Quyết định 1775/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1775/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/11/2012
Ngày có hiệu lực 21/11/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1775/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ PHÁT THẢI KHÍ GÂY HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH; QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TÍN CHỈ CÁC-BON RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

a) Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

- Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (sau đây gọi tắt là khí nhà kính) phải phù hợp với chiến lược, chính sách, bối cảnh trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh.

- Quản lý phát thải khí nhà kính được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho từng giai đoạn đối với các nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp (LULUCF) và chất thải.

- Nhà nước bảo đảm các nguồn lực cần thiết, khuyến khích và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, hỗ trợ của quốc tế về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong việc quản lý phát thải khí nhà kính.

b) Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới

- Tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trên cơ sở thực hiện đúng các quy định trong nước và thế giới.

- Hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

2. Mục tiêu

a) Quản lý phát thải khí nhà kính

- Mục tiêu chung: Quản lý phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Tăng cường năng lực kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong hệ thống kiểm kê quốc gia khí nhà kính. Thiết lập, vận hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính và thực hiện kiểm kê định kỳ hai (02) năm một lần theo quy trình;

+ Phổ biến, áp dụng các công nghệ giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính tiềm năng tại Việt Nam;

+ Xây dựng khung - chương trình các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với, hoàn cảnh quốc gia (NAMA) của Việt Nam và đăng ký, triển khai rộng các NAMA. Thực hiện báo cáo định kỳ về biến đổi khí hậu và cập nhật các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nước;

+ Hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra (MRV) cấp quốc gia;

+ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng;

+ Tăng cường hợp tác quốc tế nhầm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

b) Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới

- Mục tiêu chung: Quản lý, giám sát hiệu quả các hoạt động mua bán, chuyển giao tín chỉ các-bon được tạo ra từ các cơ chế trong và ngoài khuôn khổ Nghị định thư Kyoto ra thị trường thế giới.

[...]