Quyết định 169-CP năm 1977 về công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 169-CP
Ngày ban hành 24/06/1977
Ngày có hiệu lực 09/07/1977
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA VÀ THỐNG KÊ TÌNH HÌNH CƠ BẢN VỀ ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cơ bản mà nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra đối với sản xuất nông, lâm nghiệp;
Căn cứ vào yêu cầu của công tác kế hoạch hóa và của việc tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp ở các cấp;
Căn cứ vào tình hình quản lý sử dụng đất và tình hình biến động của đất trong những năm qua :
Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 1977 sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp về tình hìnhh chuẩn bị cho công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước.

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. _ Tiến hành công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước trong năm 1977 và năm 1978, theo phương án của liên Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Thống kê nhằm phục vụ kịp thời ngay cho công tác kế hoạch hóa, xây dựng kế hoạch 5 năm.

Những chỉ tiêu cơ bản và chủ yếu lần này cần thu nhập tổng hợp là :

1. Tổng diện tích các loại đất.

2. Diện tích các loại đất nông nghiệp (trong đó: diện tích đất trồng lúa, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày; đất để chăn nuôi; đất hồ ao nuôi cá).

3. Diện tích đất lâm nghiệp (trong đó: diện tích rừng gỗ quý, rừng dầy, rừng thưa, rừng đước, rừng tràm, đất đồi trọc).

4. Đất chuyên dùng.

5. Đất có khả năng nông nghiệp.

6. Đất có khả năng lâm nghiệp.

7. Các loại đất khác.

Về phương pháp tiến hành cần kết hợp 2 mặt :

a) Sử dụng tổng hợp những tài liệu ta đã có, trong đó có tài liệu đã nắm được qua việc nghiên cứu phân vùng kinh tế, làm quy hoạch thủy lợi; những bản đồ, ảnh chụp bằng máy bay, tài liệu của chế độ cũ để lại; những bản đồ, tài liệu do các ngành, các địa phương trong cả nước đang giữ…

b) Điều tra lại thực địa.

Điều 2. _ Lực lượng phụ trách công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước bao gồm lực lượng của các ngành thống kê, nông nghiệp, lâm nghiệp, đo đạc bản đồ. Ở các tỉnh và thành phố thì huy động thêm lực lượng của hợp tác xã (ở phía Bắc) và lực lượng của nông hội (ở phía Nam).

Tùy theo yêu cầu và khả năng, có thể kết hợp sử dụng một số học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp mà nội dung học tập phù hợp với nội dung điều tra và học sinh các trường phổ thông, nhưng phải bố trí, sắp xếp cho khéo, không làm ảnh hưởng đến chương trình học tập của học sinh. Có thể huy động thêm một số học sinh đã tốt nghiệp lớp 10 (phía Bắc), lớp 12 (phía Nam) và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dần thành lực lượng chuyên nghiệp.

Điều 3. _ Về đơn vị điều tra: lấy xã, hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh làm đơn vị điều tra; ở một số vùng chưa có xã hoặc địa giới hành chính xã chưa được xác định rõ thì huyện trực tiếp phụ trách. Ngoài ra, có thể có một vài nơi cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách.

Cần làm tốt công tác tổng hợp ở cấp huyện để phục vụ cho việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện như nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra.

Điều 4. _ Về tổ chức chỉ đạo:

- Ở cấp trung ương: Tổng cục Thống kê, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm thường trực công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước; Tổng cục Thống kê làm thường trực tổng hợp.

Phó thủ tướng Võ Chí Công thay mặt Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác này.

- Ở các cấp tỉnh, thành phố, huyện và xã sẽ do các ngành liên quan (tương tự như ở trung ương) phụ trách công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất và do một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện hoặc xã trực tiếp chỉ đạo.

- Bộ Nông nghiệp (Vụ quản lý ruộng đất), Bộ Lâm nghiệp (Viện quy hoạch và đo đạc), Bộ Quốc phòng (Cục đo đạc quân đội) và Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác hoàn chỉnh bản đồ, tài liệu về ruộng đất, kể cả việc trích in ảnh chụp bằng máy bay, tính diện tích cho từng lô, thửa; đo đạc lại bằng phương pháp giản đơn số diện tích trong ảnh chụp chưa rõ và số diện tích từ trước tới nay chưa đo đạc. Tất cả các công việc trên cần hoàn thành xong trước ngày 30 tháng 09 năm 1977 ở các tỉnh phía Bắc và xong trước ngày 31 tháng 12 năm 1977 ở các tỉnh phía Nam.

- Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến, quán triệt toàn bộ nội dung và yêu cầu của việc điều tra này đến các ngành, các cấp; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ các cấp và số cán bộ trưng tập.

- Bộ Tài chính xem xét và cấp phát một số kinh phí cần thiết phải chi thêm cho công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất theo tinh thần triệt để tiết kiệm, đồng thời có thông tư hướng dẫn kế hoạch chi tiêu về việc này cho các Sở, Ty tài chính.

[...]