ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2100/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 24 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN GIÁO VIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ
THÔNG CHUYÊN QUỐC HỌC - HUẾ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Viên chức ngày
15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Nghị định số
140/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo
nguồn cán bộ trẻ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ;
Căn cứ Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số
06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên;
Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT
ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và
Điều 24 quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban
hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số
22/2019/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi,
giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế tổ chức
thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc
xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển
công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp viên chức;
Căn cứ Thông tư số
04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định
mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng
dạy trong các trường trung học phổ thông công lập;
Theo đề nghị của Sở Giáo dục
và Đào tạo tại Tờ trình số 2095/TTr-SGD&ĐT ngày 11 tháng 8 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tuyển chọn
giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định tuyển chọn giáo viên giảng dạy tại Trường
Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ; Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông
chuyên Quốc Học - Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phương
|
QUY ĐỊNH
TUYỂN CHỌN GIÁO VIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN QUỐC
HỌC - HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho việc
tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển và chấm dứt hợp đồng làm việc đối với giáo
viên giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế (sau đây gọi
tắt là Trường chuyên).
Điều 2. Mục
đích, yêu cầu
Việc tuyển chọn giáo viên giảng
dạy tại Trường chuyên nhằm mục đích xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo
đức tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực tự học và lòng say mê nghiên
cứu tìm tòi về chuyên môn, tâm huyết với nghề. Sử dụng thành thạo thiết bị dạy
học hiện đại, công nghệ số; sử dụng được ngoại ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy
và giao tiếp; có khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng yêu cầu
xây dựng, phát triển đội ngũ Trường chuyên ngang tầm với các trường tiên tiến
trong khu vực và quốc tế.
Điều 3.
Nguyên tắc tuyển chọn
1. Tuyển chọn giáo viên giảng dạy
tại Trường chuyên (sau đây gọi chung là giáo viên) được thực hiện trên cơ sở
các quy định của Nhà nước; của Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý viên chức.
2. Việc tuyển chọn giáo viên được
thực hiện bằng hình thức tuyển dụng hoặc tiếp nhận giáo viên từ nơi khác đến
thông qua Hội đồng tuyển dụng hoặc tiếp nhận.
3. Công tác tuyển chọn giáo
viên phải bảo đảm công khai, công bằng, khách quan, khoa học, phản ánh đúng
năng lực, phẩm chất của giáo viên và được thực hiện định kỳ hàng năm.
Chương II
TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN
Điều 4. Điều
kiện, đối tượng tuyển dụng
1. Thực hiện theo quy định hiện
hành của pháp luật.
2. Về trình độ chuyên môn nghiệp
vụ:
a) Sinh viên tốt nghiệp đại học
ngành sư phạm loại xuất sắc hoặc tốt nghiệp đại học loại xuất sắc (có chứng chỉ
nghiệp vụ sư phạm hoặc văn bản khác theo quy định hiện hành) tại cơ sở giáo dục
đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng
chỉ theo quy định của pháp luật, có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các
năm học của cấp đại học phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và đáp ứng một
trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại
một trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải Khuyến khích trở lên
trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong
các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ
thông;
- Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại
Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp
trung học phổ thông hoặc cấp đại học;
- Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại
Cuộc thi Olympic trong thời gian học ở cấp đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo
công nhận.
b) Người có trình độ thạc sĩ
đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt một trong các tiêu chuẩn
quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này;
- Tốt nghiệp đại học ngành sư
phạm loại giỏi trở lên hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên (có chứng chỉ
nghiệp vụ sư phạm), có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở cấp
đại học và phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
c) Người có trình độ tiến sĩ
không quá 40 tuổi, trước khi có bằng tiến sĩ phải tốt nghiệp đại học ngành sư
phạm loại khá trở lên, có chuyên ngành đào tạo sau đại học phù hợp với chuyên
ngành đào tạo ở cấp đại học và phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.
d) Trong trường hợp nhu cầu vị
trí việc làm cần tuyển dụng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ không có người nào
đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này, Hội
đồng tuyển dụng xem xét tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học ngành sư phạm loại
xuất sắc hoặc tốt nghiệp đại học loại xuất sắc (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
hoặc văn bản khác theo quy định hiện hành) tại cơ sở giáo dục đại học ở trong
nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy
định của pháp luật.
3. Trình độ ngoại ngữ, tin học
thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 5.
Hình thức tuyển dụng
Người đáp ứng các tiêu chuẩn
quy định tại Điều 4 Quy định này được xét tuyển thông qua thực hành, gồm:
1. Thực hành giảng dạy 03 tiết,
gồm: 01 tiết tự chọn và 02 tiết chỉ định.
2. Khảo sát tiếng Anh (hoặc ngoại
ngữ khác) và Tin học. Khảo sát ngoại ngữ và Tin học là môn điều kiện. Nội dung,
hình thức khảo sát căn cứ vào quy định hiện hành (nếu có) và yêu cầu thực tế của
Trường chuyên để Hội đồng quy định.
3. Miễn khảo sát Tin học và ngoại
ngữ:
a) Miễn khảo sát Tin học đối với
người tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tin học.
b) Miễn khảo sát ngoại ngữ đối
với các trường hợp sau đây:
Người tốt nghiệp đại học, sau đại
học ở nước ngoài (được đào tạo bằng tiếng Anh) hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại
học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng Anh ở Việt Nam (không được miễn đối với vị trí
việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ).
Điều 6. Hội
đồng tuyển dụng
1. Số lượng, cơ cấu của Hội đồng:
Số lượng 05 - 07 người, gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Đại diện
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Đại
diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo;
c) Ủy viên Hội đồng: Hiệu trưởng
Trường chuyên; đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Giáo dục Trung học,
Sở Giáo dục và Đào tạo.
d) Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng:
Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo.
2. Hội đồng tuyển dụng làm việc
theo nguyên tắc tập thể, kết luận theo đa số và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thành lập Ban kiểm tra, sát
hạch để kiểm tra đánh giá các môn điều kiện và môn thực hành.
Thành phần tham gia Ban kiểm
tra, sát hạch, gồm: Đại diện lãnh đạo phòng, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo;
Phó Hiệu trưởng chuyên môn, Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tại Trường chuyên có
chuyên môn cùng vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Trong trường hợp thành phần
tham gia Ban kiểm tra, sát hạch không có chuyên môn cùng vị trí việc làm hoặc
có chuyên môn cùng vị trí việc làm nhưng không đủ số lượng thành viên để tham gia
Ban kiểm tra, sát hạch vị trí việc làm cần tuyển dụng, Hội đồng tuyển dụng chịu
trách nhiệm mời giáo viên Trường chuyên hoặc cán bộ quản lý, giáo viên ngoài
Trường chuyên có cùng chuyên môn với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có phẩm
chất đạo đức tốt, đủ năng lực chuyên môn để tham gia vào Ban kiểm tra, sát hạch.
b) Tổ chức kiểm tra điều kiện,
tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại Điều
4 của Quy định này;
c) Thành lập các Tổ giúp việc
theo quy định hiện hành;
d) Tổ chức dự giờ, đánh giá việc
thực hành giảng dạy;
e) Tổ chức thu phí tuyển dụng
và sử dụng theo quy định hiện hành;
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong quá trình tổ chức tuyển dụng theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nội
dung, hình thức tuyển dụng và xác định người trúng tuyển
Thực hiện theo quy định hiện
hành của pháp luật. Đối với người trúng tuyển, yêu cầu phải có kết quả điểm các
môn thực hành và môn điều kiện đạt từ 50 điểm trở lên (theo thang điểm 100).
Người trúng tuyển lấy theo kết quả điểm thực hành từ cao xuống thấp của từng vị
trí việc làm cho đến hết chỉ tiêu xét tuyển. Trường hợp có từ 02 người trở lên
có kết quả thực hành bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng, Chủ tịch Hội
đồng tuyển dụng căn cứ vào quy định hiện hành để quyết định người trúng tuyển.
Chương
III
TIẾP NHẬN GIÁO VIÊN
Điều 8. Đối
tượng, tiêu chuẩn và điều kiện tiếp nhận
1. Đối tượng, tiêu chuẩn
Giảng viên, giáo viên ở các trường
đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đã tham gia giảng dạy liên tục ít nhất
03 năm (không tính thời gian tập sự); tốt nghiệp đại học ngành sư phạm loại giỏi
trở lên và phù hợp với vị trí việc làm cần tiếp nhận; có 02 năm liên tục được xếp
loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tính đến thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng một
trong các tiêu chuẩn sau đây (giảng viên, giáo viên ở các trường đại học, cao đẳng,
trung học phổ thông nếu đảm bảo tiêu chuẩn như tuyển dụng mới tại Điều 4 của
quy định này được ưu tiên tiếp nhận trước):
a) Giảng viên, giáo viên có
trình độ thạc sĩ trở lên có chuyên ngành đào tạo sau đại học phù hợp với chuyên
ngành đào tạo ở cấp đại học và phù hợp với vị trí việc làm cần tiếp nhận.
b) Giáo viên dạy các trường
trung học phổ thông hoặc Trường chuyên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
c) Thành viên Hội đồng bồi dưỡng
đội tuyển học sinh giỏi dự thi học sinh giỏi quốc gia (đã từng tham gia Hội đồng
bồi dưỡng không quá 03 năm tính đến thời điểm thông báo nộp hồ sơ).
d) Có thành tích xuất sắc, nổi
bật về chuyên môn, có đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy học được
xã hội ghi nhận.
2. Điều kiện khác
Có đủ sức khỏe để công tác, có
đủ hồ sơ theo quy định và đơn tự nguyện công tác tại Trường chuyên với thời
gian tối thiểu 05 năm. Nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi (tính đến thời
điểm thông báo nộp hồ sơ).
Điều 9. Hội
đồng tiếp nhận
Tiếp nhận bằng hình thức xét
tuyển thông qua Hội đồng. Số lượng, cơ cấu thành viên, nguyên tắc làm việc, nhiệm
vụ, quyền hạn của Hội đồng tiếp nhận tương tự Hội đồng tuyển dụng quy định tại
Điều 6 của quy định này.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng
tiếp nhận được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Sở Giáo dục và
Đào tạo hàng năm và quyết toán theo quy định hiện hành.
Điều 10.
Xác định người đạt yêu cầu để tiếp nhận
1. Người đạt yêu cầu có đủ hồ
sơ theo quy định và giảng dạy 03 tiết, gồm: 01 tiết tự chọn, 02 tiết chỉ định
và kết quả giảng dạy tối thiểu có 02 tiết xếp loại giỏi (đạt từ 80/100 điểm) và
01 tiết xếp loại khá (đạt từ 70/100 điểm).
2. Có kết quả giảng dạy xếp loại
cao hơn lấy theo thứ tự tổng điểm 03 tiết giảng dạy từ cao xuống thấp.
3. Trường hợp có từ 02 người trở
lên có kết quả điểm giảng dạy bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tiếp nhận, Chủ
tịch Hội đồng tiếp nhận sẽ xem xét quyết định.
Điều 11.
Quy trình tiếp nhận
Trên cơ sở đánh giá của Hội đồng
tiếp nhận và chỉ tiêu cần tiếp nhận của từng vị trí việc làm, Sở Giáo dục và
Đào tạo thực hiện quy trình tiếp nhận giáo viên đến công tác tại Trường chuyên.
Chương IV
ĐIỀU CHUYỂN CÔNG TÁC, CHẤM
DỨT HỢP ĐỒNG LÀM VIỆC
Điều 12.
Điều chuyển công tác
Hằng năm, Hiệu trưởng Trường
chuyên đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chuyển giáo viên đến công
tác ở các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn tỉnh đối với những trường
hợp sau đây:
1. Trong năm học, giáo viên Trường
chuyên không đạt chuẩn giáo viên trường trung học phổ thông chuyên hoặc có 02
năm học liên tục xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ.
2. Đối với giáo viên trực tiếp
hoặc chịu trách nhiệm trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi, sau 03 năm liên tục
không có học sinh đạt giải quốc gia.
3. Sau 06 năm liên tục dạy lớp
chuyên không có đủ năng lực, chuyên môn, uy tín để được cử tham gia bồi dưỡng đội
tuyển học sinh giỏi quốc gia.
4. Đối với giáo viên không trực
tiếp hoặc không chịu trách nhiệm trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia,
sau 06 năm liên tục: không tự nguyện đăng ký Hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc Hội
thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh hoặc có tự nguyện đăng ký tham gia Hội
thi nhưng không được công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi
cấp tỉnh, hoặc không có đề tài nghiên cứu về bộ môn giáo viên trực tiếp giảng dạy
được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận và chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu
quả trong công tác giảng dạy cho đồng nghiệp trong nhà trường hoặc không hướng
dẫn học sinh có đề tài tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
5. Giáo viên bị xử lý kỷ luật từ
hình thức khiển trách trở lên khi quyết định kỷ luật có hiệu lực.
6. Giáo viên trong năm đầu tiên
tiếp nhận (12 tháng tính từ ngày có quyết định tiếp nhận) xếp loại Không hoàn
thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Điều 13.
Chấm dứt hợp đồng làm việc
1. Giáo viên trong thời gian tập
sự xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Giáo viên 02 năm liên tiếp xếp
loại Không hoàn thành nhiệm vụ.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Giao số lượng người làm việc
cho Trường chuyên đảm bảo đúng định mức theo quy định của Nhà nước.
2. Quyết định tuyển dụng, tiếp
nhận và điều chuyển công tác giáo viên theo quy định của Quy định này và các văn
bản hiện hành khác của Nhà nước.
3. Công nhận đề tài nghiên cứu
khoa học của giáo viên.
4. Hằng năm, gửi thông báo rộng
rãi nhu cầu và điều kiện tuyển dụng đến các trường đại học trên toàn quốc để
sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi biết nghiên cứu và tham gia dự tuyển.
Điều 15.
Trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường chuyên
1. Phân công, bố trí công tác
cho giáo viên được tuyển dụng và tiếp nhận theo quyết định của Sở Nội vụ, Sở
Giáo dục và Đào tạo.
2. Xây dựng, tổ chức thực hiện
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo
viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Trường chuyên.
3. Quy định tiêu chí đánh giá
năng lực giáo viên để làm cơ sở đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo điều chuyển công
tác hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với giáo viên không đáp ứng yêu cầu.
4. Định kỳ vào tháng 7 hằng
năm, trình Sở Giáo dục và Đào tạo danh sách giáo viên đăng ký đề tài nghiên cứu
và đề nghị thời gian công nhận đề tài nghiên cứu của giáo viên theo quy định tại
khoản 4 Điều 12 của Quy định này (nếu có). Trên cơ sở xếp loại giáo viên, trình
Sở Giáo dục và Đào tạo danh sách đề nghị điều chuyển công tác hoặc chấm dứt hợp
đồng làm việc theo Quy định này./.