Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 210/1998/QĐ-TTg về việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 210/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/10/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 210/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 210/1998/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 10 NĂM 1998 VỀ VIỆC ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI TỈNH TÂY NINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tại công văn số 975/TT-UB ngày 19 tháng 8 năm 1998 và ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển đối với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với diện tích 21.292 ha; trong đó diện tích đô thị khoảng 1000 ha bao gồm địa phận hành chính của các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được ưu tiên phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng và gia công phục vụ xuất khẩu theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Điều 3. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phù hợp với pháp luật, chính sách hiện hành của Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 4. Việc quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện chức năng điều hoà, phối hợp các tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với các hoạt động kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và phân công, phân cấp quyền hạn, trách nhiệm thích hợp cho Uỷ ban nhân dân các huyện Bến Cầu và Trảng Bàng.

Điều 5. Tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp với pháp luật và huy động tham gia lao động công ích để xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết và các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để thúc đẩy quá trình xây dựng hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh được thành lập Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng là một doanh nghiệp nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Điều 6.

1. Trong thời gian từ 1999 đến 2002, mỗi năm Nhà nước đầu tư riêng qua ngân sách tỉnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo quy hoạch được duyệt không dưới 50% tổng số thu thuế xuất, nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Mức vốn đầu tư và danh mục các công trình hạ tầng được đầu tư riêng từ vốn ngân sách do Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh được ký quyết định phê duyệt các dự án xây dựng cơ bản nhóm B, C trên cơ sở thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và có ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng để bảo đảm an ninh quốc phòng và quản lý biên giới khu vực cửa khẩu. Đối với việc sử dụng nguồn vốn nói tại khoản 1 Điều này cho các dự án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để bố trí vốn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.

Điều 7. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức sản xuất kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Việc cấp giấy phép và đăng ký kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và theo quy chế một cửa.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh được cấp giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.

Điều 8. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước được khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phù hợp với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Ngoài quyền được hưởng các ưu đãi theo quy chế hiện hành còn được hưởng:

1. Chủ đầu tư trong nước và chủ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được giảm 50% tiền thuê đất so với khung giá hiện hành của Nhà nước đã áp dụng tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

2. Chủ đầu tư nước ngoài khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được hưởng thuế suất ở mức thấp nhất trong khung thuế theo luật định.

Điều 9. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh được xét cấp giấy phép đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có mức vốn không vượt quá 5 triệu USD.

Điều 10. Đất, nhà xưởng đã thuê hoặc mua trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa sử dụng vào mục đích đã ghi trong giấy phép đầu tư, khi có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng phải thoả thuận lại và phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 11. Trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép đầu tư, kinh doanh, sau khi được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tài sản của mình đã xây dựng trên đất thuê hoặc tài sản lắp đặt trong nhà xưởng cho các nhà đầu tư khác phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Bên được chuyển nhượng có quyền và trách nhiệm tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà bên chuyển nhượng đã ký kết với các đối tác.

Điều 12. Hoạt động thương mại, dịch vụ và hoạt động sản xuất tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thực hiện theo quy định hiện hành, bao gồm:

1. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh, Kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, chợ cửa khẩu, gia công xuất khẩu, bảo quản, ngân hàng, thông tin liên lạc, văn phòng đại diện và các chi nhánh của các công ty trong nước và nước ngoài. Các hoạt động thương mại, dịch vụ thương mại trên phải tuân thủ những quy định sau:

- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định hiện hành của pháp luật, có trụ sở tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được kinh doanh xuất, nhập khẩu trực tiếp các loại hàng hoá (trừ các mặt hàng Nhà nước cấm xuất, nhập khẩu). Việc kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng Nhà nước bằng hạn ngạch và các mặt hàng kinh doanh xuất nhập khẩu có chỉ tiêu điều kiện thì thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và theo chỉ dẫn của Bộ Thương mại.

- Hàng hoá nước ngoài tạm nhập vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài khi chưa tái xuất phải gửi vào Kho ngoại quan, khi xuất sang nước khác phải làm thủ tục tái xuất. Trường hợp nhập vào thị trường trong nước thì chủ hàng phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu hàng hoá gửi vào Kho ngoại quan tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không tiếp tục chuyển đi được thì phải chuyển trả lại nơi xuất xứ theo các quy định hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Thương mại hướng dẫn và uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trong lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, cho phép các doanh nghiệp được tổ chức hội chợ triển lãm hàng hoá quốc tế trong Khu kinh tế cửa khẩu theo sự hướng dẫn của Bộ Thương mại.

[...]