QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT
TRIỂN HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/ 2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang).
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này cụ thể
hoá một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã thủy sản bao gồm
các lĩnh vực: khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất giống thủy sản,
dịch vụ hậu cần nghề cá (sau đây gọi chung là Hợp tác xã thuỷ sản) trên địa bàn
tỉnh Tiền Giang.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Các cá nhân, tổ chức
trong và ngoài tỉnh thành lập Hợp tác xã thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Hợp tác xã thuỷ sản
thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003.
Chương
II
NỘI DUNG
KHUYẾN KHÍCH, ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ
Điều
3. Khuyến khích thành lập Hợp tác xã
1. Nội dung hỗ trợ,
khuyến khích thành lập Hợp tác xã
a) Cung cấp thông tin,
tư vấn kiến thức về hợp tác xã.
b) Tư vấn xây dựng điều
lệ hợp tác xã, hoàn thiện các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh và tổ chức
hoạt động hợp tác xã.
2. Cơ quan quyết định
và cơ quan thực hiện hỗ trợ
a) Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp
huyện) là cơ quan quyết định hỗ trợ đối với hợp tác xã, phối hợp với Sở Thuỷ sản
và Liên minh hợp tác xã tỉnh quyết định hỗ trợ sáng lập viên hợp tác xã (sau
đây gọi tắt là sáng lập viên) và hợp tác xã chuẩn bị thành lập có nhu cầu hỗ trợ.
b) Ủy ban nhân dân cấp
huyện căn cứ nội dung yêu cầu hỗ trợ của hợp tác xã, giao Phòng có chức năng quản
lý nhà nước về thủy sản cấp huyện (sau đây gọi là cơ quan thực hiện hỗ trợ) phối
hợp Phòng Tài chính-Kế hoạch làm đầu mối tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ .
Cơ quan thực hiện hỗ
trợ có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ được quy định tại khoản 1 điều này đảm
bảo có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đối tượng hỗ trợ.
3. Trình tự hỗ trợ,
khuyến khích thành lập hợp tác xã
a) Đại diện của hợp
tác xã chuẩn bị thành lập hoặc sáng lập viên nộp đơn có xác nhận của Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi hợp
tác xã dự định đặt trụ sở chính gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện theo mẫu đơn và
được cơ quan thực hiện hỗ trợ cấp.
b) Trong thời hạn 15
ngày làm việc, cơ quan thực hiện hỗ trợ thành lập hợp tác xã có trách nhiệm
thông báo bằng văn bản cho đối tượng có nhu cầu hỗ trợ về thời gian, địa điểm,
phương thức tổ chức và các nội dung được hỗ trợ.
4. Phương thức hỗ
trợ
Căn cứ vào nhu cầu cụ
thể của sáng lập viên về nội dung yêu cầu hỗ trợ, cơ quan thực hiện hỗ trợ tổ
chức triển khai thực hiện hỗ trợ theo một trong các phương thức tổ chức thích hợp
trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
a) Tư vấn trực tiếp đối
với từng hợp tác xã chuẩn bị thành lập, sáng lập viên tại địa điểm phù hợp, thuận
lợi cho đối tượng được hỗ trợ.
b) Tổ chức các lớp hướng
dẫn tập trung theo nhóm nghề hoặc theo khu vực xã.
5. Kinh phí hỗ trợ
a) Kinh phí hỗ trợ bao
gồm: thù lao cho giảng viên, chi phí cho việc đi lại và ăn ở cho giảng viên,
chuyên gia truyền đạt thông tin, kiến thức về hợp tác xã, tư vấn xây dựng điều
lệ hợp tác xã, tư vấn về xây dựng phương hướng sản xuất, kinh doanh và kế hoạch
hoạt động của hợp tác xã; tư vấn đăng ký kinh doanh hợp tác xã; chi phí mua hoặc
in ấn tài liệu, văn bản pháp luật về hợp tác xã; chi phí thuê hội trường; chi
phí văn phòng phẩm và nước uống phục vụ lớp hướng dẫn; việc sử dụng kinh phí hỗ
trợ trên cơ sở hiệu quả và phù hợp với quy định hiện hành của nhà nước.
b) Hàng năm, căn cứ
vào yêu cầu về nội dung; số lượng các hoạt động hỗ trợ, cơ quan thực hiện hỗ trợ
lập dự toán kinh phí hỗ trợ, khuyến khích thành lập hợp tác xã, trình Ủy ban
nhân dân cấp huyện phê duyệt cấp kinh phí.
c) Nguồn kinh phí chi
hỗ trợ thành lập hợp tác xã được tổng hợp vào dự toán sự nghiệp kinh tế hàng
năm của ngân sách cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các
văn bản hướng dẫn.
d) Hợp tác xã chuẩn bị
thành lập, sáng lập viên có yêu cầu hỗ trợ không phải trả các khoản phí được
nêu tại điểm a khoản 5 điều nầy.
Điều
4. Hỗ trợ đào tạo
1. Đối tượng được hỗ
trợ đào tạo trong hợp tác xã bao gồm
a) Các chức danh trong
ban quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát, kế toán trưởng;
b) Xã viên đang làm
công việc chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của hợp tác xã.
2. Nội dung hỗ trợ
a) Tiền vé đi, vé về từ
hợp tác xã đến cơ sở đào tạo bằng phương tiện công cộng (trừ máy bay) theo quy
định hiện hành của nhà nước;
b) Tiền mua tài liệu
trong chương trình khoá học;
c) Các khoản chi phí tổ
chức, quản lý lớp học, thuê hội trường, thuê giảng viên; đi nghiên cứu học tập;
d) Hỗ trợ 50 % chi phí
ăn, ở theo quy định của nơi đào tạo nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuổi đời không quá
40;
- Đủ điều kiện tuyển
sinh;
- Có quyết định cử đi
học của ban quản trị;
- Có cam kết bằng văn
bản làm việc cho hợp tác xã ít nhất 05 năm sau khi tốt nghiệp;
3. Các nội dung chi
nêu trên thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày
17/7/2006 của Bộ Tài chính.
4. Nguồn kinh phí hỗ
trợ được lấy từ ngân sách hàng năm của ngân sách cấp huyện.
Điều
5. Về đất đai
1. Hợp tác xã thủy sản
có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục
vụ hoạt động, được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định giao đất có thu tiền
sử dụng đất, thuê đất và được hưởng chính sách ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất,
tiền thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
2. Nhà nước khuyến
khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã thuê lại đất của các tổ chức,
cá nhân để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Điều
6. Về Thuế
1. Thuế suất ưu đãi và
thời gian áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi.
a) Áp dụng thuế suất
10% trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh đối với
hợp tác xã mới được thành lập từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn huyện Tân
Phước.
b) Áp dụng thuế suất
15% trong thời gian 12 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh đối với
hợp tác xã mới được thành lập từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn huyện Gò
Công Đông, Gò Công Tây.
c) Áp dụng thuế suất
20% trong thời gian 10 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh đối với
hợp tác xã mới được thành lập từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn huyện, thị,
thành còn lại trong tỉnh.
Hết thời gian được áp
dụng mức thuế suất ưu đãi quy định tại các điểm a; b và điểm c khoản 1 điều
này, hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
với mức thuế suất là 28%.
2. Miễn, giảm thuế đối
với hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
a) Được miễn thuế 02
năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 02 năm tiếp
theo đối với hợp tác xã mới thành lập.
b) Được miễn thuế 02
năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 03 năm tiếp
theo đối với hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành sản xuất, nhân
và lai tạo giống thủy sản, dịch vụ kỹ thuật thủy sản.
c) Được miễn thuế 02
năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 06 năm tiếp
theo đối với hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn huyện Gò Công
Đông, Gò Công Tây.
d) Được miễn thuế 03
năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp
theo đối với hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành sản xuất, nhân
và lai tạo giống thủy sản, dịch vụ kỹ thuật thủy sản thực hiện tại địa bàn huyện
Gò Công Đông, Gò Công Tây.
e) Được miễn thuế 04
năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp
theo đối với hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành sản xuất, nhân
và lai tạo giống nhân tạo, giống thủy sản mới, có hiệu quả kinh tế cao; nuôi trồng
thủy sản trên đất hoang hóa, vùng chưa được khai thác hoặc thực hiện tại địa bàn huyện Tân Phước.
Việc áp dụng thuế suất
ưu đãi và việc miễn, giảm thuế nêu trên chỉ thực hiện đối với hợp tác xã hạch
toán kinh tế độc lập và đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
Điều
7. Về Tín dụng
1. Hợp tác xã có dự án
phát triển giống thủy sản, hải sản; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy, hải sản; dự
án đầu tư tại huyện Tân Phước, Gò Công Đông, Gò Công Tây được vay vốn tín dụng
đầu tư tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển Tiền Giang.
Hợp tác xã là thành
viên của Liên minh hợp tác xã tỉnh được vay vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại
Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
2. Các Hợp tác xã có
nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng năng lực
sản xuất thì được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn theo
quy định hiện hành về kinh tế hợp tác.
Điều
8. Về hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại
Các hợp tác xã sản xuất
hàng hoá xuất khẩu, nếu có dự án xúc tiến thương mại được cấp có thẩm quyền phê
duyệt thì được hỗ trợ 50% kinh phí theo quy định của chương trình xúc tiến
thương mại quốc gia về các nội dung sau:
1. Thông tin thương mại,
tuyên truyền xuất khẩu;
2. Tư vấn xuất khẩu;
3. Đào tạo nâng cao
năng lực, kỹ năng kinh doanh xuất khẩu;
4. Tham dự hội chợ,
triển lãm;
5. Quảng bá thương hiệu
sản phẩm.
Điều
9. Về hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến ngư.
1. Hợp tác xã có dự án
ứng dụng công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ được vay vốn trung hạn, dài
hạn từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh; được hỗ trợ ưu đãi theo Quyết
định số 45/2005/QĐ-UBND ngày 29/9/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
2. Hợp tác xã có nhu cầu
sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng đến đại học thì được
ưu tiên tuyển chọn cán bộ phù hợp với chuyên môn của hợp tác xã, được hợp đồng
sử dụng lao động và hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
3. Hợp tác xã được hưởng
chính sách về khuyến ngư theo quy định tại Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày
26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư.
Điều
10. Về hỗ trợ hợp tác và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống
cộng đồng xã viên và tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội
1. Các hợp tác xã được
hỗ trợ theo quy định của pháp luật:
a) Xây dựng cơ sở hạ tầng
phục vụ sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã;
b) Xây dựng cụm làng
nghề để phát triển sản xuất và kinh doanh.
2. Hợp tác xã được ưu
tiên tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội:
a) Các công trình xây
dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn và quản lý các công trình đó sau khi hoàn
thành;
b) Các dự án, chương
trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh phù hợp với khả năng của hợp
tác xã.
Điều
11. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ, ưu đãi
Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Tiền Giang là cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ, ưu đãi khuyến
khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều
12. Điều khoản thi hành
Sở Thủy sản phối hợp với
các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã
Gò Công tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy định này. Định kỳ báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Trong quá trình thực
hiện, có khó khăn vướng mắc các đơn vị, địa phương báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh
để xem xét, quyết định./.