Quyết định 2082/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2082/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/11/2011
Ngày có hiệu lực 21/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2082/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM NGHỆ AN - BẮC HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, ranh giới, quy mô vùng

Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh bao gồm các huyện, thành phố, thị xã phía Nam của tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương), các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn). Tổng diện tích tự nhiên của vùng khoảng 3.648km2.

2. Tính chất

- Là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia.

- Là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực.

- Là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với danh nhân văn hóa quốc gia và quốc tế, các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cần được bảo tồn tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch nhân văn và phát triển kinh tế xã hội của vùng.

3. Các dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2015 khoảng 1.506.900 người, trong đó dân số đô thị là 602.700 người.

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2025 khoảng 1.748.800 người, trong đó dân số đô thị là 1.049.500 người.

- Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị đến năm 2015 khoảng 19.890 ha, đến năm 2025 khoảng 30.203 ha.

- Dự báo quy mô đất xây dựng các khu dân cư nông thôn đến năm 2015 khoảng 21.700 ha, đến năm 2025 khoảng 13.986 ha.

4. Định hướng phát triển không gian vùng

a) Phân vùng phát triển và trục kinh tế động lực chính của vùng:

- Vùng đồng bằng ven biển: Đây là khu vực có vị trí địa lý và địa chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của vùng bao gồm các huyện, thị: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Tại khu vực này chủ yếu phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng, mở rộng nâng công suất các cảng biển hiện có, khai thác các tài nguyên về du lịch biển và du lịch tâm linh, hình thành các vùng ngư nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản.

- Vùng trung du miền núi bao gồm: Các huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An, huyện Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trọng tâm của vùng là khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và các đô thị Thanh Thủy, Phố Châu, Chợ Cồn, Chợ Rộ, Tây Sơn …. Khu vực này sẽ lấy công nghiệp khai khoáng, dịch vụ thương mại du lịch làm động lực phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế nông lâm theo hướng hiệu quả bền vững gắn liền với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn. Ổn định và cải thiện điều kiện sống của các nhóm dân cư nông thôn tại khu vực này theo các tiêu chí nông thôn mới.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Bắc Nam: Quốc lộ 1A gắn kết các đô thị động lực bao gồm thành phố Vinh, Xuân An, Hồng Lĩnh, Nam Cấm, Quán Hành; đường ven biển gắn kết các đô thị động lực bao gồm Cửa Lò, Xuân Thành, Cương Gián; đường Hồ Chí Minh gắn kết các đô thị động lực gồm Hạnh Lâm, Hoa Quân, Thanh Thủy, Thanh Mai, Phố Châu.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Đông Tây: Quốc lộ 46, nối thành phố Vinh với Thanh Thủy, gắn kết các đô thị động lực Hưng Nguyên, Nam Đàn, Kim Liên, Chợ Cồn, Chợ Rộ; quốc lộ 8, nối đô thị Hồng Lĩnh với cửa khẩu Cầu Treo, gắn kết các đô thị động lực gồm Đức Thọ, Phố Châu, Tây Sơn, Đức Lâm, Nầm.

b) Phát triển hệ thống đô thị, dân cư nông thôn và dịch vụ hạ tầng xã hội:

- Hệ thống đô thị Nam Nghệ An: Thành phố Vinh là đô thị loại I trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Nghệ An. Thị xã Cửa Lò là đô thị loại III, là đô thị du lịch biển phát triển theo hướng sáp nhập thành phố Vinh. Huyện Nghi Lộc gồm các đô thị loại V là Quán Hành (trung tâm hành chính của huyện), Chợ Thượng, Mai Trang. Huyện Hưng Nguyên sẽ gồm các đô thị loại V là Hưng Nguyên (trung tâm hành chính của huyện), Hưng Phúc, Hưng Xá. Huyện Nam Đàn gồm các đô thị sau: Nam Đàn là đô thị loại IV (trung tâm hành chính huyện), các đô thị loại V là Nam Trung và Nam Giang. Huyện Thanh Chương gồm các đô thị sau: Đô thị loại IV là Thanh Thủy, các đô thị loại V là Dùng (trung tâm hành chính huyện), Chợ Chùa, Rộ.

[...]