ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1942/QĐ-UBND
|
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 12 tháng 9 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC AN TOÀN CỦA CÔNG TY CỔ
PHẦN CẤP NƯỚC BÀ RỊA - VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG
TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng
7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng
12 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số
117/2007/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21 tháng
11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an
toàn;
Xét đề nghị
của Giám đốc Sở Xây dựng (Tờ trình số 183/TTr-SXD ngày 28 tháng 8 năm 2014),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch
cấp nước an toàn của Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu với nội dung
chính như sau:
1. Đánh giá hiện trạng của
hệ thống cấp nước
Hệ thống cấp nước do Công ty cổ phần Cấp nước Bà
Rịa - Vũng Tàu (sau đây viết tắt là Công ty) quản lý bao gồm hệ thống cấp nước
hồ Đá Đen, hệ thống cấp nước Châu Đức, hệ thống cấp nước Phước Bửu và hệ thống
cấp nước Bình Châu, cụ thể như sau:
a) Phạm vi cấp nước:
Công ty thực hiện việc cấp nước cho thành phố
Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, thị trấn Long Điền, một phần huyện Tân Thành, một
phần huyện Châu Đức, một phần huyện Xuyên Mộc. Tổng số khách hàng sử dụng nước
đến tháng 12 năm 2013 là 143.304 hộ, với tổng
số dân trong vùng bao phủ dịch vụ của Công
ty là 726.515 người dùng.
b) Nguồn nước và công trình
xử lý nước:
- Nhà máy nước Sông Dinh
và nhà máy nước hồ Đá Đen: sử dụng nguồn
nước hồ Đá Đen với dung tích hồ là 34.660.000m3, công suất thiết kế
165.000m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế 145.000m3/ngày
đêm;
- Chi nhánh cấp nước Châu
Đức: sử dụng nguồn nước hồ Kim Long với dung tích hồ là 2.475.000m3,
công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế
3.000m3/ngày đêm;
- Trạm cấp nước Bình Châu:
sử dụng nguồn nước hồ Suối Các với dung tích hồ là 4.300.000 m3,
công suất thiết kế 3.000m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế
2.000m3/ngày đêm;
- Nhà máy nước ngầm Bà
Rịa: sử dụng nguồn nước các giếng khoan khu vực Bà Rịa, tổng số gồm 10 giếng,
công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, công suất khai thác hiện tại
khoảng 300m3/ngày đêm, chủ yếu là để bảo dưỡng công trình và máy móc
thiết bị;
- Trạm cấp nước Phước Bửu:
sử dụng nguồn nước các giếng khoan khu vực Phước Bửu, tổng số gồm 07 giếng,
công suất thiết kế 2.400m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế
2.400m3/ngày đêm.
Tất cả các nhà máy đều có bể chứa, đáp ứng nhu
cầu dự trữ, các bể chứa đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố, bể
kín, thể tích bể chứa từ 200m đến 10.000m3.
c) Mạng lưới cấp nước:
Mạng lưới cấp nước được lắp đặt qua nhiều giai
đoạn khác nhau, trong thời gian qua, Công ty đã chú trọng đầu tư mở rộng, cải
tạo nâng cấp mạng cấp nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, do đó mạng đường
ống hoạt động bền vững, có hiệu quả. Về vật liệu đường ống, Công ty đã sử dụng
các loại ống chất lượng cao trong thi công lắp đặt mới như ống gang, ống thép
có tráng xi măng bên trong, ống nhựa uPVC, ống nhựa HDPE chất lượng cao, không
sử dụng ống sắt tráng kẽm, các loại ống không có lớp bảo vệ bên trong... Hệ
thống mạng đường ống chia làm 3 cấp: ống cấp 1 có đường kính từ 250mm trở lên,
ống cấp 2 có đường kính từ 100 đến 250mm, ống cấp 3 có đường kính từ 25mm đến 100mm
cung cấp nước đến hộ tiêu thụ. Tổng chiều dài đường ống cấp 1 và cấp 2 khoảng
583km, trong đó:
- Mạng lưới cấp nước Vũng
Tàu: đường ống truyền tải làm bằng vật liệu gang dẻo, thép đường kính D600,
D760, D800, D1000 có tổng chiều dài
khoảng 41,36km. Đường ống làm bằng vật liệu gang, HDPE, PVC đường kính D100 đến
D450 có tổng chiều dài khoảng 206,69km;
- Mạng lưới cấp nước Bà Rịa: đường ống làm bằng
vật liệu gang, gang dẻo, PVC, HDPE đường kính D100
đến D1000 có tổng chiều dài
khoảng 133,50km;
- Mạng lưới cấp nước Long
Điền: đường ống làm bằng vật liệu gang, PVC, HDPE đường kính D114 đến D400 có
tổng chiều dài khoảng 115,30km;
- Mạng lưới cấp nước Châu
Đức: đường ống làm bằng vật liệu PVC, HDPE đường kính D114 đến D220 có tổng
chiều dài khoảng 42,23km;
- Mạng lưới cấp nước Phước
Bửu: đường ống làm bằng vật liệu PVC, HDPE đường kính D ≥ 100 có tổng chiều dài
khoảng 26,09km;
- Mạng lưới cấp nước Bình
Châu: đường ống làm bằng vật liệu PVC đường kính D114
đến D200 có tổng chiều dài khoảng 17,43km.
2. Xác định, phân tích và
đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước
- Nguy cơ, rủi ro đối với
nguồn nước như mức nước hồ cạn dưới cửa thu; lá cây, xác súc vật, hàu nước xâm
nhập vào đường ống; độ đục tăng cao do bão lũ; nước thải công nghiệp chảy vào
hồ; nước thải sinh hoạt, chăn nuôi chảy vào hồ; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật;
sự nhiễm bẩn và nhiễm mặn nguồn nước ngầm.
- Nguy cơ, rủi ro đối với
nhà máy như chất lượng hóa chất không đảm bảo, máy định lượng hóa chất bị hỏng,
van chặn, van xả cặn không hoạt động, mất điều khiển của hệ thống biến tần, máy
định lượng hóa chất bị hỏng, các sự cố về điện như sét đánh, chập điện...
- Nguy cơ, rủi ro đối với
mạng lưới cấp nước như sự rò rỉ, xì, bể ống, bầu xả khí không hoạt động, đóng
cặn hữu cơ làm giảm diện tích ống, hệ thống van trên đường ống không hoạt động,
các nguy cơ về sự cố điện, nước bẩn xâm nhập vào trong đường ống...
Các nguy cơ, rủi ro đã được xác định thứ tự ưu
tiên theo tần suất xuất hiện, tác động theo từng cấp độ để đề xuất các biện
pháp kiểm soát và phòng ngừa thích hợp.
3. Xác định các biện pháp
kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục rủi ro và lập kế hoạch triển khai áp dụng
- Rà soát lại các biện
pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục đang áp dụng; đề xuất các biện pháp
kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục bổ sung bao gồm giảm tỷ lệ nước thất thoát,
quản lý mạng lưới, hiện đại hóa các nhà máy, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí
vận hành, bổ sung thêm nguồn nước thô.
- Đề ra
các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu, bao gồm:
+ Tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo
vệ các công trình cấp nước;
+ Đầu tư kinh phí, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật trong công tác vận hành, quản lý cấp nước an toàn;
+ Chuyên môn hóa hệ thống hoạt động của công ty,
kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước cấp luôn bảo đảm an toàn;
+ Thực hiện các biện pháp phân vùng, tách mạng,
lắp đặt các thiết bị thu thập số liệu SCADA, theo dõi chống thất thoát nước
trên mạng lưới;
+ Cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý, trạm bơm,
mạng lưới cấp nước, đầu tư, cải tạo các nhà máy cấp nước hiện hữu theo hướng tự
động hóa;
+ Nâng cấp, cải tạo thay thế dần mạng lưới tuyến
ống lâu năm, kém chất lượng, các tuyến bị hư hỏng, các tuyến không đáp ứng nhu
cầu sử dụng...
- Kế hoạch triển khai áp
dụng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục rủi ro nhằm đạt được mục
tiêu cấp nước an toàn đến khách hàng sử dụng, bao gồm:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn trong
công ty;
+ Tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp
vụ và nhận thức về kế hoạch cấp nước an toàn tới toàn thể cán bộ, công nhân
trong công ty;
+ Sửa đổi, ban hành các quy trình, quy định,
hướng dẫn... phục vụ công tác cấp nước an toàn;
+ Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp
kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục rủi ro trên dây chuyền sản xuất và cung cấp
nước sạch tới khách hàng sử dụng theo kế hoạch đã xây dựng;
+ Triển khai thực hiện chi tiết các biện pháp
kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục sự cố.
4. Kế
hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và
khắc phục các nguy cơ rủi ro
Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ rủi ro từ các
điểm kiểm soát; nội dung ảnh hưởng, tác động của các nguy cơ về mặt hóa học, lý
học và sinh học; đánh giá rủi ro trước các biện pháp kiểm soát về tần suất xuất
hiện, tác động của sự cố đối với hệ thống; mức độ rủi ro trên cơ sở tính điểm
và đánh giá theo hạng cao, trung bình và thấp từ đó đề ra biện pháp kiểm soát
và thứ tự ưu tiên thực hiện.
5. Lập kế hoạch, quy trình
ứng phó với biến đổi xảy ra trong điều kiện vận hành có sự cố, mất kiểm
soát và tình huống khẩn cấp
- Xây dựng các kịch bản sự
cố có thể xảy ra, tập huấn trên phạm vi toàn công ty với quy mô xử lý từ nhỏ
đến lớn và thường xuyên. Trong đó thể hiện rõ các sự cố; nội dung công việc cần
được khắc phục; cấp ra quyết định giải quyết sự
cố; bên mời tham gia giải quyết, đơn vị chịu trách nhiệm chính, đơn vị phối hợp
cũng như sự chuẩn bị về thiết bị, máy móc dự phòng, kinh phí thực hiện.
- Theo định kỳ, các phòng
chuyên môn kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất và cung cấp nước sạch đến khách
hàng để phát hiện ngăn ngừa các mối nguy, sự cố có thể xảy ra để khắc phục,
phòng ngừa; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc trong toàn Công ty thông
suốt, liên tục, kịp thời; xác định nguyên nhân sự cố là do chủ quan hay khách
quan để đề xuất hướng xử lý, khắc phục, phòng ngừa.
- Xây dựng các tình huống
dự phòng cho sự cố xảy ra, có sự chuẩn bị về thiết bị, vật tư, máy móc, kinh
phí cũng như nhân sự để ứng phó đảm bảo cung cấp ổn định cho khách hàng sử dụng
nước về chất lượng, áp lực, lưu lượng và tính liên tục theo các quy chuẩn, tiêu
chuẩn quy định.
- Xác định hậu quả trước
mắt và lâu dài của sự cố; giải trình, báo cáo với lãnh đạo về giải quyết những
sự cố xảy ra; lưu trữ thông tin, số liệu về sự cố và các biện pháp khắc phục;
đánh giá tổng thể sự cố và đề xuất các giải pháp phòng ngừa và xử lý các sự cố
có thể xảy ra trong tương lai.
6. Xây dựng các tiêu chí,
các chỉ số giám sát và giới hạn kiểm soát để đánh giá việc triển khai thực hiện
kế hoạch cấp nước an toàn
- Đối với nguồn nước, định
kỳ kiểm tra chất lượng nước tại các hồ chứa cũng như các con sông, suối chảy
vào hồ chứa; thực hiện kiểm tra các nhà máy, khu công nghiệp có nguồn nước thải
có nguy cơ gây ô nhiễm cao, phối hợp với các cơ quan có liên quan để bảo vệ, xử
lý kịp thời các trường hợp gây ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước
cung cấp theo QCVN 08:2008/BTNMT về quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, QCVN 09:2008/BTNMT về quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm.
- Chất lượng nước cung cấp
đến khách hàng sử dụng được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm các chỉ tiêu không vượt
quá giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống được Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009.
- Tập trung đầu tư vào
công tác quản lý chất lượng theo hệ thống quản lý ISO: 9001, ISO: 17025 đáp ứng
đầy đủ nhu cầu phân tích, xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước chính xác, đảm
bảo mục tiêu cấp nước an toàn trên phạm vi toàn tỉnh.
7. Quản lý cơ sở dữ liệu có
liên quan đến cấp nước an toàn
Các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu
có liên quan đến cấp nước an toàn đã ban hành được quản lý sử dụng theo tiêu
chuẩn ISO: 9001 và ISO: 17025, bao gồm: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11
tháng 7 năm 2007 của Chính phủ, Nghị định
số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung
một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ
về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21
tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp
nước an toàn, QCVN 01:2009/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước
ăn uống được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17
tháng 6 năm 2009, QCVN 08:2008/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng
nước mặt, QCVN 09:2008/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước
ngầm và các sổ tay hướng dẫn thực hiện cấp nước an toàn, sổ tay chất lượng, quy
chế tổ chức và hoạt động, các tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn, giáo trình khác...
Việc quản lý hồ sơ, tài liệu theo “Quy trình
kiểm soát hồ sơ” và “Quy trình kiểm soát tài liệu” của công ty; thường xuyên
cập nhật các tài liệu, hồ sơ; định kỳ rà soát các văn bản, tài liệu và chỉnh
sửa khi cần thiết.
Ở mỗi đơn vị trực thuộc công ty có các tủ lưu
trữ hồ sơ, có đầy đủ các danh mục hồ sơ, tài liệu để thuận tiện cho việc tra
cứu; các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng được tiếp nhận và xử lý kịp thời
theo “Quy trình giải quyết khiếu nại và đánh giá sự thỏa mãn của khách hàng”.
8. Các chương trình hỗ trợ
và kế hoạch triển khai:
- Thực hiện cải tạo, nâng
cấp nhà máy, mạng lưới đường ống, lắp đặt, thay thế các loại đồng hồ nước trên
mạng; thay, bảo hành các loại đồng hồ nước của khách hàng; thay các van điều
áp, các van, khóa trên mạng... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
cấp nước, tăng tuổi thọ phục vụ các công trình và thiết bị, ngăn ngừa và giảm
thiểu rủi ro, sự cố.
- Tiếp tục phát hiện, cải
tạo chuyển đổi các ống nhánh hộ tiêu dùng sang ống HDPE, loại bỏ hoàn toàn các
ống nhánh sử dụng ống sắt tráng kẽm còn sót lại; quản lý chặt chẽ công tác vệ
sinh, khử trùng các tuyến ống sau khi sửa chữa, lắp đặt mới; chú trọng công tác
quản lý chất lượng nước tại nguồn, tại các nhà máy và trên mạng cấp như: định
kỳ lấy mẫu kiểm tra, phân tích để đánh giá chất lượng nước, thực hiện súc xả
định kỳ mạng cấp theo kế hoạch đề ra.
- Tăng cường quản lý nguồn
nước ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước.
- Xây dựng chương trình
đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, nâng
cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ và
công nhân về cấp nước an
toàn trong toàn công ty, cụ thể là:
Stt
|
Nội dung
|
Tham gia
|
Thời gian hàng năm
|
Số người được đào tạo
|
1
|
Tập huấn nội bộ cho cán bộ nhân viên công ty về KHCNAT
|
Cán bộ quản lý và cán bộ vận hành
|
Quý II
|
150
|
2
|
Tập huấn nâng cao cho cán bộ chủ chốt về đối phó nguy hại và khắc phục
sự cố CNAT
|
Cán bộ quản lý và cán bộ vận hành
|
Quý III
|
14
|
3
|
Tập huấn quy trình vận hành chuẩn cho công nhân vận hành hệ
thống cấp nước
|
Cán bộ vận hành
|
Quý IV
|
150
|
4
|
Tập huấn sử dụng công cụ bảo đảm chất lượng
|
Nhóm kế hoạch CNAT
|
Quý I
|
40
|
5
|
Sử dụng và hiệu chỉnh các thiết bị kiểm soát chất lượng nước
|
Cán bộ P.QLCL
|
Liên tục
|
06
|
6
|
Tập huấn về quan hệ khách hàng
|
Nhân viên thu ngân
|
01 lần/quý
|
100
|
7
|
Tập huấn về kỹ thuật lắp đặt, sửa chữa, vận hành
|
Công nhân lắp đặt, vận hành và sửa chữa
|
02 lần/năm
|
150
|
8
|
Tổ chức tham quan học tập chia sẽ kinh nghiệm trong nước và quốc
tế
|
Nhóm CNAT
|
1-2
lần/năm
|
14
|
|
|
|
|
|
|
- Hàng năm, xây dựng và
thực hiện chương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng
về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và an toàn.
9. Xây dựng kế hoạch đánh
giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn; đề xuất kiến nghị điều chỉnh kế hoạch
cấp nước an toàn cho giai đoạn tiếp theo
- Xây dựng kế hoạch đánh
giá kết quả quá trình thực hiện để tổng kết đánh giá, tìm ra nguyên nhân, lý do
những hạn chế và cách khắc phục; thấy được những thành tích đạt được nhằm phát
huy hơn nữa đồng thời rút ra những kinh nghiệm từ đó đề xuất, kiến nghị điều
chỉnh kế hoạch cấp nước an toàn giai đoạn tiếp theo cho phù hợp, đảm bảo mục
tiêu cấp nước an toàn.
- Tổng kết triển khai các chương trình hỗ trợ
nâng cao năng lực với các nội dung như, đào tạo quy trình vận hành chuẩn cho
công nhân vận hành hệ thống cấp nước; tập huấn sử dụng công cụ đảm bảo chất
lượng, sử dụng và hiệu chỉnh các thiết bị kiểm soát chất lượng nước; tập huấn
về quan hệ khách hàng; tập huấn về kỹ thuật lắp đặt, sửa chữa, vận hành; tổ
chức tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
- Tổng kết triển khai các
chương trình giáo dục truyền thông như, chương trình tham quan, học tập ngoại
khóa dành cho học sinh phổ thông; hoạt động cộng đồng “Thắp sáng ước mơ, tiếp
sức đến trường” kết hợp tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường; tổ chức tuần
hành tuyên truyền bảo vệ nguồn nước tại khu vực hồ Đá Đen và hồ Kim Long.
- Điều chỉnh, đề xuất, xây
dựng kế hoạch thực hiện cho các năm tiếp theo về kế hoạch hoạt động cộng đồng
hàng năm, kế hoạch truyền thông hàng năm, kế hoạch đào tạo huấn luyện hàng năm,
kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm...
10. Dự trù kinh phí và nguồn
vốn thực hiện
a) Dự trù kinh phí:
Stt
|
Nội dung
|
Thành tiền (tr.đồng)
|
Năm 2014
|
Năm 2015
|
Năm 2016
|
1
|
Chi phí xét nghiệm mẫu nước, mua hóa chất, thiết bị phục vụ công
tác kiểm tra chất lượng nước theo quy chuẩn
|
650
|
720
|
780
|
2
|
Chi phí bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng khu xử lý, nhà xưởng, sửa
chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, mạng lưới tuyến ống, kiểm định đồng hồ
nước của khách hàng...
|
5.500
|
6.050
|
6.650
|
3
|
Chi phí đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chuyên
môn nghiệp vụ và nhận thức cho cán bộ công nhân viên
|
1.530
|
1.700
|
1.850
|
4
|
Chi phí cho hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về
bảo vệ các công trình cấp nước
|
800
|
900
|
1.000
|
5
|
Chi phí xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng
ISC:9001 và ISO: 17025 cho hoạt động cấp nước của toàn Công ty
|
250
|
275
|
300
|
6
|
Chi phí mua sắm, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác vận
hành, quản lý cấp nước an toàn
|
2.500
|
2.750
|
3.000
|
7
|
Chi phí chống thất thoát, duy trì tỷ lệ thất thoát nước. Thực hiện các biện pháp phân
vùng, tách mạng, lắp đặt các thiết bị thu thập số liệu, theo dõi chống thất
thoát nước
|
2.500
|
2.750
|
3.000
|
8
|
Chi phí mua sắm thêm các máy móc, thiết bị, mở rộng mạng lưới cấp nước, thay
thế đường ống nhánh...
|
65.000
|
71.500
|
78.650
|
|
Tổng cộng:
|
78.800
|
86.645
|
95.230
|
b) Nguồn vốn:
- Kinh phí thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn
được tính vào chi phí sản xuất‘chung trong giá tiêu thụ nước sạch được cơ quan
có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
- Nội dung chi tiết thể hiện trong kế hoạch cấp
nước an toàn do Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu lập đã được Sở Xây
dựng thẩm định.
Điều 2. Ban Chỉ đạo cấp nước an
toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm chỉ đạo Công ty cổ phần Cấp nước Bà
Rịa - Vũng Tàu, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc
tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã
được phê duyệt tại Quyết định này; định kỳ rà soát, đề xuất trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Giám đốc
Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh; các
thành viên Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Giám đốc Công
ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.CHỦ
TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Thới
|