, đo lường phát triển kinh tế số của bộ, ngành, địa phương.

4. Về quản lý và thúc đẩy phát triển xã hội số

a) Tham mưu xây dựng các chỉ số, chỉ tiêu thống kê, đo lường phát triển xã hội số của quốc gia; phối hợp và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thu thập các chỉ số, chỉ tiêu thống kê, đo lường phát triển xã hội số của bộ, ngành, địa phương;

b) Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công dân số; hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động, chương trình nâng cao nhận thức số, phổ biến kiến thức số, đào tạo kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ phát triển xã hội số;

c) Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy văn hóa số; nâng cao mức độ sử dụng các dịch vụ số của người dân; thúc đẩy các hoạt động, giải pháp nâng cao nhận thức về tuân thủ các quy tắc ứng xử trên môi trường số trong xã hội và cộng đồng.

5. Về quản lý và phát triển giao dịch điện tử

a) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình Bộ trưởng cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, thu hồi, cấp lại các loại giấy phép trong lĩnh vực giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật;

b) Tham mưu quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Tham mưu quản lý phát triển hạ tầng công nghệ cho hoạt động giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;

[...]