Quyết định 1954/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 1954/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/06/2017
Ngày có hiệu lực 21/06/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1954/QĐ-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ KÊU GỌI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 215;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Chương trình số 59/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 115/TTr-SKHĐT-DN ngày 16 tháng 6 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ KÊU GỌI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 1954/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Chương trình số 59/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 như sau:

A. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Những kết quả đạt được:

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia), là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ mang nét đặc trưng riêng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, từ đó tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ; có vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí; có cả di chỉ nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê; đặc biệt hơn cả An Giang là quê hương của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Khu Lưu niệm của Bác tọa lạc trên vùng cù lao Ông Hổ xanh ngát ở giữa dòng sông Hậu.

Nhận thấy những tiềm năng lợi thế trên, những năm qua được Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung cân đối nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông kết nối các khu, điểm du lịch như: 07 cầu trên tuyến Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên; Đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; Đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; Đường tỉnh lộ 941 đi Tri Tôn, 02 cầu đường tỉnh lộ 948 (cầu Bưng Tiền, cầu Tà Đéc); có 01 cầu tàu đón du khách được đầu tư tại thành phố Châu Đốc. Toàn tỉnh có gần 5.581 km đường giao thông và 1.586 cây cầu với chiều dài 58,09 km..., hạ tầng các khu du lịch được quan tâm đầu tư như: CSHT khu du lịch lòng hồ số 2, 3; Hệ thống cấp nước khu du lịch Núi Cấm; Cơ sở hạ tầng du lịch (Hệ thống thoát nước mưa, nước thải, bãi xử lý rác khu vực Núi Sam sử dụng vốn ADB); Dự án khu du lịch núi Cấm (Dự án Đường nối TT điều hành đến Cao Đài Tự, Dự án Bãi chôn lấp rác KDL Núi Cấm, Khu dịch vụ hành hương II, Bãi xe đường lên ấp Vồ Đầu, Hệ thống cấp nước khu du lịch Núi Cấm); Khu Di tích văn hóa Óc Eo; Nâng cấp đường vào khu di tích Óc Eo; Khu du lịch Núi Sập và hạ tầng viễn thông phát triển khá đồng bộ, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, từ đó đã tạo mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy thông suốt và các cơ sở hạ tầng các khu để phục vụ du khách tham quan.

Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đầu tư các dự án phát triển du lịch như: Khu nghỉ dưỡng Thiên Cảnh Sơn, Khu du lịch Núi Trà Sư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai), Bến tàu du lịch Tân Châu (Công ty TNHH một thành viên Ven sông Việt Tân Châu), Dự án đầu tư khu công viên và trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch hành hương 3 – Resort, Công viên trò chơi (Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang), Cáp treo Núi Cấm (Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang); Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam (Công ty TNHH MGA Việt Nam), Điểm dừng chân kết hợp dịch vụ du lịch và thương mại Thọ Tô Châu (Công ty TNHH Thọ Tô Châu); Khu dịch vụ thương mại kết hợp văn hóa Du lịch Núi Sam (Công ty Cổ phần Điện nước An Giang); Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Công ty TNHH MTV Sang Như Ngọc).

2. Những tồn tại, khó khăn:

Tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Hệ thống giao thông cầu, đường được đầu tư mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng tăng, nhất là vào các mùa cao điểm lễ hội của tỉnh (mùa lễ hội Miếu bà chúa Xứ).

Nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, nên cân đối đầu tư phát triển cho du lịch còn hạn chế; mức độ tham gia của các nhà đầu tư vào hoạt động du lịch còn thấp, chưa thu hút đầu tư được các nhà đầu tư tiềm năng, nên một số công trình do nhà đầu tư đầu tư như: nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có tính khác biệt cao trong vùng để thu hút du khách và “giữ chân du khách” khi đến An Giang.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

[...]