ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 21/2009/QĐ-UBND
|
Mỹ Tho, ngày 03 tháng 8 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
SẢN PHẨM CHỦ LỰC TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm
2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Thường trực Ban chỉ đạo
nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực tỉnh Tiền Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hỗ trợ phát triển sản phẩm
chủ lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2009 - 2015.
Điều 2. Thường trực Ban chỉ đạo nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực
tỉnh Tiền Giang (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức triển khai thực hiện Quyết
định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên
quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 4284/QĐ-UBND ngày 15/11/2006 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh
Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phòng
|
QUY ĐỊNH
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHỦ LỰC
TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2009
của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định nội dung và mức hỗ trợ phát triển các
sản phẩm chủ lực của tỉnh Tiền Giang theo Chương trình hỗ trợ phát triển các
sản phẩm chủ lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2009 - 2015.
Đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp (doanh nghiệp, hợp
tác xã, cơ sở sản xuất, các đơn vị sự nghiệp… trên địa bàn tỉnh) có sản xuất,
kinh doanh các sản phẩm (trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản,
thương mại và dịch vụ) được xác định là sản phẩm chủ lực và các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên
địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Các nguồn kinh phí hỗ trợ
Các nguồn kinh phí hỗ trợ được sử dụng từ các nguồn sau:
nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh; nguồn Quỹ khuyến nông - khuyến ngư;
khuyến công; Quỹ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch; nguồn
hỗ trợ phát triển từ các sở, ngành tỉnh và các nguồn khác.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
- Trong cùng một nội dung hỗ trợ, sản phẩm (hoặc tổ chức,
doanh nghiệp…) chủ lực chỉ được hỗ trợ 01 lần và khi chưa có nguồn tài chính
khác hỗ trợ. Trong trường hợp cùng nội dung hỗ trợ nếu có các qui định khác do
cơ quan thẩm quyền ban hành mức hỗ trợ cao hơn thì các tổ chức, doanh nghiệp sẽ
được hưởng theo mức hỗ trợ của quy định đó.
- Các trường hợp sử dụng nguồn hỗ trợ sai mục đích hoặc
không đúng đối tượng thì sẽ bị thu hồi.
- Việc quản lý kinh phí hỗ trợ thực hiện đúng theo quy định
quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.
Chương II
NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
Điều 4. Hỗ trợ sản xuất giống phục vụ cho phát triển vùng
nguyên liệu
Hỗ trợ chi phí cây giống, con giống để thực hành thí điểm,
hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các vùng nguyên liệu; với quy mô
đến 02 ha hoặc tổng kinh phí đề tài, dự án không lớn hơn 100.000.000 đồng.
- Mức hỗ trợ 100% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
Điều 5. Hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử
nghiệm
Hỗ trợ cho các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, áp dụng kỹ
thuật, công nghệ mới quy mô vừa và nhỏ để phát triển sản phẩm chủ lực.
- Mức hỗ trợ thực hiện theo Quy định quản lý và hỗ trợ triển
khai đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Tiền
Giang được ban hành theo Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
Điều 6. Hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp
1. Hỗ trợ kinh phí cho các công việc: hướng dẫn, xây dựng và
công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý
chất lượng tiên tiến, các quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn,
tiết kiệm năng lượng, tham gia Giải thưởng chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương.
- Mức hỗ trợ 100% chi phí tư vấn hoặc bằng 70% tổng chi phí
tư vấn và đánh giá chứng nhận (đối với tư vấn, đánh giá chứng nhận lần đầu).
Riêng trường hợp hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng sản
phẩm hỗ trợ xây dựng miễn phí.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
2. Hỗ trợ 100% chi phí tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc
gia.
Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
3. Hỗ trợ đào tạo hoặc tư vấn quản lý doanh nghiệp, hệ thống
thông tin điện tử, hệ thống trả lương, cơ cấu tổ chức...
- Mức hỗ trợ 50% tổng chi phí thực hiện.
- Nguồn hỗ trợ: nguồn kinh phí đào tạo do Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý.
Điều 7. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu
1. Hỗ trợ kinh phí cho các công việc: thông tin thương mại,
tuyên truyền xuất khẩu; tư vấn xuất khẩu; đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng
kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu cho doanh nghiệp; hội chợ triển lãm; khảo sát
tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước để phát triển sản xuất và
dịch vụ.
- Mức hỗ trợ 100% tổng chi phí thực hiện.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí xúc tiến thương mại, kinh phí xúc
tiến du lịch tỉnh.
2. Hỗ trợ kinh phí cho các công việc: quảng bá thương hiệu
và sản phẩm xuất khẩu, dịch vụ đặc trưng của tỉnh, tham gia trưng bày tại các
showroom trong và ngoài nước; mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm ra ngoài tỉnh
trong năm đầu tiên; nghiên cứu ứng dụng phát triển thương mại điện tử phục vụ
xuất khẩu.
- Mức hỗ trợ 50% tổng chi phí thực hiện.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí xúc tiến thương mại, kinh phí xúc
tiến du lịch tỉnh.
3. Hỗ trợ chi phí xây dựng trang website doanh nghiệp
- Mức hỗ trợ 100% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
Điều 8. Hỗ trợ hình thành, giữ vững và bảo vệ nhãn hiệu,
thương hiệu sản phẩm hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả
1. Hỗ trợ hướng dẫn, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
- Mức hỗ trợ 70% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh.
2. Hỗ trợ tư vấn, thông tin pháp luật, thực hiện chống hàng
gian, hàng giả.
- Mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 44/2008/QĐ-UBND
ngày 19/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định về quản lý, sử dụng nguồn
thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương
mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
- Nguồn hỗ trợ: nguồn kinh phí chống buôn lậu, gian lận
thương mại - Sở Công thương.
Điều 9. Hỗ trợ đổi mới công nghệ; nâng cao chất lượng và đa
dạng hóa sản phẩm
1. Hỗ trợ chi phí cho các hoạt động tư vấn theo hợp đồng đã
ký với đơn vị có tư cách pháp nhân tư vấn, dịch vụ, sau khi hợp đồng được thanh
lý.
- Mức hỗ trợ tối đa 30% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí khuyến công tỉnh.
2. Hỗ trợ lãi suất vay vốn để thực hiện việc đổi mới công
nghệ
- Mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ được vận dụng thực hiện theo
Điều 12 của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín
dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí khuyến công tỉnh.
3. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến
- Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí chuyển giao công nghệ tiên
tiến. Hoặc hỗ trợ tối đa 10% giá trị máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí khuyến công tỉnh.
Điều 10. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
1. Hỗ trợ chi phí tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề;
cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân, nông dân, chủ trang
trại… Các khóa đào tạo này không quá 15 ngày.
- Mức hỗ trợ 50% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ;
kinh phí khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tỉnh, tùy theo lĩnh vực ngành
nghề.
2. Hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ về áp dụng công nghệ
mới và quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham quan học hỏi, trao đổi
kinh nghiệm trong và ngoài nước về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng.
- Mức hỗ trợ 50% tổng chi phí.
- Nguồn hỗ trợ: nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học; kinh phí
khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tỉnh, tùy theo lĩnh vực ngành nghề.
Điều 11. Hỗ trợ về thông tin và tiếp cận nguồn tài chính
Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin nguồn tài chính và tiếp
cận nguồn vốn tín dụng nhà nước, vốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, khi doanh
nghiệp có yêu cầu, bao gồm: cung cấp thông tin về các nguồn vốn tín dụng nhà
nước cho vay ưu đãi; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng nhà
nước và vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp kêu
gọi đầu tư, hợp tác đầu tư; hướng dẫn thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh
- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí xúc tiến đầu tư.
- Chi phí: miễn phí.
Điều 12. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải và xây
dựng hệ thống bảo vệ môi trường
1. Hỗ trợ chi phí cho các hoạt động tư vấn, đánh giá chứng
nhận hệ thống quản lý đảm bảo môi trường (ISO 14000…); mức hỗ trợ, nguồn hỗ trợ
được qui định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất
thải, chuyển giao công nghệ sản xuất sạch hơn bảo vệ môi trường; mức hỗ trợ,
nguồn hỗ trợ được qui định tại khoản 1, 2, 3 Điều 9 của Quy định này.
Điều 13. Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã tham gia xây dựng,
áp dụng và chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tiên tiến
Đối với các hợp tác xã kinh doanh, sản xuất các sản phẩm chủ
lực trong quá trình xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên
tiến (ISO, GAP, HACCP, SQF, GMP, GHP…) thì ngoài các hỗ trợ đã nêu trên còn
được hỗ trợ kinh phí về xây dựng cơ sở hạ tầng, tư liệu hoặc củng cố nhân sự
của hợp tác xã theo các dự án, đề tài cụ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
Mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức thu hồi thực hiện theo
Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 của Quyết định số 20/2008 /QĐ-UBND ngày
27/5/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về Quy định quản lý và hỗ trợ
triển khai đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh
Tiền Giang.
- Nguồn hỗ trợ: kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; kinh
phí sự nghiệp nông nghiệp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Thường trực Ban chỉ đạo nâng cao sức cạnh tranh của
sản phẩm chủ lực tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm:
- Triển khai quy định này đến các thành viên trong Ban chỉ
đạo, đề ra các biện pháp phối hợp và phân công thực hiện.
- Phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo để triển
khai đến các đơn vị sản xuất kinh doanh có liên quan
- Hướng dẫn các đơn vị sản xuất lập hồ sơ, thủ tục đề nghị
hỗ trợ;
- Tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; tổ
chức xét chọn và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ,
nguồn hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực;
- Định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực
hiện quy định này.
Điều 15. Thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm:
- Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban chỉ đạo trong việc
hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này;
- Đề xuất và tham gia xác định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ,
nguồn hỗ trợ các sản phẩm chủ lực và chịu trách nhiệm với Trưởng ban Ban chỉ
đạo trong việc thực hiện.
Điều 16. Các đơn vị quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy
định này có trách nhiệm:
- Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho các sản phẩm
chủ lực;
- Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban chỉ đạo trong việc
đề xuất, xem xét đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ đối với các sản phẩm chủ lực.
- Trực tiếp theo dõi việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ và
thực hiện quản lý tài chính đúng theo quy định của Nhà nước.
- Phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh xử lý, thu hồi nguồn hỗ trợ sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng
hỗ trợ hoặc sử dụng không hiệu quả.
- Định kỳ hàng quý thông báo về Thường trực Ban chỉ đạo kết
quả quản lý, thực hiện nguồn hỗ trợ do đơn vị mình quản lý.
Điều 17. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 8 hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
xem xét, phê duyệt nội dung, mức hỗ trợ, nguồn hỗ trợ đối với các sản phẩm chủ
lực theo đề nghị của Ban chỉ đạo tỉnh.
Điều 18. Trong trường hợp đặc biệt, cần phải hỗ trợ vượt mức hỗ trợ theo Quy
định này, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất trong các thành viên đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Điều 19. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban
chỉ đạo để thực hiện Quy định này./.