Quyết định 1717/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án trang bị phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Số hiệu 1717/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/09/2013
Ngày có hiệu lực 17/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Văn Trăm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1717/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 17 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRANG BỊ PHẦN MỀM ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH ĐỐI VỚI UBND CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chương trình làm việc số 50/CTr-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về Chương trình làm việc năm 2013;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 165/TTr-STP ngày 04/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án trang bị phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và một số cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Nội vụ;
- Sở Tư pháp (05 bản);
- Sở Tài chính;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- LĐVP, Phòng NC-NgV;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

ĐỀ ÁN

TRANG BỊ PHẦN MỀM ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 17/9/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hành chính nhân khẩu, hộ khẩu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Để nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về hộ tịch, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Đội ngũ Tư pháp - Hộ tịch đã được UBND các xã, phường, thị trấn từng bước kiện toàn, kịp thời bổ sung thêm biên chế để giúp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật, Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ công tác của ngành Tư pháp; nhằm giúp cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật và trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh ở cơ sở có quan hệ trực tiếp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Một số địa phương đã quan tâm đến công tác xây dựng nguồn trong quy hoạch công chức để khi đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch thay đổi sang vị trí khác cao hơn, thì có người đủ tiêu chuẩn, trình độ để thay thế.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Tư pháp - Hộ tịch của tỉnh đã được nâng cao hơn so với những năm trước; UBND cấp xã đã tạo điều kiện cho công chức đi học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn (tỷ lệ công chức Tư pháp - Hộ tịch có trình độ Đại học Luật và Trung cấp chiếm tỷ lệ 90%). Trong 111 xã, phường, thị trấn có 176 công chức Tư pháp - Hộ tịch, 65 xã, phường, thị trấn có 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch (chiếm 58,55% tổng số xã, phường, thị trấn). Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì 30 Đại học Luật (chiếm 17,04%), 95 Trung cấp Luật (chiếm 53,97%), 16 Đại học khác (chiếm 9,11%), 35 Trung cấp khác (chiếm 19,88%). Đa số các xã, phường được kiểm tra đã có 02 công chức phụ trách công tác Tư pháp - Hộ tịch. Ngoài ra, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tại những xã chỉ có 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch, UBND xã đã chủ động hợp đồng người có trình độ để thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hộ tịch. Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, cấp xã; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch. Ngoài việc chỉ đạo các Phòng Tư pháp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch, phát hành, theo dõi việc quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch trong địa bàn tỉnh theo quy định, Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề còn tồn tại trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Một số huyện, thị xã trong tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký hộ tịch, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã bố trí nơi làm việc thuận lợi cho công chức Tư pháp - Hộ tịch để tiếp công dân và nơi lưu trữ sổ lưu hộ tịch theo quy định.

Các loại Sổ, Biểu mẫu dùng để đăng ký hộ tịch được sử dụng theo mẫu của Bộ Tư pháp ban hành; chữ viết trong sổ hộ tịch rõ ràng, dễ đọc; Sổ lưu và hồ sơ lưu về đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, đăng ký lại việc sinh, thay đổi, cải chính hộ tịch được lưu trữ đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, khoa học, thuận lợi cho công tác tra cứu, sao lục. Các thủ tục, trình tự, thời gian và lệ phí về hộ tịch được niêm yết công khai. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các vấn đề về hộ tịch thông qua truy cập mạng internet để tra cứu, khai thác các loại biểu mẫu hộ tịch đã giúp cho việc đăng ký và quản lý hộ tịch được thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo thông tin chính xác. UBND cấp xã quản lý chặt chẽ các sự kiện hộ tịch, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp trong công tác quản lý hộ tịch, để khi có những sự kiện hộ tịch phát sinh, đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố, cán bộ y tế, cộng tác viên dân số nắm rõ các sự kiện hộ tịch để trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về đăng ký, quản lý hộ tịch. Năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 25.779 trường hợp đăng ký khai sinh, 4.598 trường hợp đăng ký khai tử và 9.406 trường hợp đăng ký kết hôn đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ở một số địa phương công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch chưa thực hiện thường xuyên; nhận thức của người dân đối với việc đăng ký hộ tịch có nơi còn hạn chế, chưa thấy được ý nghĩa của việc đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử nên vẫn còn trường hợp trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh, người chết không khai tử kịp thời; nam nữ chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn; tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn còn cao. Vẫn còn tình trạng sai sót khi cấp các giấy tờ hộ tịch cho công dân hoặc giải quyết đăng ký hộ tịch sai thẩm quyền; sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong đăng ký hộ tịch chưa thật đồng bộ... Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hộ tịch, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, xác định công tác đăng ký quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ và nhân dân hiểu, tự giác chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch; có chính sách thu hút các cử nhân luật về làm việc tại cấp xã. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

I. Sự cần thiết ban hành Đề án

Trong những năm qua, với sự cố gắng và nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng qua tổng kết đánh giá công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/1987 đến ngày 31/12/2011 đã bộc lộ một số hạn chế, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng và hệ thống các văn bản pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch thường xuyên thay đổi để phù hợp với thực tế.

1. Sự phát triển trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch

Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết; việc đăng ký hộ tịch là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác định các sự kiện: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính. Đồng thời, căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch các việc: xác định cha, mẹ, con; thay đổi quốc tịch; ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật; chấm dứt việc nuôi con nuôi. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.

Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình. Đồng thời, góp phần xây dựng chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mọi sự kiện hộ tịch phải được đăng ký kịp thời chính xác, mỗi một sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký ở một nơi theo đúng thẩm quyền quy định. Cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo đối với cơ quan quản lý hộ tịch cấp dưới, trường hợp phát hiện thấy sai phạm phải chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Xác định được vai trò quan trọng của việc đăng ký, quản lý hộ tịch nên ngay từ tháng 01 năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/CP ngày 16/01/1961 về ban hành điều lệ đăng ký hộ tịch. Từ đó đến nay, các chính sách về hộ tịch thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung và thay thế cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.

Ngày 27/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (Nghị định số 158/NĐ-CP) về đăng ký quản lý hộ tịch; Thông tư số 01/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/NĐ-CP; Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Thông tư số 8a./2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch; Thông tư số 05/2012/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch; Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đây là những văn bản thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác đăng ký quản lý hộ tịch, phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở. Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện đăng ký một số sự kiện hộ tịch liên quan đến người nước ngoài; UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đăng ký quản lý hộ tịch trên địa bàn, có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các sai phạm trong đăng ký quản lý hộ tịch của UBND cấp xã và thực hiện việc thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên. Việc đăng ký các sự kiện hộ tịch chủ yếu được thực hiện tại UBND cấp xã. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện việc đăng ký các sự kiện hộ tịch của cá nhân được nhanh chóng, thuận lợi với các thủ tục đơn giản.

Bên cạnh các văn bản pháp luật quy định trực tiếp việc đăng ký và quản lý hộ tịch còn có các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật quốc tịch, Luật Lý lịch Tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính... Nhìn chung, đến nay các văn bản pháp luật trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã giải quyết kịp thời nhu cầu hợp pháp của người dân, đáp ứng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ