Quyết định 1735/QĐ-UBND năm 2008 thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Viện Kinh tế - Xã hội do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 1735/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/07/2008
Ngày có hiệu lực 18/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1735/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, BỘ MÁY CỦA VIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Căn cứ Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 13/2006/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức thành phố Cần Thơ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Viện Kinh tế - Xã hội thành phố là đơn vị sự nghiệp khoa học được ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; có chức năng nghiên cứu, tham mưu và tư vấn cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố các vấn đề chiến lược và chính sách phát triển, quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội, hội nhập, đô thị và các lĩnh vực có liên quan.

Viện có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nghiên cứu khoa học:

- Nghiên cứu xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của thành phố, trong mối quan hệ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, cả nước, tương quan các nước trong khu vực và thế giới; dự báo xu thế, cơ hội, nguy cơ, thách thức; nghiên cứu các điều kiện, nhân tố phát triển của thành phố và khu vực.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển theo ngành, lĩnh vực của thành phố.

- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề thực tiễn về phát triển, quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội, hội nhập, đô thị và các lĩnh vực có liên quan của thành phố và khu vực trong từng giai đoạn để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; chủ động tư vấn, đề xuất, kiến nghị lãnh đạo thành phố và Trung ương các chính sách, công cụ vĩ mô, nhất là các cơ chế, định chế mới, đặc thù, thí điểm phục vụ yêu cầu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và phát triển bền vững của thành phố và khu vực. Tham gia đóng góp với Trung ương trong việc hoạch định chính sách, công cụ vĩ mô về quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nghiên cứu các mô hình, cơ chế, chính sách liên kết, hợp tác có hiệu quả với các địa phương trong cả nước (đặc biệt là với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long) và với các tổ chức, địa phương ngoài nước.

- Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo, thẩm định các chương trình, đề án, đề tài theo sự phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tổ chức hội nghị đóng góp, tư vấn, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và theo yêu cầu của các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước theo quy định hiện hành.

- Tổ chức trao đổi khoa học, hội thảo, tọa đàm... về các vấn đề trong chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội:

Phối hợp theo dõi, phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội định kỳ của thành phố và khu vực, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng; tổ chức nghiên cứu khảo sát thực trạng các lĩnh vực, ngành theo yêu cầu; phát hiện các vấn đề nảy sinh và đề xuất phương án, giải pháp khắc phục.

3. Về thông tin khoa học:

- Được cung cấp số liệu, tài liệu, thông tin kinh tế - xã hội từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố và tổ chức thu thập, điều tra, khai thác các nguồn thông tin để xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động.

- Tổ chức ấn hành các kết quả nghiên cứu, tài liệu tham khảo phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố theo quy định.

- Xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ cho hoạt động của Viện.

4. Về đào tạo:

[...]