Quyết định 1967/QĐ-BTC thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1967/QĐ-BTC
Ngày ban hành 21/08/2024
Ngày có hiệu lực 21/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Tấn Cận
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1967/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2025 VÀ ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công các đơn vị chủ trì soạn thảo các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo tiến độ hoàn thành tại Phụ lục 1 kèm theo.

Điều 2. Phân công các đơn vị chủ trì tham gia ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do các Bộ, ngành chủ trì nghiên cứu, soạn thảo theo Phụ lục 2 kèm theo.

Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ:

1. Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các dự án Luật thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ để bảo đảm chất lượng và tiến độ quy định.

b) Bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, lưu ý thực hiện các quy định liên quan đến hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đặc biệt là việc trình kèm các dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành).

c) Xây dựng kế hoạch soạn thảo phù hợp với các mốc thời gian trình Bộ, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

d) Thực hiện đúng quy trình soạn thảo, trình tự trình dự án các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội) từ việc tổng kết, đánh giá thực tiễn đến việc tổ chức lấy ý kiến tham gia (đặc biệt là việc lấy ý kiến tham gia của các đối tượng có liên quan đến việc thực thi Luật); xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của văn bản, trong đó phải nêu rõ các vấn đề chủ yếu được đặt ra và mục tiêu của chính sách dự kiến, từ đó hình thành các phương án và lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật, tác động đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khả năng tuân thủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tác động khác; Tổng hợp ý kiến tham gia, nghiên cứu tiếp thu và giải trình các ý kiến không tiếp thu khi trình dự án Luật.

d) Phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; xin ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Văn bản gửi lấy ý kiến thẩm định phải gửi về Vụ Pháp chế để theo dõi, phối hợp.

đ) Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo các Ủy ban của Quốc hội theo quy định.

2. Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì tham gia ý kiến có trách nhiệm:

a) Phân công cán bộ bám sát tiến độ nghiên cứu xây dựng dự án luật, pháp lệnh do các Bộ, ngành chủ trì để tham gia ý kiến kịp thời;

b) Trong quá trình tham gia ý kiến, các đơn vị cần lưu ý tập trung vào các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài chính như: thu, chi ngân sách nhà nước; các chế độ chính sách có ảnh hưởng tới thu, chi ngân sách nhà nước; việc lập và sử dụng quỹ có nguồn thu từ ngân sách; các quy định hoặc ưu đãi về thuế, phí, lệ phí; việc thành lập thêm tổ chức bộ máy; về giá cả, tiền lương, trợ cấp, phụ cấp;... và các nội dung liên quan đến cải cách hành chính.

Riêng đối với các dự án luật, pháp lệnh có dự kiến giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho Bộ Tài chính, đơn vị được giao chủ trì tham gia dự án luật, pháp lệnh cần kịp thời báo cáo Bộ và đề xuất giao đơn vị chủ trì soạn thảo để phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trình kèm dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm thời hạn trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Trên cơ sở phê duyệt của Lãnh đạo Bộ về việc giao đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành, sao gửi Vụ Pháp chế để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay sau khi dự án luật được thông qua.

c) Tùy theo tiến độ, kết quả soạn thảo của cơ quan chủ trì, chủ động báo cáo Bộ dự thảo dự án luật, pháp lệnh và các ý kiến đã tham gia; đề xuất việc phải có ý kiến chính thức của Bộ Tài chính trong trường hợp dự thảo, dự án luật, pháp lệnh không đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về tài chính, ngân sách ...

Trường hợp cần bổ sung chính sách mới vào dự án luật phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt để thực hiện đánh giá tác động và phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ để trình Bộ tham gia bằng văn bản về dự án luật, pháp lệnh.

đ) Tổ chức lấy ý kiến giúp Bộ trưởng trong việc tích phiếu Thành viên Chính phủ khi dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ; chuẩn bị ý kiến với tư cách là đại biểu Quốc hội để gửi Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (nếu có) và chuẩn bị tài liệu trình Bộ dự họp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội (khi có yêu cầu).

[...]