Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1735/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án tăng cường công tác triển khai và thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước do tỉnh Bình Phước ban hành

Số hiệu 1735/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/09/2013
Ngày có hiệu lực 20/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Văn Trăm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1735/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 20 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI VÀ THỰC HIỆN LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chương trình làm việc số 50/CTr-UBND ngày 20/3/2013 của UBND tỉnh về Chương trình làm việc năm 2013;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 166/TTr-STP ngày 04/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường công tác triển khai và thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và một số cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh;
- LĐVP, Phòng: NC-NgV;
- Lưu: VT (Đạt 07/9).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI VÀ THỰC HIỆN LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Phần 1.

PHẦN MỞ ĐẦU

Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống pháp luật, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của quản lý Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội; trong đó, có pháp luật về trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. Đây là việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992 bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người bị thiệt hại do hoạt động thực hiện quyền lực hành pháp, tư pháp của Nhà nước gây ra. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường của các cơ quan Nhà nước và các quy định này còn được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 619 và Điều 620). Để cụ thể hóa các quy định nêu trên, đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định hướng dẫn thi hành và để nâng cao hiệu lực thi hành, các quy định này được Nhà nước ta nâng lên thành văn bản có giá trị pháp lý cao hơn với tên gọi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010). Dựa trên các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức Nhà nước và người tiến hành tố tụng (sau đây gọi chung là người thi hành công vụ) gây ra.

Đồng thời, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Một trong các nội dung quan trọng về định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quy định trong Nghị quyết này là xây dựng và hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức Nhà nước gây ra khi thi hành công vụ; chế độ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhất là của Tòa án trong việc bảo vệ các quyền đó; khắc phục việc xử lý oan, sai.

Tuy nhiên, để thực hiện một cách có hiệu quả các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải có một chiến lược cụ thể theo từng giai đoạn nhằm phát huy tối đa tính khả thi của các quy định. Đây là quá trình chuẩn bị về mặt con người, hệ thống cơ sở vật chất, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước trên cơ sở có sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính tập trung, thống nhất; qua đó, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước về hành pháp, tư pháp. Phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.

Việc triển khai và thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước, chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, thử thách. Đây là tình hình chung của việc thực thi pháp luật, bởi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Do đó, trong nội dung Đề án này sẽ đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nâng cao tính thực thi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, triển khai một cách hiệu quả, sâu rộng đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân để họ có thể chủ động tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân, tổ chức khi xảy ra thiệt hại do hoạt động quản lý hành chính gây ra theo quy định của pháp luật. Từ đó, hạn chế được những sai phạm trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Phần 2.

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiện nay, việc triển khai, thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Mặc dù, đây là chủ trương đúng đắn trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền lợi cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hoạt động công quyền gây ra, cụ thể hóa các quy định do Hiến pháp quy định. Nhưng thực tế, việc thực hiện các quy định này tại một số cơ quan, tổ chức vẫn chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, chỉ mang tính hình thức. Việc nắm bắt, chấp hành và vận dụng các quy định này của cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức và người dân chưa thực sự thấu đáo, chính xác. Từ đó, khiến cho giá trị thi hành của văn bản không cao, mục đích ban hành chưa đạt được trên thực tế.

Đối với địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay, có khoảng 874.247 người thuộc 41 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 40 dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc sinh sống xen kẽ nhau và phân bố không đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều, khả năng nhận thức pháp luật của người dân chưa cao trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường. Do đó, việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế người dân không thể hiểu hết được ý nghĩa của các quy định này vì vậy chính bản thân họ không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra thiệt hại do hoạt động quản lý hành chính gây ra.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay của tỉnh không đồng đều về trình độ, chuyên môn đây cũng là thực trạng chung không chỉ riêng của Bình Phước mà còn là tình trạng tồn tại ở các địa phương khác. Điều này dẫn đến việc nắm bắt các quy định trong lĩnh vực công tác của mình cũng như các lĩnh vực khác có liên quan chưa được nắm bắt một cách toàn diện, chính xác. Do vậy, trong quá trình hoạt động, công tác sẽ không tránh khỏi những sai lầm dẫn đến việc có các quyết định, hành vi hành chính gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có thái độ thờ ơ, hời hợt với công việc không thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với Nhà nước, đối với nhân dân, chưa kể đến một số người còn có hành vi nhũng nhiễu. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến những sai phạm và không ít các trường hợp đã gây ra thiệt hại.

Hiện nay, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhìn chung hoạt động tương đối hiệu quả góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, để công tác quản lý hành chính Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn nữa, ngăn ngừa, hạn chế đến mức tối đa những sai phạm thì cần phải có những biện pháp, định hướng hoạt động trong thời gian tới. Việc tăng cường triển khai, thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là biện pháp cần thiết để các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động quản lý đối với ngành, lĩnh vực, địa phương. Qua đó, nhìn nhận, đánh giá những mặt làm được, khắc phục được những mặt tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để hoàn thiện hơn nữa hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, nhân dân đặt ra đối với cơ quan Nhà nước.

[...]