Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1695/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh An Giang từ năm 2015 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1695/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/08/2015
Ngày có hiệu lực 20/08/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1695/QĐ-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH AN GIANG TỪ NĂM 2015 ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12, ngày 14 tháng 8 năm 2008 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12, ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2010; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 645/TTr-SKHĐT- THQH ngày 25 tháng 8 năm 2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh An Giang từ năm 2015 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh An Giang từ năm 2015 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH:

Phát triển toàn diện hệ thống y tế của tỉnh theo hướng công bằng, hiệu quả chất lượng, từng bước hiện đại, lấy mục tiêu phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân làm trọng tâm. Huy động tiềm năng và nguồn lực của toàn xã hội đầu tư phát triển hệ thống y tế, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập gắn với việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, nhằm đáp ứng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong các hoạt động của ngành y tế.

Phát triển hệ thống y tế An Giang phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đồng thời huy động được tiềm năng, nguồn lực của xã hội.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng hệ thống y tế tỉnh An Giang từng bước hiện đại, hoàn chỉnh theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, phát triển tốt về thể chất, tinh thần, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, góp phần tăng chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030:

a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế dự phòng, làm tốt công tác dự báo và phát hiện sớm, chủ động khống chế kịp thời dịch bệnh, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Củng cố và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, từng bước khắc phục tình hình quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Củng cố và xây dựng hoàn thiện hệ thống cấp cứu, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng và kịp thời cấp cứu của mọi người dân bất cứ nơi đâu.

Phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao chất lượng dân số và tăng tuổi thọ cho người dân.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được phục vụ chăm sóc y tế với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Xây dựng và củng cố các trung tâm kiểm nghiệm, giám định y tế, kiểm dịch y tế quốc tế, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu trong phục vụ khám, chữa bệnh, y tế dự phòng,…

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa y tế, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế vào trong công tác chăm sóc sức khỏe. Khuyến khích và tạo điều kiện ưu đãi về cơ chế, chính sách, đất đai phát triển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tư nhân, phù hợp với nhu cầu phát triển của quy hoạch ngành.

b) Định hướng đến năm 2030:

Đến 2030, hệ thống y tế từ tỉnh đến xã/phường/thị trấn được hoàn thiện, hiện đại, đa dạng. Kết hợp y tế công và y tế tư, trong đó y tế công đóng vai trò nòng cốt; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời phát triển y tế chuyên sâu, y tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Sau năm 2020 hệ thống bệnh viện được đánh giá chủ yếu theo tiêu chuẩn chất lượng. Trên địa bàn tỉnh, các bệnh viện được quyền tiếp nhận người bệnh chuyển từ Trạm Y tế xã, bác sỹ gia đình hoặc các bệnh viện được giao nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu trong hệ thống bảo hiểm y tế và được quyền chuyển người bệnh tới các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa có trình độ chuyên khoa cao hơn và phù hợp, thuộc trung ương hoặc các tỉnh, thành phố khác.

Mở rộng mạng lưới bác sỹ gia đình để làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh và dự phòng ngay tại cộng đồng.

Tài chính cho y tế chủ yếu từ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Mọi người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần; nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, đáp ứng tốt yêu cầu nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[...]