Quyết định 206/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 206/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/12/2004
Ngày có hiệu lực 01/01/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 206/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 206/2004/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (Tờ trình số 5145/GTVT-KHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2002 và văn bản số 3406/2004/BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2004) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 4955 BKH/KCHT&ĐT ngày 14 tháng 8 năm 2003 và số 1026 BKH/ KCHT&ĐT ngày 26 tháng 02 năm 2004) về Chiến lược Phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược Phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

- Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước để phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý, giảm thiểu chi phí vận tải, tiết kiệm chi phí xã hội.

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc.

- Coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Đồng thời đẩy mạnh việc nâng cấp và xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, trước hết là trục Bắc - Nam, các khu kinh tế trọng điểm, các trục giao thông đối ngoại, các đô thị lớn và các vùng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo và phục vụ an ninh, quốc phòng.

- Phát triển vận tải theo hướng hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới phương tiện vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời phát triển nhanh hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại, trước hết là vận tải hàng không và hàng hải nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế.

- ưu tiên cải tạo, nâng cấp đầu tư chiều sâu phát huy hiệu quả của các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải hiện có, nhanh chóng đổi mới và tiếp cận công nghệ hiện đại, từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới tự sản xuất được các phương tiện vận tải, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu và chế tạo ôtô để sử dụng trong nước và xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới.

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải đối ngoại, gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông vận tải trong nước, đáp ứng kịp thời yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

- Phát triển giao thông vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Đối với các đô thị lớn (trước mắt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) nhanh chóng phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn (vận tải bánh sắt); kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và an toàn giao thông đô thị.

- Phát triển mạnh giao thông vận tải địa phương, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, gắn kết được mạng giao thông vận tải địa phương với mạng giao thông vận tải quốc gia, tạo sự liên hoàn, thông suốt và chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với đa số dân cư.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng nguồn lực trong nước dưới mọi hình thức và từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển giao thông vận tải. Xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: người sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm đóng góp để bảo trì và tái đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

- Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch sử dụng đất cho kết cấu hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương.

2. Mục tiêu phát triển

Giao thông vận tải Việt Nam phải phát triển đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông vận tải theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức vận tải, đảm bảo giao lưu thông suốt, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi trên phạm vi cả nước với trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

a) Về vận tải

Thỏa mãn nhu cầu vận tải xã hội đa dạng với mức tăng trưởng cao, đảm bảo chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu tác động môi trường.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải:

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn trước mắt tập trung đưa vào cấp kỹ thuật và nâng cấp các công trình hiện có, kết hợp xây dựng mới một số công trình phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương. Giai đoạn 2010 - 2020, hoàn chỉnh, hiện đại hóa và tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo vận tải tối ưu trên toàn mạng lưới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của từng chuyên ngành như sau:

Đường bộ: toàn bộ hệ thống quốc lộ và hầu hết tỉnh lộ phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải quan trọng. Các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của đường bộ khu vực.

Đường sắt: hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực; từng bước xây dựng mới mạng lưới đường sắt cao tốc và đường sắt tốc độ cao; ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đường biển: hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các cảng tổng hợp quốc gia chính; xây dựng cảng nước sâu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển cảng trung chuyển quốc tế tiếp nhận tàu trọng tải lớn, đáp ứng được nhu cầu vận tải.

[...]