ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1737/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 20
tháng 5 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, NĂNG LƯỢNG
MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2035
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng
12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20
tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 2068/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Thực hiện Chương trình số 49-CTr/TU ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm
2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát
triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng
về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án Phát triển sử dụng năng lượng tái
tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035;
Căn cứ Quyết định số 2987/QĐ-UBND
ngày 14 tháng 8 năm 2020 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số
49-CTr/TU ngày 26/5/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy
Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 55-NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược
phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại
Tờ trình số 2342/TTr-SCT ngày 24 tháng 12 năm 2020,
Công văn số 895/SCT-QLNL ngày 11 tháng 4 năm 2021 và trên cơ sở kết quả lấy ý
kiến của các Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển sử dụng năng lượng
tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đền
2035, với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT
TRIỂN
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn
tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái
tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch;
triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ
thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đồng bộ, từng
bước hiện đại, thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; đáp ứng
yêu cầu áp dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực
hiện mục tiêu đến năm 2030, xây dựng phát triển thành phố
Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, môi trường, hiện đại,
thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng theo tinh
thần Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây
dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO
CÁC GIAI ĐOẠN
1. Giai đoạn từ nay đến năm 2025
- Bám sát Chương trình số 49-CTr/TU
ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính
trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Tiếp tục phát triển và sử dụng các
nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được khảo sát, đánh giá, lập dự án
và đưa vào quy hoạch. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo,
năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
đạt khoảng 9,71% vào năm 2025.
- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện
thuận lợi để các thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát
triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới.
- Bố trí nguồn lực
hợp lý cho nghiên cứu sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở dữ
liệu của các nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích dài hạn.
- Kêu gọi đầu tư các dự án về sản xuất
công nghệ năng lượng tái tạo ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung
cấp dịch vụ năng lượng tái tạo theo hướng công nghệ cao.
2. Định hướng đến năm 2035
- Khai thác và sử dụng tối đa tiềm
năng năng lượng tái tạo bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện
thực tế của thành phố, mang lại hiệu
quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ
cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 9,69% vào năm 2035.
- Tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu,
phát triển, chuyển giao và ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo mới.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO
CÁC LĨNH VỰC
Phát triển đồng bộ,
hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt
để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới,
năng lượng sạch; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái; xem sản xuất
năng lượng là một ngành kinh tế, cụ thể:
1. Năng lượng mặt trời: Phát triển điện mặt trời để phục vụ nhu cầu tự dùng và cung cấp cho hệ
thống điện quốc gia.
a) Mục tiêu chung:
- Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt
điện mặt trời toàn thành phố đạt 244,675 MW, sản lượng điện điện mặt trời tương
ứng là 357.226 MWh, đóng góp khoảng 5,62% tổng nhu cầu điện toàn thành phố.
- Đến năm 2035, tổng công suất lắp đặt
điện mặt trời toàn thành phố là 577,49 MW, sản lượng điện điện mặt trời tương ứng
là 843.133 MWh, đóng góp khoảng 6,95% tổng nhu cầu điện
toàn thành phố.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đối với điện mặt trời mái nhà:
Thực hiện theo Quyết định số
104/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà thành phố Đà Nẵng
đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và các văn bản của các Bộ ngành
Trung ương có liên quan đến hoạt động phát triển điện mặt trời trên mái nhà.
- Đối với điện mặt trời mặt đất:
+ Đối với các
khu nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch: Xem xét có chủ trương từ ban đầu
về mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời để các
chủ đầu tư và cơ quan quản lý chủ động trong triển khai.
+ Đối với các khu đất được quy hoạch
lâu dài cho sản xuất nông nghiệp: Khuyến khích kết hợp sản xuất nông nghiệp (trồng
trọt, chăn nuôi) với lắp đặt điện mặt trời tăng hiệu quả sử
dụng đất; đồng thời xem xét một số khu vực phù hợp để gắn sản
xuất nông nghiệp - điện mặt trời và du lịch nông nghiệp nhằm
tăng thêm hiệu quả kinh tế, tạo thêm điểm đến hấp dẫn mới cho thành phố.
+ Đối với các mỏ khoáng sản đã hết hết
hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường (hiện
tại có 24 mỏ với diện tích khoảng 116,64 hecta): Khuyến khích
đầu tư điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp (trên giá thể) và du lịch. Dự kiến công suất lắp đặt khoảng 100MWp. Trong tương lai có thể xem xét 22 mỏ khoáng sản đang
hoạt động đến hết thời hạn hoạt động theo quy định của
thành phố để phát triển điện mặt trời.
+ Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt
điện mặt trời mặt đất toàn thành phố đạt 74,96 MW, sản lượng điện mặt trời
tương ứng là 109.435 MWh.
+ Đến năm 2035,
tổng công suất lũy kế lắp đặt điện mặt trời mặt đất toàn thành phố đạt 174,9
MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 255.349 MWh.
- Đối với điện mặt trời mặt nước:
Nghiên cứu tận dụng các mặt nước để
lắp đặt điện mặt trời như mặt sông, mặt hồ tự nhiên và nhân tạo,
các hồ xử lý nước thải, đặc biệt là mặt nước các vùng biển
gần bờ có diện tích lớn trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động
môi trường và xã hội.
2. Năng lượng sinh khối:
a) Mục tiêu chung:
- Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
và triển khai các sản phẩm đề tài khoa học, thiết bị, mô hình sử dụng nhiên liệu
sinh khối để sản xuất điện nhưng lưu ý phải đảm bảo điều kiện môi trường trong
quá trình vận chuyển và quá trình đốt phát điện.
- Nghiên cứu, khai thác tối đa nguồn
điện sinh khối đồng phát.
- Nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố
cho mục đích năng lượng khoảng 70% vào năm 2030. Ưu tiên sử dụng năng lượng
sinh khối cho sản xuất điện, khuyến khích đầu tư các nhà
máy điện sinh khối đặt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trước mắt tập trung đầu tư Dự án nhà máy đốt chất thải
rắn phát điện tại Khánh Sơn quy mô 650 tấn/ngày có công suất 18MW
x 2 và dự án nhà máy điện sinh khối (đồng
phát nhiệt điện) 15MW trong khu công nghiệp Liên Chiểu.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt
điện sinh khối toàn thành phố đạt 33MW, sản lượng điện tương ứng là 182.040
MWh, đóng góp khoảng 3,26% tổng nhu cầu điện toàn thành phố.
- Đến năm 2035, phấn đấu tổng công suất
lắp đặt điện sinh khối toàn thành phố đạt 50MW, sản lượng điện tương ứng là
259.594 MWh, đóng góp khoảng 2,2% tổng nhu cầu điện toàn thành phố.
3. Năng lượng gió:
- Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng
và lựa chọn công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng gió phù hợp với quy mô vừa
và nhỏ tại thành phố Đà Nẵng gắn với triển khai Chiến lược
biển Việt Nam theo Chương trình số 28-CTr/TU.
- Trong giai đoạn hiện nay, định hướng
nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các hệ thống tuabin gió có công suất nhỏ (0,3kW
đến 5kW) phục vụ hộ gia đình, cung
cấp điện tại chỗ cho các khu dân cư, chiếu sáng đường phố,
du lịch, khu resort,...
- Triển khai khảo sát, đánh giá,
nghiên cứu cụ thể hơn về tiềm năng gió ngoài khơi vùng biển thành phố Đà Nẵng
để có cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư.
- Ưu tiên huy động các tổ chức, cá
nhân có tiềm lực về kỹ thuật và tài chính xúc tiến nghiên
cứu và phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
- Phấn đấu có dự án điện gió đưa vào hoạt động trước năm 2035.
4. Năng lượng khí sinh học:
- Nâng tỷ lệ xử lý chất thải chăn
nuôi cho mục đích năng lượng (khí sinh học), đến năm 2030 có 30% chất thải chăn
nuôi được xử lý.
- Ứng dụng, phát
triển việc sử dụng khí sinh học để vận hành máy phát điện cũng như phục vụ các nhu cầu sấy sản phẩm nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi,
chiếu sáng, sưởi ấm, đun nấu,.. trong
chăn nuôi, trang trại, hộ gia đình.
- Khuyến khích các đề tài nghiên cứu
và chuyển giao thiết bị phát điện công suất nhỏ, hiệu suất
cao tại các trang trại chăn nuôi hiện có cũng như các trang trại
sẽ đầu tư trong tương lai.
5. Năng lượng khí thiên
nhiên:
Nghiên cứu kêu gọi đầu tư các nhà máy
phát điện từ khí đồng hành của các tỉnh lân cận cấp về thành phố, trước mắt có
thể tại cảng Liên Chiểu.
6. Năng lượng sóng biển:
- Tiếp tục triển khai, khảo sát, đánh giá và nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng sóng biển tại vùng biển thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở để kêu gọi thu hút đầu tư.
- Kêu gọi đầu tư để nghiên cứu, thử
nghiệm thiết bị phát điện dùng năng lượng sóng biển phù hợp với chế độ sóng biển của Việt Nam, thành phố Đà Nẵng, tiến
đến khai thác sử dụng.
- Tăng cường các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng năng lượng sóng biển
quy mô công suất vừa và nhỏ.
7. Thủy điện nhỏ và phân
tán:
- Xem xét phát triển thủy điện nhỏ và
vừa theo các mô hình tiên tiến trên thế giới trên cơ sở phải
đảm bảo môi trường, bảo vệ nguồn nước, sản xuất nông nghiệp, an ninh, quốc
phòng.
- Phát triển các mô hình thủy điện cỡ
nhỏ cung cấp nguồn điện tại chỗ.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP
1. Cơ chế, chính sách
- Triển khai kịp thời các cơ chế,
chính sách của Trung ương về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Xây dựng và ban hành các chính sách
phát triển năng lượng tái tạo, năng
lượng mới đặc thù phù hợp để thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng trên địa bàn thành phố.
- Từng bước đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các nguồn hỗ trợ lãi suất,
vay ưu đãi trong phát triển năng lượng tái tạo.
2. Tổ chức, quản lý, phát triển
nguồn nhân lực
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước,
nhận thức của khu vực tư nhân và cộng đồng trong phát triển và sử dụng năng lượng
tái tạo, năng lượng mới:
+ Tổ chức đào tạo tại chỗ kết hợp cử
cán bộ của các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý tham gia các chương trình đào tạo
ngắn hạn, dài hạn, chuyên sâu về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, năng
lượng mới nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả
Đề án.
+ Tổ chức đào tạo, thông tin tuyên
truyền đến khu vực tư nhân và cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng tái
tạo, năng lượng mới để nâng cao nhận thức và khai thác tiềm năng sẵn có.
- Bố trí nguồn ngân sách hàng năm để
triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,
phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
- Phát triển, cải tạo, nâng cấp lưới
điện đi trước một bước để đủ khả năng sẵn sàng tiếp nhận công suất từ các dự án
năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Khuyến khích phát triển cây trồng
năng lượng trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế.
- Khuyến khích và hỗ trợ các trường đại
học, cao đẳng, các cơ sở dạy nghề phát triển giáo trình và giảng dạy các môn học
mới liên quan tới năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển
các dịch vụ và thành lập các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,
năng lượng mới.
- Quản lý, xử lý các chất thải phát
sinh trong lĩnh vực phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo
quy định.
- Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua điện năng được sản xuất từ các
nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo quy định hiện hành.
3. Ứng
dụng khoa học công nghệ
- Phát triển các dạng năng lượng tái
tạo, năng lượng mới trên cơ sở ưu tiên sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng
để phục vụ nhu cầu tự dùng, tiến đến cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.
- Ưu tiên cho các nghiên cứu liên quan đến phát triển và sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo, năng
lượng mới trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp
công nghệ cao.
- Khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận
và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng
năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Khuyến khích đăng ký các đề tài
nghiên cứu liên quan đến phát triển và sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo,
năng lượng mới trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, phát triển công
nghiệp công nghệ cao; các đề tài nghiên cứu thí điểm cho
phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy cải tiến
công nghệ liên quan đến sự phát triển
và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí sản xuất của các sản phẩm năng lượng
tái tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Nghiên cứu các loại cây trồng năng
lượng phù hợp với thổ nhưỡng điều kiện thời tiết tại Đà Nẵng.
4. Hợp tác trong và ngoài nước
- Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và
dài hạn với các tổ chức quốc tế, trong
nước trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về năng lượng
tái tạo.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để thu
hút nguồn vốn và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,
năng lượng mới.
- Tăng cường hợp tác với các nước có
ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phát triển, với các tổ chức,
cá nhân nước ngoài đủ năng lực để phát
triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
5. Hỗ trợ phát triển và thu hút đầu
tư
- Tiếp tục tăng cường triển khai có
hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn tại Quỹ đầu tư phát triển thành phố để thực hiện
đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo
đúng quy định.
- Nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm
các loại hình đầu tư dự án có liên quan đến lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng
năng lượng tái tạo, năng lượng mới vào danh mục phù hợp với đối tượng cho vay tại
Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà
Nẵng theo quy định hiện hành.
- Triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ
lãi suất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo
theo Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của HĐND thành phố
Đà Nẵng.
- Tăng cường thu hút vốn từ mọi thành phần kinh tế vào phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng
mới; sản xuất công nghệ, thiết bị năng lượng.
- Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển
năng lượng bền vững sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá
nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích phát triển
ngành năng lượng.
6. Kinh phí thực hiện
- Kết hợp vận dụng tối đa các quỹ,
chương trình dự án tài trợ trong và ngoài nước đối với các
dự án ứng dụng năng lượng tái tạo tại Đà Nẵng.
- Nguồn ngân sách thành phố bố trí để
thực hiện Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của HĐND
thành phố về hỗ trợ lãi suất cho các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý
được giao, ngân sách thành phố bố trí cho các Sở, ban, ngành theo đúng quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
- Kêu gọi xã hội hóa đối với các đánh
giá tiền khả thi ứng dụng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Là cơ quan điều phối, tham mưu cho
UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ tham mưu UBND thành phố tổ
chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo UBND thành phố giải quyết các
vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
- Tham mưu xây dựng chính sách phát
triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo đặc thù trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức tuyên truyền về cơ chế,
chính sách của Nhà nước, các mô hình hợp tác phát triển năng lượng tái tạo hiệu
quả nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc sử
dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
- Xây dựng, trình UBND thành phố ban
hành kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển năng lượng
tái tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từng giai đoạn đáp ứng
các mục tiêu, lộ trình phát triển năng lượng tái tạo.
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên
quan đề xuất và tham mưu với UBND thành phố xem xét tiếp nhận các dự án hỗ trợ
kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến các
dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành
phố.
- Tiếp tục tham mưu UBND thành phố
triển khai khảo sát, đánh giá chuyên sâu từng dạng năng lượng để phát triển
năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Nghiên cứu, phối hợp với các sở,
ban, ngành đề xuất thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân
trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các
hoạt động khuyến khích phát triển ngành năng lượng.
- Phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện
lực Đà Nẵng định kỳ đánh giá hiện trạng cũng như kế hoạch
nâng cấp, phát triển các trạm biến áp, hệ thống truyền tải, phân phối điện nhằm đảm bảo khả năng giải tỏa hết các công suất các nguồn năng lượng
tái tạo.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện
kế hoạch, chương trình phát triển năng lượng tái tạo hàng năm.
2. Sở Tài chính
- Hướng dẫn, thẩm định Đề án sử dụng
tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thông tư số 144/2017/TT-BTC
ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung
của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
- Hàng năm, vào thời điểm lập dự
toán, trên cơ sở nhiệm vụ thực hiện Đề án được UBND thành phố phê duyệt, các cơ
quan, đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ có tính chất chi thường
xuyên của Đề án lấy ý kiến của Sở Công Thương trước khi gửi Sở Tài chính tổng hợp.
Trong khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND thành phố
trình HĐND thành phố phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì thẩm định, hướng dẫn doanh
nghiệp có dự án đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo được hưởng chính sách
hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 149/2019/NQ-HĐND ngày
12 tháng 7 năm 2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng.
4. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan thực hiện nội dung khuyến khích,
tuyên truyền sử dụng năng lượng tái tạo tại các công trình, tòa nhà đã và đang
xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương
trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật
dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án xây dựng trụ sở công, các dự án kinh
doanh bất động sản trên địa bàn thành phố có kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt
trời trên mái nhà.
- Xây dựng, hướng dẫn UBND quận, huyện
liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, khả năng an
toàn chịu lực và ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và công tác cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình năng lượng tái tạo.
- Triển khai thí điểm việc sử dụng
năng lượng mặt trời để cấp điện cho hệ thống điện chiếu sáng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện lồng ghép mục tiêu phát
triển năng lượng tái tạo vào các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, giảm
phát thải khí nhà kính.
- Phối hợp Sở Công Thương nghiên cứu,
đề xuất và tham mưu UBND thành phố về công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát, xử
lý và tái chế chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực năng
lượng tái tạo trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật về môi trường.
- Xem xét, chủ trì công tác đánh giá
tác động môi trường và đề xuất quy hoạch sử dụng đất phục vụ các dự án năng lượng
tái tạo phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề
xuất nhân rộng kết quả từ các đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo, năng lượng
mới nói chung trong đó có ứng dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên biển,
năng lượng sóng biển, khí sinh học,...
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu công nghệ, giải pháp xử lý, tận dụng các tấm pin năng lượng
mặt trời sau vòng đời dự án.
- Chuyển giao, đổi mới công nghệ, các
giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và cộng
đồng.
- Tổ chức và quản lý tốt sàn công nghệ
nhằm hỗ trợ tốt quá trình chuyển giao công nghệ, giải pháp liên quan đến năng
lượng tái tạo.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Khuyến khích, ưu tiên phát triển mô
hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời để tối ưu hóa tài nguyên đất gắn
với phát điện.
- Khuyến khích phát triển hệ thống
các hầm khí sinh học tại các trang trại chăn nuôi, hộ gia đình nhằm cấp nhiệt,
chiếu sáng và tiến tới phát điện.
- Khuyến khích việc thu gom và sử dụng
nguyên liệu sinh khối cho các hoạt động sản xuất, làm nhiên liệu sinh học và
phát điện.
- Phối hợp trong việc hỗ trợ các nhà
đầu tư nghiên cứu, phát triển cây trồng năng lượng.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì định hướng các cơ quan truyền
thông, báo chí xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động và quảng bá các
sản phẩm, giải pháp ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên các phương
tiện truyền thông.
9. Sở Giáo dục vào Đào tạo
Phối hợp với Sở Công Thương và các tổ
chức liên quan xây dựng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, chương trình ngoại
khóa, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về ứng dụng
năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
10. Sở Giao thông vận tải
Triển khai thí điểm vận chuyển khách
du lịch bằng ô tô điện và ô tô chạy bằng khí thiên nhiên trên một số tuyến đường
trung tâm có kết nối điểm du lịch khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm.
11. Ban Quản lý Khu công nghệ
cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
Xây dựng khu không gian làm việc
chung cho các nhóm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích
các hoạt động nghiên cứu nguồn năng lượng mới năng lượng tái tạo tại Trung tâm
nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.
12. UBND các quận, huyện
- Phối hợp với Sở Công Thương và các
cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền, thông tin về năng
lượng tái tạo, năng lượng mới trong quá trình quản lý đô thị tại địa phương.
- Chủ trì thẩm định thiết kế, cấp giấy
phép xây dựng đối với dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý theo đúng
quy định của pháp luật.
13. Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng
- Xem xét và đầu tư, cho vay đối với
các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới
theo quy định.
- Nghiên cứu đề xuất bổ sung các dạng
năng lượng tái tạo, năng lượng mới vào đối tượng thụ hưởng cho vay đầu tư của
các nguồn quỹ thành phố.
14. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư
thành phố Đà Nẵng
- Hợp tác với các tổ chức trong và
ngoài nước để kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng
mới.
- Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ
tục đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
15. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng
- Xây dựng kế hoạch
nâng cấp, phát triển mới lưới điện cao thế, trung thế, hạ thế phù hợp quy hoạch. Tăng cường quản lý và đánh giá hiện trạng lưới điện và các trạm biến áp phân phối nhằm đảm bảo hiệu quả
đấu nối các hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Cập nhật thường xuyên thông tin khả
năng đấu nối, giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo
từng khu vực, bao gồm danh sách các trạm biến áp/đường dây còn khả năng và không còn khả năng giải tỏa công suất khi đấu nối với
các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để các
chủ đầu tư nắm bắt thực hiện.
- Tổ chức thực
hiện giải pháp lưới điện thông minh thông qua xây dựng hệ thống GIS, từ đó kiểm soát tốt hơn
hệ thống điện, cũng như công suất tại từng trạm biến áp, hỗ trợ hiệu quả cho việc mua điện từ
các hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
- Phối hợp với Sở Công Thương nghiên
cứu xây dựng các chương trình ưu đãi theo quy định để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng
mới.
- Phối hợp với Trung tâm chăm sóc
khách hàng Điện lực miền Trung để quảng bá, tư vấn thông
tin liên quan đến chủ trương, chính sách về năng lượng tái tạo để người dùng biết và thực hiện nếu có nhu cầu.
- Nghiên cứu thực hiện các giải pháp
lưới điện thông minh tích hợp các nguồn điện phân tán (năng lượng tái tạo, năng
lượng mới) nhằm khai thác hiệu quả công suất nguồn năng lượng tái tạo.
- Tổng hợp, báo cáo Sở Công Thương định
kỳ hàng năm về tình hình phát triển điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trên địa
bàn thành phố (số lượng khách hàng, địa điểm lắp đặt, công suất lắp
đặt, sản lượng điện phát lên lưới...).
- Tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu
quả tư vấn thông tin, quy trình đấu nối với dự án đầu tư
năng lượng tái tạo qua Tổng đài tư vấn thông tin (1900 1909) của Tổng công ty Điện lực Miền Trung.
16. Các đơn vị sự nghiệp công lập
- Cung cấp thông tin phục vụ đánh giá
tiềm năng lắp đặt năng lượng tái tạo tại trụ sở đơn vị được giao quản lý, sử dụng.
- Sau khi có chủ trương thực hiện, tổ
chức lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết theo quy định Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số
151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ, Thông tư số
144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để khai
thác hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo tại trụ sở đơn vị được giao quản lý,
sử dụng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở:
Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và
Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải; Trưởng ban Ban Quản lý
Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng;
Chủ tịch UBND các quận, huyện; Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TT HĐND TP (để b/c);
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành;
- Cổng thông tin điện tử TP;
- Lưu: VT, KT, ĐTĐT, SCT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Kỳ Minh
|